'Quay ngược thời gian', tham quan những lăng tẩm nổi tiếng tại cố đô Huế

Mỗi lăng tẩm tại cố đô Huế đều mang một nét đẹp riêng thể hiện những giai đoạn thịnh suy khác nhau trong lịch sử.

Thiên Thọ Lăng

Thiên Thọ Lăng là nơi yên nghỉ cuối cùng của vua Gia Long (1762 - 1820) - vị vua đầu tiên sáng lập triều Nguyễn. 

Lăng nằm trên ngọn đồi cao nhất trong số 42 ngọn đồi thuộc quần thể núi Thiên Thọ, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Từ Quốc lộ 49, du khách rẽ sang cầu Hữu Trạch, dọc theo con đường nhỏ ven sông Hương sẽ gặp nhiều bảng chỉ dẫn đến lăng.

1

Lăng Thiên Thọ là lăng duy nhất hoàng hậu được song táng cùng với vua, mộ vua Gia Long bên trái còn mộ Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu bên phải. 

Kiến trúc và bố cục lăng rất hài hoà về phong thủy. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là "Tả thanh long" và "Hữu bạch hổ".

2

Du khách nên viếng lăng Thiên Thọ vào buổi chiều để có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia hồ nước. 

Sự phối hợp giữa hồ nước cùng cảnh vật xung quanh, rừng thông sẽ tạo cho người tham quan một cảm giác khó tả. Chính lúc ấy, du khách mới thấy được phong cảnh hữu tình hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa và cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kì vĩ của khu lăng này. 

Giờ tham quan lăng: 7h00 – 17h00 hàng ngày, 

Giá vé: 40.000 đồng/vé/người lớn, 20.000 đồng/vé/trẻ em.

Hiếu Lăng

Hiếu lăng là nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng (1791- 1841)- vị vua thứ hai của triều nhà Nguyễn, nằm trên núi Cẩm Khê, Quốc Lộ 49, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. 

Lăng  nằm gần ngã ba Bằng Lăng, nơi hợp lưu của hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành sông Hương. 

3

Tổng thể khu lăng tẩm được xây dựng công phu với gần 40 công trình lớn, nhỏ nằm trên khu đồi có núi, có sông và hồ thoáng mát. 

 Lăng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các công trình gồm: Đại Hồng Môn, Bi Đình, Lầu Minh Lâu, Bửu Thành, nhà bia, Tẩm Điện, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân...

4

Hiếu lăng có cấu trúc đối xứng hai bên, du khách chỉ cần đi thẳng một đường từ đầu đến cuối lăng thì sẽ không bỏ lỡ công trình nào. 

Trên đường đi ngược lại từ Bửu Thành ra Đại Hồng Môn, du khách có thể đi theo đường cong men theo bờ hồ để ngắm lăng vua ở một góc nhìn khác. 

Giờ tham quan lăng: 7h00 – 17h00 hàng ngày.

Giá vé: 100.000 đồng/vé/người lớn, 20.000 đồng/vé/trẻ em.

Xương Lăng

Lăng vua Thiệu Trị (1807-1847) còn gọi là Xương lăng nằm ở địa phận thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. 

Khác với lăng tẩm của những vua tiền nhiệm và kế vị, Xương lăng là lăng tẩm duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.

5

Cách lăng 8 km về phía trước là ngọn núi Chằm sừng sững. Sông Hương chảy qua trước mặt hình thành yếu tố minh đường. 

Đồi Vọng Cảnh ở bên này sông được chọn làm "rồng chầu", "hổ phục" là ngọn Ngọc Trản ở bên kia sông. 

Núi Kim Ngọc ở phía sau được chọn làm hậu chẩm, những người thiết kế lăng còn đắp thêm một mô đất cao ở ngay sau lăng để làm hậu chẩm thứ hai.

Kiến trúc của lăng Thiệu Trị (hay Xương lăng) là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng trong khung cảnh thanh bình của đồng quê với những cánh đồng, ruộng lúa và vườn cây ăn trái quây quanh tạo nên cảm giác thân thuộc, gần gũi mà vô cùng yên mình, thư thái cho người thăm quan. 

Giờ mở cửa: 7h00 – 17h00 mỗi ngày.

