Mới đây, một cựu học sinh học tại trường THPT nổi tiếng của quận Tân Bình (TP HCM) chia sẻ, để hạn chế tình cảm nam nữ, trường quy định nam nữ không được ngồi gần. Thậm chí có em gần bị mời phụ huynh vì đứng nói chuyện với một nam sinh tại tầng hầm gửi xe, với lý do rất "lạ": Đó là nơi mờ ám.
Ngay sau khi báo chí phản ánh, nhiều thầy cô, học sinh THPT đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Em Phan Đức Trung - Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: "Em thấy nếu trường nào có quy định cấm học sinh nam và nữ ngồi cạnh nhau thì hơi quá đáng. Bởi vì nhiều lớp số lượng nam nữ cũng có sự chênh lệch nhau, nếu sắp xếp nam chỉ ngồi cạnh nam thì lớp sẽ còn ồn ào mất trật tự hơn. Hơn nữa, quy định như vậy thì em thấy học sinh chúng em có cảm giác bị mất tự do, tự chủ".
Hình ảnh các em học sinh không phân biệt giới tính ngồi cạnh nhau trong một giờ sinh hoạt tập thể là hết sức bình thường. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Chung quan điểm trên, em Mai Chi cho hay: "Bạn bè chơi với nhau cũng không phân biệt giới tính nhiều lắm. Độ tuổi của chúng em cũng chưa đến giai đoạn có thể xảy ra những chuyện quá giới hạn như thế. Ngoài không gian trường lớp ra thì chúng em vẫn có nhiều nơi khác để có thể gặp mặt nhau. Theo em thì nên rèn ý thức của mỗi con người là chính, vì chỉ cấm thôi cũng không thể giải quyết được vấn đề một cách lâu dài".
Em Hiền Phương cùng Trường Việt Đức cũng quan niệm, việc cấm như vậy là không nên, bạn bè chơi với nhau không phân biệt giới tính sẽ tạo không khí thoải mái. Để có thể phòng ngừa những chuyện đi quá giới hạn nếu có của học sinh, nhà trường và gia đình nên tập trung giáo dục cho con em mình về vấn đề này hơn là chỉ cấm đoán. Ở trường em này cũng đã có những tiết học khá bổ ích về giáo dục giới tính cho học sinh.
Còn em Kiều Hoàng Phương Anh - Học sinh Trường THPT Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng: "Em thấy quy định này là rất vô lý. Bây giờ bình đẳng giới rồi, nam nữ ngồi nói chuyện với nhau dưới hầm để xe thì cũng không có gì gọi là đi quá giới hạn cả. Có thể lúc tan học có bạn nam nào đó không hiểu mục nào trong bài thầy cô giảng ở tiết học vừa xong và vẫn thắc mắc, bạn ấy muốn hỏi lại bạn nữ để hiểu hơn về bài thì cũng là điều đương nhiên.
Em Kiều Hoàng Phương Anh - Học sinh Trường THPT Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: FBNV. |
Ngoài ra, trong lớp có nhiều thành viên có bạn này bạn kia, bạn học giỏi, bạn học kém. Ví dụ, trong lớp có một vài bạn nữ học giỏi và đứng tốp đầu của lớp và một vài bạn nam hay vi phạm, học kém mà luôn đứng top cuối của lớp thì khi đó, cô giáo sẽ sắp xếp hợp lí sao cho các bạn nam học kém được ngồi cạnh các bạn nữ học giỏi để bạn nữ giúp đỡ bạn nam tiến bộ hơn trong học tập".
Em Trần Diễm Mi - Trường THPT Thạch Bàn (Hà Nội) chia sẻ: "Em thấy quy định trên là khá vô lý, nó can thiệp sâu vào đời tư, tự do cá nhân của học sinh. Em có cảm giác đi học như vậy không khác gì đi tù. Nếu trường em mà có quy định như thế em sẽ kịch liệt phản đối. Em sẽ kêu gọi các bạn cùng phản đối. Nếu không được em sẽ nhờ sự can thiệp của phụ huynh".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nêu quan điểm, ông thấy quy định này là cứng nhắc và không phù hợp.
Thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, không nên ra quy định một cách cứng nhắc như cấm học sinh nam nữ ngồi gần nhau. Video: Đình Tuệ.
Thầy Bình phân tích: "Trong môi trường giáo dục cần có nội quy, quy định nhưng cũng cần phải tính toán tới sự hợp lý, hợp pháp và không nên quá khắt khe. Học sinh tới trường cũng có quyền con người, quyền trẻ em. Các em được quyền trao đổi, giao lưu, học hỏi với bạn bè trong trường. Khi có sự trao đổi, giao lưu bình thường giữa các giới tính khác nhau sẽ tạo nên suy nghĩ, tình cảm để con người được phát triển một cách tự nhiên.
Ở một số quốc gia như Nhật Bản và nhiều nước Phương Tây, họ thành lập hẳn những trường chỉ tuyển sinh nam riêng hoặc nữ riêng. Trường họ có quy định thông báo tuyển sinh như vậy, nếu phụ huynh và học sinh nào có nhu cầu và nguyện vọng thì nộp hồ sơ vào học ở trường đó. Còn ở nước ta với truyền thống văn hóa dân tộc và điều kiện như hiện nay, liệu đã thích hợp để áp dụng quy định cấm học sinh nam ngồi cạnh học sinh nữ hay chưa?".
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đứcnhấn mạnh: "Mục đích của nhà trường muốn quản lý học sinh tốt hơn là đúng đắn. Tuy nhiên, ở lứa tuổi của các em học sinh THPT thì tâm sinh lý cũng đã có những thay đổi, những xúc cảm đầu đời về tình bạn, tình yêu. Khi đó, bằng các động tác giá dục về nhận thức, chính thầy cô và gia đình cần giúp các em hiểu quan niệm về tình bạn - tình yêu.
Bản thân các em học sinh cũng là một con người nên cũng có những nhu cầu mang tính bản năng. Khi tới trường cần có sự giao lưu, trao đổi với bạn bè, thầy cô. Nếu phát sinh các hành vi không phù hợp nơi công cộng thì chúng ta nên cấm. Lúc này, vai trò của các tổ chức như Đoàn thanh niên, các thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ là những tư vấn viên về tâm lý, giúp các em định hình được suy nghĩ, hành động phù hợp trong đối xử với bạn khác giới".
Theo ông Bình, làm sao để nhà trường cũng trở thành một thiết chế văn hóa chứ không phải chỉ là những quy định quá cứng nhắc. Các quy định chung phải dựa trên cơ sở khoa học, theo quy chế chung của ngành và truyền thống văn hóa ở địa phương thì mới mong có được sự thống nhất, đoàn kết để thực hiện.
'Nói tăng lương cho giáo viên để chống lạm thu là không hiểu bản chất vấn đề' Theo các chuyên gia giáo dục, bản chất của vấn đề lạm thu không hề có chút liên quan nào đến tăng lương cả, giống ... |