Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có văn bản hỏa tốc chỉ đạo thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Đáng chú ý, ông Chung yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, Cty Rạng Đông đã có một số văn bản đề nghị UBND Thành phố Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu đất số 15 Hạ Đình (nay là số 87 - 89 Hạ Đình). Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Việc Cty Rạng Đông di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy Rạng Đông và lập quy hoạch chi tiết theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 được duyệt là chưa có cơ sở và cần xem xét, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.
Tháng 9/2018, Công ty Rạng Đông thông báo xin ý kiến cổ đông bằng văn bản bổ sung ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp này muốn bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Trong danh sách ngành nghề kinh doanh của Rạng Đông được ghi trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được bổ sung.
Theo tìm hiểu của PV, khu đất quanh nhà máy Cty Rạng Đông, phường Thanh Xuân Trung - nơi vừa xảy ra vụ cháy, nằm trong Qui hoạch phân khu đô thị H2-3 bao gồm đất công cộng, cây xanh, trường học, đất hỗn hợp và một ô chưa có quy hoạch.
Một số chuyên gia quy hoạch nhận định: Công ty Rạng Đông có thể hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản để phát triển dự án chung cư, văn phòng đối với khu đất hỗn hợp. Việc bố trí căn hộ phải được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và chỉ dành để phục vụ dân cư khu vực.
Sẽ chuyển nhà máy về Bắc Ninh
Lãnh đạo Công ty Rạng Đông thông tin, đại hội cổ đông của Công ty hồi tháng 5/2019 đã phê chuẩn kinh phí, kế hoạch di dời nhà máy sang Bắc Ninh, hoàn thành tiến độ vào năm 2022.
Theo lãnh đạo Công ty Rạng Đông, Công ty đã có kế hoạch di dời sang Quế Võ (Bắc Ninh). Cách đây 2 năm, Công ty mua thêm đất ở khu vực xây dựng nhà máy, cũng như thuê một đơn vị thiết kế chi tiết toàn bộ nhà máy ở khu vực Bắc Ninh. Đại hội cổ đông của Công ty Rạng Đông hồi tháng 5/2019 cũng đã chuẩn y kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang Bắc Ninh đến năm 2022 phải hoàn thành.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, từ năm 2006 đến cuối năm 2008, Công ty Rạng Đông thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp xây dựng cơ sở 2 tại khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh với diện tích 6,2 ha. Công ty vừa sản xuất tại cơ sở 1, vừa xây dựng cơ sở 2, vừa tháo dỡ di chuyển các lò thủy tinh phích, lò thủy tinh bóng ống và 6 dây chuyền thiết bị sản xuất thủy tinh kèm theo, toàn bộ khâu sản xuất ruột phích và phích hoàn chỉnh.
Năm 2015, Công ty Rạng Đông đã quyết định đầu tư thêm 20.000m2 đất tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, nâng diện tích tại cơ sở 2 lên thành 82.000 m2.
Chưa rà soát xong danh sách di dời
Theo thống kê, đến giữa năm 2018, đã có 35 cơ sở sản xuất công nghiệp chuyển đổi chức năng diện tích đất các doanh nghiệp được giao trong khu vực nội thành Hà Nội như: Khu nhà ở Mỹ Đình tại tổ 15 phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm của Cty CP Mỹ Đình được thành lập bởi liên danh các nhà đầu tư Cty TNHH MVT Giống gia súc Hà Nội, Cty CP đầu tư Nam Anh, Cty CP Tập đoàn đầu tư P.H; Công trình hỗn hợp tại số 120 Định Công, Hoàng Mai của liên danh Cty CP Tập đoàn T&T và Cty CP Dịch vụ vận tải đường sắt; Dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại tại số 32 Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai của Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam; Tổ hợp hỗn hợp cao tầng tại 31 Kim Mã, Ba Đình của Cty TNHH Hòa Bình…
Tháng 6/2019, UBND thành phố Hà Nội có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng tiêu chí và lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 130/QĐ-TTg.
UBND thành phố nhìn nhận, việc di dời các cơ sở ô nhiễm vẫn chậm và gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành chưa được các bộ, ngành triển khai trình Thủ tướng phê duyệt. Còn có tình trạng quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc được lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại (trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ), không bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để quản lý, khai thác sử dụng, để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.
Nguyên nhân khác nữa là nguồn vốn thực hiện di dời các cơ sở quá lớn, thiếu cơ chế, chính sách sử dụng quĩ đất sau khi các cơ sở, nhà máy di dời.
Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, công tác di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm còn chậm, manh mún các cơ sở đã thực hiện di dời chủ yếu do doanh nghiệp chủ động thực hiện.