Giá vé: 40.000 đồng/vé/người lớn, 20.000 đồng/vé/trẻ em.

Khiêm Lăng 

Khiêm Lăng được vua Tự Đức (1829 - 1883) cho xây dựng khi còn tại vị. Lăng nằm trong một thung lũng hẹp bên đường Đoàn Nhữ Hài, thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

6

Khiêm Lăng được đánh giá là lăng đẹp nhất trong những lăng tẩm của các đời vua nhà Nguyễn bởi sự hài hoà giữa khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn và không gian kiến trúc cầu cổ kính. 

Tên gọi Khiêm Lăng xuất phát bởi gần 50 công trình trong lăng đều có chữ "Khiêm" trong tên gọi như: Cửa Vụ Khiêm, Khiêm Cung Môn, Chí Khiêm Đường, hồ Lưu Khiêm, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, điện Hòa Khiêm...

8

Đặc biệt nhất trong Lăng vua Tự Đức là Minh Khiêm Đường, đây là nơi nhà vua thường đến xem hát trước khi băng hà. Minh Khiêm Đường là nhà hát duy nhất trong hệ thống các lăng tẩm, và là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn được bảo lưu đến bây giờ với giá trị rất cao về nghệ thuật kiến trúc và họa tiết trang trí. 

Giờ tham quan lăng: 7h00 – 17h00 hàng ngày.

Giá vé: 100.000 đồng/vé/người lớn, 20.000 đồng/vé/trẻ em.

Bồi Lăng 

Nằm ngay trong khuôn viên Khiêm Lăng có một công trình lăng tẩm của một vị vua khác mà ít người biết đến đó là Bồi lăng. 

Bồi lăng là lăng của hoàng đế Kiến Phúc (1869 - 1884), ông là vị hoàng đế thứ 7 của hoàng triều nhà Nguyễn. 

9

Vua Kiến Phúc lên ngôi ngày 2/12/1883, băng hà ngày 31/7/1884, chỉ trị vì đất nước trong vòng 8 tháng. 

Do ông mất đột ngột, triều đình nhà Nguyễn quyết định xây cất lăng mộ của ông ngay trong khuôn viên lăng Tự Đức vì ông là một trong 3 người con nuôi của vua Tự Đức.

Nếu đi theo thứ tự lăng vua cha, hoàng hậu và vua con, du khách sẽ nhìn thấy phần lăng nhỏ dần. Bồi lăng được rất ít người tham quan do có vị trí khá khuất và hẻo lánh.

Tư Lăng 

Tư lăng vua Tự Đức đi thêm khoảng hơn 500 m, nhìn về phía bên phải, du khách sẽ nhìn thấy bảng hướng dẫn đã đến Tư Lăng, lăng tẩm của vua Đồng Khánh (1864 - 1889).

10

Quá trình xây dựng lăng Đồng Khánh diễn ra trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, kéo dài suốt 35 năm (1888 - 1923) qua 4 đời vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. 

Chính vì vậy Tư Lăng đánh dấu cho bước trung chuyển giữa hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau, vừa cổ điển, vừa hiện đại...

11

Vạc đồng trước điện thờ đúc năm 1963 thời chúa Nguyễn Phúc Tần được công nhận Bảo vật Quốc gia từ năm 2015.

Khu vực lăng mộ quay về hướng đông-đông nam, tiền án của nó là núi Thiên Thai... Thi hài nhà vua cũng được an táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy 30 m về phía Tây. 

Giờ mở cửa: 7h00 – 17h00 hàng  ngày.

Giá vé: 40.000 đồng/vé/người lớn, 20.000 đồng/vé/trẻ em.

An Lăng 

Nằm trên đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế, An Lăng là nơi yên nghỉ của 3 vị hoàng đế triều Nguyễn: Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Vua Dục Đức lên ngôi năm 1883 được 3 ngày thì bị phế truất và mất. Sau này con ông là vua Thành Thái cho xây lăng để thờ cha đặt tên là An Lăng. 

12

Trong thời kì chống Pháp, vua Duy Tân và vua Thành Thái đã từ bỏ ngai vàng để chiến đấu giành lại chủ quyền cho dân tộc và bị lưu đày. 

