Binh chủng Hóa học đang tiến hành tẩy độc tại nhà máy Rạng Đông. (Ảnh: TT).
Cụ thể, theo đề nghị của Công ty Rạng Đông, tháng 6/2017, TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn Công ty Rạng Đông thực hiện thủ tục quy hoạch, lập dự án di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến tháng 5/2018, Sở Quy hoạch Kiến trúc tiếp tục có văn bản đề nghị Công ty Rạng Đông liên hệ với các Sở Kế hoạch – đầu tư, Tài nguyên – môi trường, Tài chính thành phố Hà Nội, để được hướng dẫn về biện pháp, lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành theo quyết định của Thủ tướng, và báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sau đó, Công ty Rạng Đông đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch – đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đất 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Tuy nhiên, đến thời điểm xảy ra sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, thì việc điều chỉnh quy hoạch khu đất 87-89 phố Hạ Đình (khu đất nhà xưởng nhà máy Rạng Đông vừa cháy) chưa được thực hiện, và sự cố cháy nhà máy Rạng Đông đã gây ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực xung quanh.
Đáng lưu ý, theo báo cáo của Sở Kế hoạch – đầu tư Hà Nội thì khu nhà xưởng cũ số 87-89 phố Hạ Đình của Công ty Rạng Đông không nằm trong danh mục, lộ trình các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu vực nội đô của TP Hà Nội trước năm 2020.
Người dân sống quanh nhà máy Rạng Đông đang bất an với ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy. (Ảnh: TT).
Có thể thấy quá trình di dời nhà máy Rạng Đông gắn liền với quá trình điều chỉnh quy hoạch 1/500 và việc chuyển đổi mục đích sử dụng ô đất 87-89 của Công ty Rạng Đông. Và tại sao đến nay sau 2 năm Công ty Rạng Đông đã nhiều lần xin di dời nhà máy, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất nhưng vẫn chưa được các sở, ngành của Hà Nội đồng ý vẫn chưa có câu trả lời.
Đến tháng 8/2018, Sở Kế hoạch – đầu tư vẫn hướng dẫn Công ty Rạng Đông liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố để được phê duyệt quy hoạch 1/500 của khu đất trước khi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập dự án đầu tư mới trên khu đất.
Công ty Rạng Đông trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sau cổ phần hóa, bán hết vốn trở thành công ty cổ phần do tư nhân nắm giữ từ năm 2015.
Lô đất Công ty Rạng Đông đang sở hữu rộng 57.416 m2 (khoảng 5,7 ha) là đất vàng trong nội đô Hà Nội, trong đó 56.896 m2 đất thuê 30 năm, 520 m2 đất thuê hàng năm.
Khu đất nhà xưởng 5,7 ha của Công ty Rạng Đông nằm trong quần thể nhiều nhà máy gây ô nhiễm như nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Công ty cao su Sao Vàng thuộc phân khu đô thị H2-3, quy hoạch 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2005 xác định là đất công cộng, đất hỗn hợp xây nhà ở.
Phân khu đô thị này có diện tích rộng 89,5 ha, mật độ xây dựng 20-53%, tầng cao các tòa nhà từ 1-50 tầng, dân số đến 2025 khoảng 33.950 người.
Rõ ràng khu đất 5,7 ha nhà xưởng của Công ty Rạng Đông từ năm 2005 đã được thành phố Hà Nội phê duyệt là đất công cộng và đất hỗn hợp xây nhà ở. Vậy vì sao các sở, ngành của thành phố không đưa nhà máy Rạng Đông vào danh mục cơ sở ô nhiễm phải di dời trước năm 2020 và không cho doanh nghiệp này được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Phải chăng, chính sự "cù cưa" giữa các sở, ngành của Hà Nội và Công ty Rạng Đông trong nhiều năm qua cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng nghìn hộ dân quanh nhà máy.
Dù không thuộc danh mục di dời, nhưng tại đại hội cổ đông Công ty Rạng Đông hồi tháng 5/2019 đã chuẩn y kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trước năm 2022.