Bị cáo Huyền Như và bị cáo Võ Anh Tuấn tại phiên toà (Ảnh: H.H) |
Trong vụ án này, Huyền Như đã cùng đồng phạm là Võ Anh Tuấn – nguyên Phó GĐ Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 doanh nghiệp (DN), với tổng số tiền 1.085 tỷ đồng. Điều tréo ngoe xảy ra tại phiên toà, các luật sư bên bị hại đã yêu cầu HĐXX huỷ bản án sơ thẩm, chuyển tội danh của các bị cáo sang tội “tham ô”...; trái lại, phía bị cáo Huyền Như lại thừa nhận phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt” 1.085 tỷ đồng của các bị hại và không yêu cầu huỷ án...
DN đổ lỗi cho ngân hàng
Trong 5 DN bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng, có 4 DN kháng cáo bản án sơ thẩm số 56/2018/HSST, ngày 9.2.2018 của TAND TPHCM. Đó là 4 DN: Cty An Lộc (170,3 tỷ), Cty Phương Đông (380 tỷ), Cty Bảo hiểm Toàn Cầu (124,9 tỷ) và Cty Saigonbank-Berjaya (SBBS, 209,9 tỷ). Ngoài ra, bị cáo Võ Anh Tuấn cũng kháng cáo kêu oan, vì cho rằng không phạm tội đồng phạm, tiếp sức cho Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200,1 tỷ đồng của Cty Hưng Yên...
Tại phiên toà, tất các các luật sư bảo vệ cho quyền lợi của 4 DN đều chung một quan điểm là đổ lỗi cho phía ngân hàng đã có sai phạm, để cho bị cáo Huyền Như nhân danh là cán bộ ngân hàng, dẫn dụ các DN đổ tiền gửi vào Vietinbank để hưởng lãi suất...
Các luật sư cho rằng, vì tin tưởng Huyền Như là quyền trưởng phòng giao dịch Vietinbank; mặt khác, vì Vietinbank là ngân hàng uy tín nên DN gửi tiền. Vì vậy, về pháp nhân là giao dịch với Vietinbank chứ không phải với Huyền Như. Tài khoản cũng là tài khoản thật, mở tại Vietinbank, cho nên xảy ra “sự cố” thì Vietinbank phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho khách hàng...
Huyền Như thừa nhận “tôi đã lừa đảo để chiếm đoạt tiền...”
Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)– bảo vệ quyền lợi cho Cty Phương Đông, cho rằng: “Cần phải huỷ bản án sơ thẩm, vì xác định tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án này là không chính xác; mà phải chuyển sang tội “tham ô”. Bởi bị cáo Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank, chứ không phải của 5 DN. Vietinbank phải trả lại tiền (1.085 tỷ đồng) cho các DN”.
Thật tréo ngoe, trong khi luật sư các bị hại yêu cầu đổi tội danh, thì luật sư Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn luật sư TPHCM) – bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như – lại cho rằng: “Tôi hoàn toàn đồng tình với bản án sơ thẩm kết luận bị cáo Huyền Như đã phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 5 DN”.
Bên cạnh đó, ngay tại toà, bị cáo Huyền Như cũng khẳng định nhiều lần về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là 1.085 tỷ đồng của 5 DN. Và, bị cáo Như không kháng cáo, mà chấp nhận mức án “chung thân” tại bản án sơ thẩm...
Theo ý kiến của Viện Kiểm sát cấp cao tại phiên toà: Do bị nợ nần, Như đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, móc nối với một số cán bộ, nhân viên làm việc tại các đơn vị, DN để dẫn dụ gửi tiền vào Vietinbank, với mức lãi suất cao để thoả thuận trái luật. Để tạo lòng tin, Như bỏ tiền cá nhân trả tiền chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng, phí môi giới.
Do các Cty ham lợi, muốn hưởng lãi suất cao vượt quy định tiền gửi của Ngân hàng nhà nước. Sau khi tiền chuyển vào tài khoản thanh toán của DN, Như lập các chứng từ giả, ký chữ ký giả của chủ tài khoản, đóng dấu giả, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm sát viên, trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng để trả nợ cá nhân. Như vậy, ngay từ đầu, Như đã có ý thức dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của 5 DN, ngay từ khi các Cty chưa gửi tiền...
Theo Viện Kiểm sát, 5 DN gửi tiền cũng có lỗi, khi thực hiện thoả thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước; lỗi trong quá trình thực hiện giao dịch gửi tiền, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản trong việc quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật của Huỳnh Thị Huyền Như...
Trong việc chiếm đoạt 200,1 tỷ đồng của Cty Hưng Yên, Như lấy tên giả, mạo danh là nhân viên Vietinbank Nhà Bè... Biết hành vi trên là sai, nhưng Võ Anh Tuấn – Phó GĐ Vietinbank Nhà Bè vẫn mặc nhiên cho Như lừa đảo, làm giả hợp đồng để chiếm đoạt tiền... Sau đó, Tuấn được Như rót cho 10 tỷ đồng.
Từ các nhận định trên, quan điểm của Viện Kiểm sát vẫn khẳng định bản án sơ thẩm kết tội bị cáo Huyền Như và bị cáo Võ Anh Tuấn, với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 5 DN, là đúng đắn. Bản án tuyên Huyền Như mức án tù “chung thân” và Võ Anh Tuấn 7 năm tù giam, cộng với mức án tuyên trong vụ án lừa đảo trước, đã xử ở giai đoạn 1 là 20 năm – tổng cộng Tuấn phải chịu mức án 27 năm tù giam là có cơ sở. Việc bị cáo Tuấn kháng cáo bản án 7 năm tù và cho rằng toà xử một tội danh nhiều lần là quá nặng... Tuy nhiên, việc kháng cáo này đã bị Viện Kiểm sát bác bỏ ngay tại toà.
Ngày mai phiên tòa tiếp tục.
Xét xử 'siêu lừa' Huyền Như: Tòa bác đề nghị triệu tập 5 cựu lãnh đạo Vietinbank
Trong phần thủ tục phiên xử siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như, HĐXX cho rằng, trong quá trình điều tra xét xử, 5 cựu lãnh ... |
4 bị hại kháng cáo 'đòi' tiền Vietinbank, Huyền Như lại hầu tòa
4 công ty cho rằng Vietinbank có lỗi trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng và quản lý nhân viên nên ngân hàng ... |