Cập nhật từ TTKTTV Trung ương, vào sáng sớm nay 19/10, bão số 7 Sarika đã vượt đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Gió mạnh nhất trong bão số 7 đã giảm 3 cấp (từ cấp 14 xuống cấp 11).
Cụ thể, vào lúc 01 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 210km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 12-13.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, đến 02 giờ ngày 19/10 tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đo được gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Uông Bí, Bãi Cháy gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, Cẩm Phả gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Mẫu Sơn gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Dự báo trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Đến 04 giờ ngày 19/10 tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đo được gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Uông Bí, Bãi Cháy gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, Cẩm Phả gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Mẫu Sơn gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Hồi 04 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 11-12.
|
Dự báo trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được 10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 04 giờ ngày 20/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở Bắc Vịnh Bắc Bộ, các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; riêng Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12. Sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh.
Ở Nam Vịnh Bắc Bộ (vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 6-8. Trên đất liền các tỉnh Hải Phòng, Đông Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; Quảng Ninh gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo trong ngày và đêm nay (19/10) sẽ xuất hiện mưa vừa, mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn: 150-250mm/cả đợt.
Ngay sau khi được dự báo về sức tàn phá của cơn bão số 7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để gấp rút triển khai công tác phòng, chống bão và yêu cầu toàn tỉnh tổ chức ứng trực 24/24.
Quảng Ninh thành lập 6 đoàn công tác trực tiếp xuống các địa bàn được phân công để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão số 7. Riêng ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại thành phố Móng Cái, đây là địa bàn có địa hình khó khăn và nguy cơ ảnh hưởng cao từ cơn bão số 7.
Âu cảng Ngọc Hải, Đồ Sơn hiện chứa gần 400 tàu thuyền neo trú. (Ảnh: Lao Động). |
Ngay trong ngày 17/10, tỉnh Quảng Ninh đã huy động 2.300 cán bộ, chiến sỹ với 40 máy gặt giúp nhân dân các địa phương thu hoạch lúa mùa trước khi bão số 7 đổ bộ. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, trong vòng 2 ngày, tính đến 16h ngày 18/10, các cán bộ, chiến sỹ đã thu hoạch được hơn 5 nghìn ha lúa mùa và hơn 2 nghìn ha rau màu giúp dân các vùng canh tác nông nghiệp.
Riêng đối với huyện đảo Cô Tô công tác thông tin liên lạc được đảm bảo, nhà cửa các hộ dân trên đảo đều đã được chằng chống bằng bao cát, cây gỗ, thực phẩm, giá cả được quản lý chặt chẽ, các khách du lịch đều đã được đưa về đất liền an toàn. Có 8 du khách tự nguyện ở lại đảo để cùng người dân phòng chống bão.
Tính đến 16h ngày 18/10, tất cả tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn, người dân sinh sống trên các lồng bè được đưa về đất liền. Các công trình thủy lợi được kiểm tra, đảm bảo an toàn trong vận hành, thoát nước.
Ngày 18/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Hải yêu cầu các khách sạn hủy tour trong ngày, đồng thời bố trí phương tiện đưa 550 khách du lịch rời khỏi đảo du lịch Cát Bà về đất liền. Từ chiều 18/10, huyện Cát Hải đã cấm biển.
Chiều 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện ngay 12 nội dung nhằm chủ động có phương án ứng phó với cơn bão số 7.
Để đối phó bão số 7, Hải Phòng đã cho học sinh nghỉ học trong ngày hôm nay 19/10.
Tại Nam Định, cơ quan chức năng đã rốt ráo di dời 1.000 hộ dân tại các vị trí xung yếu ở huyện Giao Thuỷ.
Thái Bình đã huy động gần 2.000 máy gặt, làm việc cả đêm để kịp thu hoạch lúa mùa. Quảng Ninh huy động hơn 23.000 người tham gia chống bão.
PV
Nhà đất 08:34 | 18/10/2019
Đô thị 15:26 | 13/10/2019
Nhà đất 08:44 | 03/10/2019
Nhà đất 10:49 | 02/10/2019
Kinh doanh 07:06 | 11/09/2019
Du lịch 16:17 | 10/09/2019
Đô thị 12:29 | 10/09/2019
Đô thị 17:08 | 07/09/2019