Quan điểm của Giáo sư Lâm Quang Thiệp về không công bố đề, đáp án thi quốc gia

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đề thi, đáp án.

LTS: Thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia 2017, vì câu hỏi sẽ được dùng trong nhiều năm nên Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi, đáp án sau khi kết thúc môn thi như trước đây. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đề thi, đáp án. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc rằng, nếu không công bố đề thi, đáp án thì thí sinh lấy đâu ra căn cứ biết mình đã làm đúng hay sai? Và thí sinh không có cơ sở để đối chiếu xem bài của mình bị chấm lỏng hay chặt để đề nghị phúc khảo? Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với GS.Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) xung quanh vấn đề này để cùng độc giả đi tìm câu trả lời nên hay không công bố đề thi, đáp án sau kỳ thi quốc gia sắp tới.

Phóng viên: Mới đây, Bộ GD&ĐT có thông báo, sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ không công bố đề thi, đáp án các môn thi trắc nghiệm và Bộ giải thích rằng “ở các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án”.

Làm công tác quản lí của ngành giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học nhiều năm, Giáo sư cho biết kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này?

GS.Lâm Quang Thiệp: Nói nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án có lẽ không chính xác. Tôi chỉ xin lấy vài ví dụ. Chẳng hạn, tôi đã có dịp thăm “Trung tâm quốc gia Tuyển sinh đại học” thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tại Tokyo. Hàng năm Trung tâm này tổ chức kỳ thi bằng các đề trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa cho hơn nửa triệu thí sinh để toàn bộ các trường đại học công lập và phần lớn trường tư thục dùng kết quả xét tuyển.

quan diem cua giao su lam quang thiep ve khong cong bo de dap an thi quoc gia
GS.Lâm Quang Thiệp (Ảnh: Thùy Linh)

Theo lịch trình của họ, 2 tiếng đồng hồ sau khi kết thúc kỳ thi thì đề thi và đáp án phải được công bố. Nên lưu ý rằng đây là kỳ thi “quốc gia”, cũng giống như kỳ thi THPT quốc gia của ta. Một ví dụ ngược lại về các kỳ thi SAT và ACT để tuyển sinh đại học của các tập đoàn đánh giá tư nhân ở Mỹ.

Các kỳ thi này chủ yếu bằng trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa, mỗi loại tổ chức mỗi năm 6 lần. Các tập in đề thi của họ đều được đánh số và sẽ được thu về đầy đủ sau mỗi kỳ thi. Tuy nhiên, nên nhớ rằng đây không phải là các kỳ thi “quốc gia”, và các tập đoàn này đã hoạt động nhiều năm (SAT từ năm 1026, ACT từ 1959), rất chuyên nghiệp và có uy tín rất cao. Thí sinh ở Mỹ hoàn toàn tín nhiệm các tập đoàn này, và họ cũng có thể tùy ý lựa chọn một trong hai tập đoàn để dự thi.Theo Giáo sư lý do nào khiến Bộ GD&ĐT dự định không công bố đề thi?

GS.Lâm Quang Thiệp: Một trong các lý do của việc giữ bí mật đề thi là để sử dụng lại một số câu hỏi cho các kỳ thi sau. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề này liên quan đến cách làm đề cho kỳ thi quốc gia năm 2017.

Theo một số thông báo của Bộ, nhằm chống quay cóp, mỗi thí sinh trong phòng thi sẽ được làm một đề hoàn toàn khác nhau, do đó số câu hỏi được sử dụng sẽ rất nhiều, nếu công bố mọi đề thi thì “mất mát” quá lớn!

Tôi không hiểu tại sao phải làm như vậy. Nếu mỗi thí sinh trong phòng thi được làm một đề hoàn toàn khác nhau, thì việc đảm bảo mức độ tương đương của mọi đề thi sẽ khá khó khăn, nên việc so sánh điểm thi của họ với nhau sẽ có vấn đề. Mấy năm trước đây mỗi môn trắc nghiệm chỉ dùng một đề, các câu hỏi và phương án trả lời trong đề đó được chuyển đổi vị trí thành 6 đề tương đương để chống quay cóp.

Cách xử lý như vậy rất đơn giản, và mức độ tương đương của các đề có thể chấp nhận được. Nếu muốn tăng hơn nữa hiệu quả chống quay cóp, có thể chuyển thành số đề tương đương nhiều hơn, chẳng hạn một vài chục đề, cũng không có gì khó khăn.

Bằng cách đó mỗi môn chỉ cần công bố một đề thi như trước đây đã làm, hết sức đơn giản.Giáo sư có thể phân tích cụ thể lợi hại của việc công bố và không công bố đề thi?

GS.Lâm Quang Thiệp: Công bố đề thi rất có lợi: trước hết điều đó phù hợp với xu hướng tạo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục mà Bộ đang khuyến khích, thí sinh và xã hội yên tâm và hoan nghênh, xã hội giúp giám sát các bộ phận có trách nhiệm làm đề thi và xem xét đề thi nếu có vấn đề thì xử lý để đảm bảo sự công bằng.

Về phía các bộ phận làm đề thì sẽ tăng ý thức trách nhiệm khi được giám sát.

Bất lợi chỉ ở chỗ làm lộ một số ít câu hỏi thi nên các năm sắp tới không sử dụng lại được.

Tuy nhiên Bộ vừa công bố là đã xây dựng và thẩm định được 45.000 câu hỏi, như vậy số câu hỏi sẽ công bố là rất nhỏ, không đáng kể. Có lẽ do tính toán lợi hại như vậy mà nhiều nước đã quyết định công bố đề thi ở các kỳ thi quốc gia.

Còn việc không công bố đề thi thì rất bất lợi. Trước hết, nó ngược với xu hướng khuyến khích sự minh bạch hiện nay, thí sinh và xã hội nghi ngờ, không yên tâm vì mất quyền giám sát. Và một bất lợi cụ thể nữa là, chúng ta đang tiến một bước về công nghệ thi cử trong kỳ thi 2017, nhưng lại lùi một bước về xu thế minh bạch. Còn cái lợi của việc không công bố đề thi thì thực ra rất nhỏ: đó là giữ được bí mật cho một số ít câu hỏi và giúp cho những người có trách nhiệm làm đề đỡ “lo lắng” vì không bị xã hội giám sát.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.