Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (12/4 - 18/4): Các tỉnh lên phương án sáp nhập, lấy ý kiến quy hoạch đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh

Danh sách 34 tỉnh thành dự kiến sau sáp nhập; lấy ý kiến quy hoạch đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh trị giá 240.000 tỷ; đề xuất làm đường sắt cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Sắp thông xe 5 cao tốc hơn 213 km

Bộ Xây dựng vừa qua đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ danh sách các dự án dự kiến khánh thành, thông xe nhân dịp kỷ niệm 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam). 

Theo đó, 5 tuyến cao tốc với tổng chiều dài hơn 213 km sẽ được thông xe vào thời gian tới bao gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng; đoạn Bùng - Vạn Ninh; đoạn Vân Phong - Nha Trang và cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Dự kiến hơn 240.000 tỷ đồng làm đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh

Bộ Xây dựng hiện đang xin ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dài hơn 461 km.

Về nhu cầu vốn, tổng mức đầu tư sơ bộ cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là hơn 203.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả phân đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Ninh thuộc tuyến ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

(Ảnh: Báo Người lao động). 

Riêng phân đoạn Hải Phòng - Quảng Ninh có tổng mức đầu tư ước tính hơn 38.200 tỷ đồng, sẽ được triển khai sau năm 2030, đồng bộ với tuyến đường sắt ven biển khu vực phía Bắc.

Metro Suối Tiên - Thành phố mới Bình Dương dự kiến khởi công 2027

Ngày 11/4, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, HĐND tỉnh khóa X đã tổ chức Kỳ họp thứ 2 (chuyên đề) xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng.​

Kỳ họp đã xem xét, thông qua Đề án huy động nguồn lực thực hiện dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Thành phố Mới Bình Dương - Suối Tiên, TP HCM).

Depot Long Bình của metro Bến Thành - Suối Tiên hiện tại. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam). 

Chiều dài tuyến chính 32,4 km, đi qua 4 thành phố bao gồm Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, có tốc độ thiết kế 120 km/h. Về lộ trình thực hiện, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2025. Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư  dự án tháng 6 - 7/2025. Khởi công dự án năm 2027. Hoàn thành và vận hành năm 2031.

34 tỉnh thành dự kiến sau sáp nhập

Theo nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, 11 tỉnh, thành không sáp nhập gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn ,Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

23 tỉnh thành còn lại dự kiến sẽ sáp nhập để thành lập các tỉnh mới bao gồm: Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đăk Lăk, TP HCM, Đồng nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà mau, An Giang.

Xem chi tiết các địa phương sáp nhập TẠI ĐÂY.

Hiện nay, các tỉnh cũng đang lên phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Hà Nội duyệt làm cầu vượt gần 900 tỷ ở nút giao Lê Trọng Tấn - Văn Khê

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao đường Lê Trọng Tấn (Vành đai 3,5), Hà Đông và Quốc lộ 6.

Theo đó, cầu vượt được xây dựng với quy mô 4 làn xe trên đường Lê Trọng Tấn - đường Văn Khê. Cầu vượt có nhịp chính và nhịp dẫn bằng thép, tổng chiều dài khoảng 883 m.

Nút giao sẽ xây cầu vượt. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 880 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2026 - 2028.

TP HCM dự kiến có 168 đơn vị hành chính sau sáp nhập

Ngày 15/4, Thành ủy thành phố đã có thông cáo báo chí về Kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI.

TP HCM mới sau sắp xếp, hợp nhất có diện tích khoảng 6.773 km2, quy mô dân số 13,7 triệu người. Ngoài ra, sau sắp xếp, TP HCM còn 102 đơn vị hành chính cấp xã, Bà Rịa - Vũng Tàu còn 30 và Bình Dương còn 36.

Một góc TP HCM hiện nay. (Ảnh: Hải Quân). 

Như vậy, TP HCM mới sẽ có 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

Cầu Rạch Miễu 2 hợp long sớm 4 tháng

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) cho biết, cầu Rạch Miễu 2 sẽ chính thức hợp long vào ngày 19/4 tới đây, sớm trước khoảng 4 tháng so với kế hoạch ban đầu. Sau khi hợp long nhịp chính, cầu Rạch Miễu 2 sẽ đưa vào khai thác trong tháng 8.

Được biết, đến nay toàn dự án hoàn thành 85% khối lượng công việc, vượt tiến độ chung hơn 5% so với kế hoạch. Đặc biệt, phần cầu chính cầu Rạch Miễu 2 đang vượt tiến độ hơn 15%.

Đề xuất làm đường sắt cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh

Ngày 16/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về đề xuất đầu tư xây dựng dự án tuyến đường sắt chở khách tốc độ cao Hà Nội – Quảng Ninh.

Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đề xuất dự án đầu tư tuyến đường sắt chở khách Hà Nội – Quảng Ninh để tạo thuận lợi cho khách du lịch di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Ninh và ngược lại, có chiều dài khoảng 121 km, với vận tốc thiết kế tối đa 300 km/h. 

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Sẽ tái khởi động khu nghỉ dưỡng ở Quảng Nam, mảng kính siêu trắng sẽ mang về doanh thu từ quý II/2026
Theo ban lãnh đạo Đạt Phương, dự án Khu nghỉ dưỡng Bình Dương tại Thăng Bình, Quảng Nam sẽ được doanh nghiệp triển khai lại, dự kiến tháng 5 - tháng 6/2025 hoàn tất thủ tục. Nhà máy kính siêu trắng dự kiến có doanh thu từ quý II/2026, khoảng 1.200 - 1500 tỷ/năm và mất khoảng 6 năm để hoàn vốn.