Quảng Ngãi phát triển đô thị dọc sông Trà Khúc, mở rộng không gian về phía đông đón sóng đầu tư

Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định loạt định hướng quan trọng về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; khu kinh tế, khu công nghiệp; thương mại và du lịch trên địa bàn, thu hút làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp.
Quảng Ngãi đầu tư hạ tầng, đón sóng đầu ty - Ảnh 1.

Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thanh Niên).

Điểm nhấn đô thị dọc hai bên sông Trà Khúc

Theo nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển, địa phương này xác định hàng loạt định hướng quan trọng về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; hạ tầng thương mại; văn hóa, thể thao, du lịch,…

Về phát triển hạ tầng giao thông, Quảng Ngãi ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông theo quy hoạch; các công trình, dự án ở TP Quảng Ngãi và các đô thị.

Cụ thể, tỉnh tập trung hoàn thành các dự án chuyển tiếp, gồm nâng cấp, mở rộng đường tỉnh Quảng Ngãi - Chợ Chùa; mở rộng tuyến ĐT.623B (Quảng Ngãi - Thạch Nham) giai đoạn 2; nâng cấp tuyến đường ĐT.624B (Quán Lát - Đá Chát), đoạn Km0+00 - Km8+00;…

Địa phương sẽ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm kết nối tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh trong khu vực; trong đó đầu tư hoàn thành đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (hai giai đoạn 2.200 tỷ đồng); đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (3.500 tỷ đồng); nâng cấp,mở rộng và xây dựng mới các tuyến chính ra vào TP Quảng Ngãi kết nối đến trung tâm các huyện, khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu, điểm du lịch,…

Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong; đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa (850 tỷ đồng); nạo vét, chỉnh trị sông Trà Khúc khu vực từ cầu Trường Xuân đến Cửa Đại (giai đoạn 1, đoạn từ cầu Trường Xuân đến Đập dâng), triển khai thực hiện dự án tuyến đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất II 2.500 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Quảng Ngãi dự kiến thực hiện 25 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng.

Quảng Ngãi đầu tư hạ tầng, đón sóng đầu ty - Ảnh 2.

Phối cảnh quy hoạch hai bên bờ sông Trà Khúc. (Ảnh: UBND Quảng Ngãi).

Về phát triển hạ tầng đô thị, tỉnh Quảng Ngãi xác định việc quy hoạch phát triển đô thị du lịch ven biển, ven sông gắn với nạo vét, đầu tư hạ tầng để phục vụ phát triển cảnh quan đô thị dọc hai bên sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi.

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dọc hai bờ sông Trà Khúc kéo dài cầu Trà Khúc 2 đến Cửa Đại, với tổng diện tích hơn 252 ha, chiều rộng mỗi bên trung bình 200 m. Đây là khu vực giữ vai trò quan trọng về không gian kiến trúc, cảnh quan của TP Quảng Ngãi, phục vụ du lịch, tạo tiền đề phát triển các khu thương mại, khu đô thị mới và khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông.

Hiện nay, TP Quảng Ngãi được định hướng phát triển chủ yếu về phía biển. Đến năm 2025, hoàn chỉnh đô thị loại II, đạt một số tiêu chí đô thị loại I; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt chuẩn đô thị loại I. Trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi đầu tư các dự án lớn như khu đô thị An Phú Sinh, Phú Mỹ, 577, khu đô thị bờ bắc sông Trà Khúc..

Trong thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đầu tư các khu đô thị tại Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Tịnh Long, Tịnh An; các khu đô thị sinh thái - du lịch ven biển tiếp tục được triển khai xây dựng theo quy hoạch được duyệt, mở rộng không gian đô thị về phía đông.

Những dự án phát triển hạ tầng nào được ưu tiên đầu tư?

Thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ việc tập trung hoàn thành các công trình, dự án quan trọng ở TP Quảng Ngãi và vùng phụ cận, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế liên vùng.

Về nhóm dự án hạ tầng đô thị, tập trung hoàn thành các dự án như mở rộng nút giao thông ngã 5 cũ; đường Trà Bồng Khởi Nghĩa, (đoạn từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Quang Trung); đường Chu Văn An (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Hùng Vương); Khu dân cư An Phú (Đảo Ngọc), Kè chống sạt lỡ và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà Khúc (cầu Trà Khúc 1 - bến Tam Thương), triển khai thực hiện dự án Cầu Trà Khúc 1.

Cuối tháng 8 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án cầu Trà Khúc 3.

Dự án do Ban quản lý dự án xây dựng giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 với tổng kinh phí khoảng 850 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí 525 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh.

Đây là dự án nhóm B, chiều dài tuyến khoảng 2,6 km. Trong đó, chiều dài đường khoảng 1,7 km và chiều dài cầu khoảng 0,9 km; bề rộng đường 26 m và bề rộng cầu 19,5 m

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng công viên cây xanh và các khu vui chơi giải trí quy mô lớn; đầu tư công viên và một số hạng mục cần thiết tại khu vực núi Thiên Bút.

