Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam là chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành...
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, tổng nợ phải trả của VEC chiếm hơn 90% tổng nguồn vốn. Trong đó, 77,4% là nợ dài hạn, với thời hạn thanh toán dao động 16-40 năm. Số nợ này được dồn về tài trợ vốn cho các dự án cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được dự kiến sẽ "ngốn" thêm tiền mở rộng, do lưu lượng quá tải. (Ảnh: Độc Lập/Báo Thanh Niên).
Các hợp đồng vay của VEC được cung cấp bởi ba chủ nợ lớn, là Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, với dư nợ cuối kì lần lượt là 31.200 tỉ đồng, 28.960 tỉ đồng và 12.750 tỉ đồng.
Ngoài ra, đơn vị này còn khoản nợ 8.000 tỉ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.
Năm 2018, VEC đạt doanh thu năm 3.225 tỉ đồng, gần hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Trong đó, tuyến Nội Bài - Lào Cai thu được 1.280 tỉ đồng, tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đóng góp 981 tỉ đồng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thu về 646 tỉ đồng và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi góp 229 tỉ đồng vào tổng doanh thu.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai đem lại nguồn thu cao nhất cho VEC. (Đồ họa: Tất Đạt).
Vì hợp đồng bằng ngoại tệ (USD và yen Nhật) nên khoản lỗ chênh lệch tỉ giá mà VEC ghi nhận vào năm 2018 khá lớn, lên đến 2.151 tỉ đồng, trong khi năm 2017, mức lỗ do chênh lệch tỉ giá là 368 tỉ đồng. Khoản lỗ này góp phần khiến lãi ròng giảm 390 lần so với năm trước, chỉ còn 2,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này lại vượt mong đợi của Bộ Giao thông Vận tải.
Đến 31/12/2018, tổng tài sản của VEC đạt đến 97.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh được phê duyệt, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 khoảng 3.400 tỉ đồng.