Năm 1954, khi vua Thành Thái (1879-1954) mất, thi hài ngài được đưa về an táng tại địa điểm hiện nay trong khu vực An Lăng và được thờ ở điện Long Ân. 

Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân (1900-1945) được đưa từ châu Phi về an táng cạnh lăng Thành Thái.

Vì những yếu tố hoàn cảnh lịch sử mà An Lăng có kiến trúc đơn sơ, giản dị và khiêm tốn so với những lăng tẩm khác của các vị vua nhà Nguyễn. Hiện tại An Lăng đang đóng cửa để trùng tu.

Lăng Hiệp Hoà 

Vua Hiệp Hoà (1847 - 1883) là vị vua thứ 6 nhà Nguyễn. Vừa lên ngôi được 4 tháng thì bị quyền thần Tôn Thất Thuyết ép uống thuốc độc chết. 

Vì vậy nên vua Hiệp Hòa không được triều đình xây dựng lăng tẩm. 130 năm sau, năm 2013, khu lăng mộ này mới được người dân góp tiền xây dựng và trùng tu lại.

13

Lăng vua nằm trong khu vực nghĩa trang thành phố Huế, trên đồi thông núi Tam Thai, đường Tam Thai, phường An Tây, thành phố Huế. 

Vì mới được xây dựng và mang kiến trúc hiện đại, lăng vua Hiệp Hoà chưa có trên bản đồ du lịch. Đường vào lăng tuy dễ đi nhưng khá mới mẻ và heo hút giữa rừng thông nên hiếm người biết đến.

Ứng Lăng 

Ứng Lăng là nơi an táng vua Khải Định (1885 - 1925), vị vua thứ 12 triều Nguyễn, tọa lạc trên triền núi Châu Chữ, đường Khải Định, xã Thuỷ Bằng, huyện Hương Thuỷ. Dù là lăng tẩm có diện tích nhỏ nhất nhưng đây lại là công trình tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm vua Nguyễn.

14

Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Dấu ấn đặc biệt của lăng là sự pha trộn của nhiều trường phái kiến trúc Đông Tây Kim Cổ, Phật Giáo, Ấn Độ, Roman, Gothique... với các tác phẩm nghệ thuật ghép tranh sành sứ độc đáo.

Phía trên mộ phần có đặt pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện. 

Lăng Khải Định được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh đầu thế kỷ 20. 

Giờ tham quan lăng: 7h00 – 17h00 hàng ngày.

Giá vé: 100.000 đồng/vé/người lớn, 20.000 đồng/vé/trẻ em.

Đến Huế bằng cách nào?

Máy bay:

Từ TP HCM - Huế khoảng 30 phút, với giá vé từ 400.000 đồng/chiều.

Hà Nội - Huế khoảng 1 giờ, giá vé từ 730.000 đồng/chiều.

Xe lửa:

Xe lửa Hà Nội – Huế có giá từ 300.000 đồng – 955.000 đồng/chiều/khách, di chuyển trong khoảng 14 giờ.

Xe lửa Sài Gòn – Huế có giá đắt hơn từ 400.000 đồng – 1.050.000 đồng/chiều/khách, thời gian chạy khoảng 18 giờ đến 22 giờ.

Xe khách:

Từ Hà Nội giá giao động 250.000 đồng – 350.000 đồng/lượt, chạy 12 – 16 giờ.

Từ Sài Gòn giá khoảng 400.000 đồng – 650.000 đồng/ lượt; hành trình kéo dài từ 20 – 24 giờ.

*Phương tiện di chuyển ở Huế

Xe máy: dịch vụ thuê xe ở Huế đều rất đa dạng, giá từ 100.000 đồng – 120.000 đồng/ngày. Du khách có thể liên hệ với các khách sạn ở Huế, đa số đều có sẵn dịch vụ này.

Taxi: du khách có thể gọi Grab hoặc một số hãng taxi như:

Đông Ba (SĐT: 0234.3.84.84.84),

Mai Linh (SĐT: 0234.3.89.89.89),

Phú Xuân (SĐT: 0234.3.87.87.87),

Thành Công (SĐT: 0234.3.57.57.57).

Xe ô tô tự lái: Giá thuê ô tô tại Huế sẽ khoảng 500.000 đồng – 900.000 đồng/ngày