Đối với nhóm dự án về phát triển hạ tầng du lịch, Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định phát triển du lịch sinh thái ở núi Cà Đam, Gành Yến, suối nước nóng Thạch Bích, Bàu Sen huyện Tư Nghĩa; Khu văn hóa Thiên Mã; Khu văn hóa Thiên Ấn; đầu tư hoàn thiện các dự án: Suối Chí, Bãi Dừa, suối nước nóng Nghĩa Thuận, thác Trắng, Thiên Đàng; các khu du lịch nghỉ dưỡng ở khu đô thị Vạn Tường, Bình Châu, Mỹ Khê, Mộ Đức, Sa Huỳnh.

Về phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, địa phương tập trung hoàn thành các dự án như đường Trì Bình - cảng Dung Quất; đường giao thông trục chính nối Trung tâm phía bắc và phía nam đô thị Vạn Tường; các tuyến đường trục vào Khu công nghiệp nặng Dung Quất phía đông; tuyến đường trục liên cảng Dung Quất 1; khu dân cư Mẫu Trạch; sửa chữa cầu Trà Bồng; tuyến Dốc Sỏi - sân bay Chu Lai; đầu tư hai tuyến đường giao thông nối đường D4 Khu công nghiệp VSIP và đường số 7 Khu công nghiệp Tịnh Phong và tuyến đường Hàng Gia - Vĩnh Tuy; xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Vạn Tường.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất; Khu công nghiệp Phổ Phong; dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP 2 Quảng Ngãi, Khu công nghiệp - Đô thị Dung Quất, Khu công nghiệp nhẹ Bình Hòa - Bình Phước; đầu tư xây dựng cụm cảng tổng hợp - container Dung Quất.

Quảng Ngãi đầu tư hạ tầng, đón sóng đầu ty - Ảnh 3.

Một góc Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đang thu hút doanh nghiệp đầu tư. (Ảnh: bsr.com.vn).

Các doanh nghiêp đổ về Quảng Ngãi đầu tư khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng

Quảng Ngãi là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giáp sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và có cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 1A chạy qua.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có Khu kinh tế Dung Quất. Theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 được phê duyệt năm 2011, Khu kinh tế Dung Quất có tổng diện tích khoảng 45.332 ha, bao gồm phần diện tích hiện hữu 10.300 ha, phần diện tích mở rộng khoảng 24.280 ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển.

Hiện nay, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lập mới. Theo đó, Khu kinh tế Dung Quất được định hướng thành một khu kinh tế đa ngành - đa lĩnh vực, có trung tâm công nghiệp - dịch vụ - du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô dân số phát triển khoảng 400.000 – 500.000 người.

Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhiều dự án tại Khu kinh tế Dung Quất và một số khu vực khác trong tỉnh như: Khu đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (giai đoạn 1-1A) và Khu dịch vụ hỗn hợp VSIP Quảng Ngãi do Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi đầu tư với quy mô gần 118 ha; CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư hoặc liên danh với các công ty khác đầu tư 4 dự án khu đô thị quy mô hơn 165 ha; CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Bờ Bắc kết hợp chỉnh trang đô thị và Khu dân cư Phan Đình Phùng quy mô gần 70 ha,…

Hiện nay, Quảng Ngãi đang tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư hoặc đang lập quy hoạch loạt dự án mới với quy mô hàng nghìn ha.

Đơn cử, CTCP Khu công nghiệp Gilimex đã đề xuất quy hoạch dự án Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi trên diện tích 730 ha trong Khu kinh tế Dung Quất. Dự án có phía nam tiếp giáp với Khu công nghiệp Dung Quất 2 và phía đông giáp với Khu đô thị Vạn Tường.

Bên cạnh các khu đô thị hiện hữu, Phát Đạt đang lập quy hoạch dự án Khu Công nghiệp - Dịch vụ đô thị Phát Đạt Dung Quất có tổng diện tích 1.152 ha, nằm trên đường Võ Văn Kiệt - trục đường chính của Khu kinh tế Dung Quất.

Trong khi đó, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi quy hoạch Khu công nghiệp VSIP II trên địa bàn hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh với tổng quy mô nghiên cứu khoảng 3.110 ha.

Còn CTCP Tổng Công ty Đầu tư Hợp Nghĩa quy hoạch dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Dung Quất II với diện tích khoảng 1.145 ha ở huyện Sơn Tịnh, huyện Bình Sơn và TP Quảng Ngãi.

Ở lĩnh vực bất động sản du lịch, CTCP Biệt thự nghỉ dưỡng Mỹ Khê (thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng) đầu tư Khu đô thị và du lịch biển Mỹ Khê.

Dự án dự kiến chia thành ba phân khu, trong đó có Tổ hợp khách sạn 5 sao gồm 400 phòng hướng biển, trung tâm hội nghị, mua sắm, khu biệt thự bungalow cao cấp,...

Trước khi quy hoạch đầu tư dự án này, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã đầu tư, đưa vào hoạt động dự án Thành phố giáo dục quốc tế tại Quảng Ngãi năm 2019. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 10 ha, tổng vốn 1.000 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Thạch Bích diện tích khoảng 200 ha ở huyện Trà Bồng và huyện Bình Sơn. Hiện các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang lấy ý kiến về dự án này.