Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao cơ quan chủ quản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Hà.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Bắc Giang là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Hà, kết nối xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, chiều dài toàn cầu khoảng 360 m; quy mô bề rộng toàn cầu 12 m. Dự kiến, dự án khởi công trong năm 2025 và hoàn thành năm 2026.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025 của Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, việc thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thủ đô đang được đẩy mạnh triển khai.
Trong đó, một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác được TP dự kiến khởi công xây dựng trong năm nay như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công vào tháng 5/2025; dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khởi công trong quý II.
Xem ký hơn về 3 cầu lớn sắp khởi công TẠI ĐÂY.
Bộ Xây dựng vừa qua đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh đề xuất dự án sử dụng vốn ODA đối với Dự án thành phần 1A của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP HCM.
Theo đó, điều chỉnh tăng sơ bộ tổng mức đầu tư dự án từ hơn 6.955 tỷ đồng thành 9.268 tỷ đồng (tăng khoảng 2.312 tỷ đồng).
Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến Vành đai 3 TP HCM đang thi công. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).
Điều chỉnh này dẫn tới điều chỉnh tăng nguồn vốn vay ODA của dự án từ hơn 190 triệu USD (khoảng 4.175 tỷ đồng) thành 262 triệu USD (tương đương khoảng 6.209 tỷ đồng), tăng khoảng gần 72 triệu USD (tương đương khoảng 2.033 tỷ đồng).
Văn phòng Chính phủ ngày 7/4 đã thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về đầu tư tuyến cao tốc từ TP Cà Mau đến Đất Mũi.
Theo đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Cà Mau sớm giải phóng mặt bằng để khởi công tuyến cao tốc từ TP Cà Mau đến Đất Mũi trước ngày 2/9. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe.
Dự kiến sau khi bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, TP Huế từ 133 xã, phường giảm còn 66; Quảng Trị từ 119 còn 60; Trà Vinh từ 104 còn 41.
Trong đó, TP Huế có diện tích 4.947 km2, dân số 1,236 triệu. Dự kiến thành phố còn 66 xã, phường; quận Thuận Hóa với 19 phường dự kiến được sáp nhập còn 12; thị xã Phong Điền dự kiến sáp nhập còn 7 xã, phường.
Tỉnh Quảng Trị rộng 4.701,23 km2, dân số 651.000. Dự kiến sau sắp xếp, tỉnh còn 60 xã phường, trong đó TP Đông Hà giảm từ 9 còn 3 phường.
Tỉnh Trà Vinh có diện tích 2.358 km2, hơn 1,1 triệu dân. Theo phương án đề xuất của Sở Nội vụ ngày 8/4, tỉnh sẽ sắp xếp còn 6 phường, 35 xã, giảm 60,58% đơn vị hành chính cấp cơ sở so hiện tại.
Xem chi tiết phương án sáp nhập của ba địa phương trên TẠI ĐÂY.
Tại Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 19 diễn ra chiều 9/4, lãnh đạo thành phố cho biết, hai địa phương Hải Phòng và Hải Dương sẽ tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù đang được Hội đồng Nhân dân của mỗi tỉnh phê duyệt cho các ngành, lĩnh vực. Mục đích là chủ động đề xuất phương án xử lý sau sáp nhập, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Trung ương.
Xem chi tiết việc sáp nhập hai địa phương trên TẠI ĐÂY
Lãnh đạo UBND TP HCM vừa qua đã ký ban hành tờ trình trình HĐND TP HCM về việc triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM.
Vành đai 4 có điểm đầu tuyến tại lý trình khoảng Km40+00 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM.
Tuyến đường dài khoảng hơn 159 km. Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của Dự án khoảng hơn 122.774 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương).
Đường mở mới Tây Bắc vừa được Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM đề xuất bố trí kinh phí để chuẩn bị đầu tư, lập dự án. Công trình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030.
Theo nghiên cứu sơ bộ, đường mở mới Tây Bắc dài gần 10 km, rộng 40 m, kết nối từ quốc lộ 1 thuộc Vành đai 2 TP HCM, qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Chánh) đến đường tỉnh 823D của Long An. Ước tính, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra, đoạn phía Tây (từ Km3+420 đến Km21+739,5) và đoạn phía Đông (từ Km35+900 đến Km50+530) của tuyến cao tốc bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài gần 33 km dự kiến hoàn thành thi công trước ngày 30/4 năm nay.
Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).
Cao tốc Bến Lức - Long Thành quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng. Toàn tuyến được dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2026.