Quỹ đất hạn chế, giá thuê cao khiến Đà Nẵng khó hút doanh nghiệp lớn đến đầu tư

Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, giá thuê đất ở thành phố cao hơn các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Bên cạnh đó, quỹ đất trong các khu công nghiệp rất hạn chế, nên Đà Nẵng khó cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp so với các địa phương khác.

 Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương chia sẻ thông tin. (Ảnh: Chu Lai).

Ngày 31/5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố chương trình diễn đàn đầu tư và các sự kiện của Đà Nẵng trong tháng 6.

Tại đây, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương chia sẻ, thành phố thời gian qua chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn được ví như "đại bàng", mà chủ yếu là các nhà đầu tư vừa và nhỏ.

Theo bà Phương lý giải, một trong những nguyên nhân chính là giá thuê đất ở Đà Nẵng cao hơn các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Bên cạnh đó, quỹ đất trong các khu công nghiệp rất hạn chế nên Đà Nẵng khó cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp so với các địa phương khác.

TP Đà Nẵng đã có chủ trương, kế hoạch mở rộng thêm các khu công nghiệp. Ngoài ra, các khu công nghệ cao cũng sắp xếp phân khu hợp lý và thêm khu công nghiệp phụ trợ để nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận đất đai.

Riêng quỹ đất ngoài khu công nghiệp, TP Đà Nẵng vẫn còn nhiều thủ tục liên quan đến đấu giá, đấu thầu để chọn nhà đầu tư, vẫn còn nhiều vướng mắc giữa thực tế và quy định của luật pháp. Do đó, việc triển khai các thủ tục liên quan đến những dự án này còn chậm chậm so với mong đợi.

Từ 2019 đến 2021, TP Đà Nẵng thông qua điều chỉnh quy hoạch chung, hiện đang điều chỉnh quy hoạch phân khu nên dù có nhiều dự án tầm cỡ nhưng vẫn chưa thể triển khai ngay vì chờ quy hoạch phân khu được phê duyệt, công bố chính thức.

 Khu công nghệ cao Đà Nẵng hiện nay. (Ảnh: Chu Lai).

Trước đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn thành phố đã đạt hơn 90%, riêng KCN Liên Chiểu còn đất để cung cấp cho các nhà đầu tư.

Ban Quản lý đã tham mưu tích hợp quy hoạch các KCN vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố đầu tư phát triển các KCN với diện tích khoảng 2.326 ha, gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, Liên Chiểu; nâng cấp KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng thành KCN sinh thái; KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, hình thành mới các KCN là Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Cụ thể, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang có diện tích 120 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.233 tỷ đồng; KCN Hòa Nhơn thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, có quy mô 360 ha, tổng vốn đầu tư gần 5.658 tỷ đồng.

Còn KCN Hòa Ninh thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang với quy mô 400 ha, tổng vốn đầu tư gần 6.084 tỷ đồng.

Dự kiến ngày 25/6 tới, TP tổ chức "Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022". Tại đây, thành phố sẽ công bố thông tin về kế hoạch, tiến độ triển khai điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Diễn đàn dự kiến có sự góp mặt của gần 600 đại biểu.
chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.