Nhà máy phân bón DAP 1 Hải Phòng sắp được xóa tên khỏi danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công Thương

6 tháng đầu năm 2019, doanh thu Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng đạt 755,8 tỉ đồng, lãi trước thuế giảm 123,75 tỉ so với cùng kì năm ngoái, còn 21,15 tỉ đồng.

Ủy ban quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) vừa có báo cáo mới nhất về tình hình hoạt động của 12 dự án, nhà máy yếu kém của ngành Công Thương gửi Ban Chỉ đạo của Chính phủ phụ trách việc xử lí các khó khăn của các đơn vị này.

Đáng chú ý, báo cáo của Ủy ban cho biết Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Bộ Công Thương đặt ra, để rút tên ra khỏi danh sách doanh nghiệp yếu kém.

daphp_kgac

DAP 1 Hải Phòng chuẩn bị được ra khỏi danh sách 12 doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương. (Ảnh: Báo Đấu Thầu).

Phân bón DAP1 Hải Phòng đã không còn những con số âm

Theo Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, DAP số 1 Hải Phòng đã hoàn thành quyết toán dự án tháng 11/2013. Hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án có lãi qua các năm đến năm 2015.

Đến năm 2016, tình hình sản xuất, kinh doanh của DAP1 Hải Phòng gặp nhiều khó khăn, làm phát sinh lỗ khá lớn đến 416,8 tỉ đồng.

Năm 2017, sau khi Ban Chỉ đạo của Chính phủ rà soát các vấn đề khó khăn và chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, lao động, để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết quả thời gian chạy máy trong năm 2017 đạt 265 ngày, sản xuất đạt 243.000 tấn DAP. Doanh thu năm này đạt gần 2.000 tỉ, lãi 14,8 tỉ.

Năm 2018, tổng sản lượng là 238.600 tấn DAP, tổng sản lượng tiêu thụ: 239.528 tấn, doanh thu hơn 2.300 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 227 tỉ đồng.

6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng đạt gần 99.500 tấn DAP, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 74.700 tấn, doanh thu 755,8 tỉ đồng.

Lãi trước thuế nửa đầu năm nay đạt 21,15 tỉ, giảm 123,75 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do tác động giảm giá bán hàng trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, xuất khẩu giảm.

DAP 1 Hải Phòng đã đáp ứng tiêu chí được xóa tên khỏi danh sách các dự án yếu kém

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước Hồ Sỹ Hùng đánh giá Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng đã đạt được hiệu quả đầu tư. Tổng mức đầu tư đã quyết toán thực tế 2.328 tỉ đồng, giảm 437 tỉ so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Theo ông Hùng, năm 2010, tức năm đầu tiên DAP số 1 Hải Phòng đi vào sản xuất thương mại đã có lãi. Sau 9 năm lợi nhuận lũy kế đạt 527,19 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-10 lúc 20

Lợi nhuận những năm gần đây của DAP 1 Hải Phòng. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Đến nay, DAP1 Hải Phòng đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Bộ Công Thương đặt ra để rút dự án, nhà máy ra khỏi danh sách doanh nghiệp yếu kém.

DAP1 Hải Phòng đã đáp ứng 5 tiêu chí. Thứ nhất, giải quyết dứt điểm các thủ tục quyết toán dự án hoàn thành, các vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu trong hợp đồng EPC. 

Thứ hai, sản xuất kinh doanh ổn định, có lãi từ 1 năm trở lên, có phương án sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi trong các năm tiếp theo. 

Thứ ba, không có nợ quá hạn, gồm gốc và lãi liên tục trong thời gian tối thiểu 3 tháng tại các tổ chức tín dụng. 

Thứ tư, chấp hành đầy đủ pháp luật về nghĩa vụ thuế và các khoản thu nộp ngân sách có liên quan khác. 

Thứ năm là đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trực tiếp trong kế hoạch hành động xử lí các tồn đọng, yếu kém.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lí các tồn tại, yếu kém của 12 dự án của ngành Công Thương mới đây,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã đồng ý đưa DAP1 Hải Phòng ra khỏi danh sách các dự án yếu kém của ngành Công Thương.

Phó Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương chủ trì việc hoàn thiện hồ sơ, đánh giá chi tiết hiệu quả của DAP1, gửi Ban Chỉ đạo để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng.

Hiện các Bộ, ngành và Tập đoàn Hoá chất đã có công văn đóng góp ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương đưa DAP1 Hải Phòng ra khỏi danh sách doanh nghiệp yếu kém, để Bộ Công Thương tổng hợp, thống nhất trình cơ quan có thẩm quyền.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.