Những chia sẻ của BS CKII Trần Ngọc Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về phương pháp da kề da đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh.
BS CKII Trần Ngọc Hải – Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ – TP.HCM. (Ảnh: Băng Châu) |
- Bác sĩ có thể cho biết về sự ra đời của phương pháp da kề da ở Việt Nam?
Theo những đánh giá gần đây nhất của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ ở Việt Nam khoảng 20%, nghĩa là khoảng 80% trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Y tế đã cho triển khai phương pháp da kề da ngay sau sinh hoặc sau mổ lấy thai. Bộ Y tế đã dùng những biện pháp về mặt quản lý, đưa việc này vào để đánh giá chất lượng bệnh viện, đó là mục e. vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ và đưa nguyên mục da kề da ngay sau sinh, sau mổ lấy thai.
- Vậy phương pháp da kề da được thực hiện như thế nào?
Ngay sau khi chào đời, trẻ được lau khô một cách nhanh chóng, toàn diện và được đặt tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ, thời gian tiếp xúc da kề da ít nhất 90 phút. Đối với những ca sinh thường, sau tiếp xúc da kề da, cần kẹp dây rốn và cắt rốn bằng dụng cụ tiệt trùng. Mẹ có thể cho con bú khi thấy trẻ có những dấu hiệu đòi ăn. Còn với trường hợp sinh mổ, sau khi trẻ được lau khô, cán bộ y tế chờ cho dây rốn ngừng đập (khoảng 1-2 phút) sau đó cắt rốn và cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ.
(Ảnh: Băng Châu) |
- Phương pháp da kề da này mang lại lợi ích gì cho người mẹ thưa bác sĩ?
Một trong những lợi ích đầu tiên của phương pháp da kề da là giúp bà mẹ giảm đau. Đối với người mẹ, sau quá trình vượt cạn rất mệt mỏi và bị đau do dạ con bị co thắt. Mọi người rất ngạc nhiên khi hỏi tôi: tại sao da kề da lại giúp giảm đau? Đứa bé ra đời sau 9 tháng 10 ngày là niềm vui, niềm hạnh phúc của bà mẹ và gia đình. Khi da đứa trẻ mềm mại, êm ái được tiếp xúc trực tiếp với da người mẹ, người mẹ được ôm ấp được trẻ vào lòng thì có cảm giác rất dễ chịu.
Về mặt y học, khi da kề da là cảm giác các đầu dây thần kinh ở vùng da của sản phụ nổi lên rất nhiều. Khi đứa trẻ được đặt sấp trên người mẹ, hai bàn tay đặt lên hai núm vú – đó là nơi có nhiều dây thần kinh cảm giác, chỉ cần động chạm nhẹ từ đôi bàn tay của đứa trẻ thì rất nhiều cảm giác sẽ ùa về, được yêu thương, sung sướng, được thỏa mãn rất cao.
Khi cảm giác sung sướng, thoải mái và thỏa mãn được đến như vậy thì trong cơ thể người phụ nữ sẽ tiết ra một chất giảm đau mà dân gian gọi là “ma túy nội sinh”. Từ những chất đó sẽ làm sản phụ bớt đau, giúp cho tinh thần của người mẹ được yên tâm.
Khi "ma túy nội sinh" tăng thì các hệ thống nội tiết đồng vận của người mẹ sẽ phát sinh ra huy động các chất nội tiết đồng phát triển, trong đó có nội tiết đồng tiết sữa làm cho sữa về nhiều hơn. Người mẹ được vui sướng, hạnh phúc thì sữa sẽ về nhiều và nhanh hơn. Khi da kề da từ 10-15 phút thì tự động đứa trẻ sẽ bò, trườn tới, tìm được bầu sữa và bắt được đầu bú.
(Ảnh: Băng Châu) |
- Có thể thấy rằng, da kề da giúp bà mẹ giảm đau, còn đối với trẻ sơ sinh thì sao thưa bác sĩ?
Khi đứa trẻ nằm trong bụng mẹ luôn được tiếp xúc ở nhiệt độ 37 độ C, khi ra ngoài thì nhiệt độ môi trường thấp hơn, đứa bé sẽ dễ mất nhiệt. Dù có mặc áo ấm, đắp khăn nhưng chỉ mang tính chất cục bộ. Còn khi da kề ra thì toàn bộ thân thể, nhiệt độ của em bé được người mẹ ủ ấm. Như vậy, đứa trẻ đó sẽ được đảm bảo thân nhiệt tốt, hạn chế được tình trạng giảm nhiệt. Giảm nhiệt thường gây ra tình trạng tím tái – rất nguy hiểm cho em bé. Như vậy, da kề da đứa trẻ sẽ được đảm bảo thân nhiệt tốt, cảm giác yên tâm.
Mọi người thường hỏi, đứa trẻ mới sinh ra làm sao biết yên tâm? Nhưng quan sát thực tế cho thấy rằng, nếu chúng ta cách ly đứa trẻ với mẹ thì đứa trẻ sẽ có tiếng khóc, nhịp đập, nhịp mạch sẽ khác so với khi được ở bên mẹ.
Khi đặt em bé trên người mẹ, người ta quan sát thấy rằng, nhịp tim của đứa trẻ ổn định hơn, tiếng khóc cũng thay đổi vì có nhịp đập, mùi của người mẹ đó khi đứa trẻ đã quen khi nằm trong bụng, đứa trẻ như được trở lại môi trường. Khi nằm trên người mẹ, đứa trẻ đó sẽ được chăm sóc và theo dõi được liên tục, người mẹ và mọi người trong gia đình chăm sóc cùng một tầm nhìn của hai mẹ con. Như vậy, sẽ đảm bảo được sự an toàn nhất cho con.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
(Ảnh: tamanhhospital) |
Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động chiến dịch "Cái ôm đầu tiên" tại các nước trong khu vực Tây Thái Bình dương, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, việc chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm đã được thực hiện tại 16 quốc gia, trên 30.000 cán bộ y tế được tập huấn tại hơn 2.500 cơ sở y tế, đạt gần đến con số 4 triệu trẻ sơ sinh được chăm sóc tốt hơn. Với các bước đơn giản có thể cứu sống hàng nghìn em bé sơ sinh và ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca biến chứng mỗi năm do các thực hành có hại hoặc lỗi thời trong chăm sóc trẻ mới chào đời. Thông qua chiến dịch "Cái ôm đầu tiên", WHO khuyến khích thay đổi các thực hành hiện thời, tuyên truyền cho các gia đình và cá nhân biết để họ đòi hỏi nhân viên y tế cung cấp các thực hành tốt nhất. |
Sản phụ ôm con trong 60 phút sau sinh sẽ giảm nguy cơ băng huyết | |
'Cái ôm đầu tiên' có ý nghĩa như thế nào với trẻ sơ sinh? |