Quốc hội đồng ý tăng lương từ 1/7/2020

Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1 năm sau ...
avatar_1573544659019

Kết quả biểu quyết nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Chiều 12/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512,3 nghìn tỉ, tổng chi là 1.747,1 nghìn tỉ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234,8 nghìn tỉ đồng tương đương 3,44% GDP.

Quốc hội cũng đồng ý tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488, 921.352 nghìn tỉ đồng trong năm sau.

Với nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7 /2020.

Triệt để tiết kiệm chi

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết cũng nêu rõ, loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2019 và dự toán năm 2020 để tính nguồn cải cách tiền lương.

Gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính, và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp. Dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.

Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Nghị quyết cũng cho phép các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.

Sớm điều chỉnh lương cho người về hưu trước năm 1993

Báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết về dự toán ngân sách năm 2020, một số đại biểu đề nghị ưu tiên điều chỉnh mức tăng lương cao hơn cho những người về hưu trước năm 1993, vì đây là nhóm đã nghỉ hưu có mức bình quân hưởng lương hưu thấp nhất.

Uỷ ban Thường  vụ Quốc hội cho rằng,  đúng như ý kiến các vị đại biểu đã nêu, những người về hưu trước năm 1993 có mức bình quân hưởng lương hưu thấp. Do đó, việc có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng này là cần thiết, song cần có tổng kết về số lượng, phạm vi hỗ trợ để xây dựng dự kiến kinh phí bố trí cũng như bảo đảm chính sách hỗ trợ lâu dài, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp với kế hoạch cải cách tiền lương từ năm 2021 theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng này.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.