Rau quả chế biến: Điểm sáng của ngành hàng xuất khẩu tỉ đô giữa lúc lao dốc

Trong lúc dịch COVID-19 hoành hành tại nhiều thị trường khiến các mặt hàng rau quả tươi xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng thì phân khúc hàng chế biến sâu lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ đáng chú ý.

Xuất khẩu rau quả chế biến tăng vọt

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm nay đạt 1,5 tỉ USD, giảm 14,5% so với cùng năm 2019.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả lao dốc do thị trường dẫn đầu là Trung Quốc với 60,8% thị phần giảm mua. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 745,1 triệu USD, giảm 29,2% về giá trị so với cùng năm 2019 (đạt 1,1 tỉ USD).

Mặc dù xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản tăng mạnh quanh mức 8% - 244% nhưng vẫn không thể kéo được sức giảm quá mạnh tại thị trường tỉ USD là Trung Quốc.

Cũng chính vì sức mua giảm mạnh nên các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt cũng lao dốc. Giá trị xuất khẩu thanh long 4 tháng chỉ đạt 423,8 triệu USD, giảm 7,7%; dưa hấu, sầu riêng cũng lần lượt giảm 40,1% và 84,1%, nhãn giảm 81%...

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, sản phẩm rau quả chế biến không những không chịu tác động từ dịch mà còn tăng trưởng khả quan tại các thị trường.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng khả quan so với cùng kì năm 2019, đạt 237 triệu USD, tăng hơn 36%. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 59,36 triệu USD, tăng 82,6% so với cùng kì năm 2019; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 14,8 triệu USD, tăng 205,7%; Nga đạt 17,1 triệu USD, tăng 178,6%...

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng hàng rau quả chế biến là chủng loại sản phẩm có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ngoài các thị trường truyền thống, khu vực Trung Đông và châu Phi là thị trường giàu tiềm năng đối với các loại nông sản chế biến, đặc biệt là dòng sản phẩm rau, quả.

Rau quả chế biến giúp tăng cơ hội xuất khẩu

Các doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chế biến là giải pháp gỡ khó về đầu ra cho các sản phẩm trái cây tươi nhờ sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu và nếu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ làm tăng trị giá xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), tốc độ tăng trị giá hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7% - 8%/năm; tỉ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. 

Tuy nhiên, công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam hiện chỉ mới đạt trình độ chế biến hiện đại, theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới ở một số ngành như hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra…

Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sơ chế, hướng tới xuất khẩu rau, quả dạng chế biến. Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau, quả sẽ tăng trưởng trở lại khi các quốc gia khống chế được dịch COVID-19.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder Café trái cây Meet More cho rằng, để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp phải phát triển thương hiệu. Đặc biệt hướng đi mới cho các doanh nghiệp là nên chế biến sản phẩm để các sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường và hướng đi cho xuất khẩu.

"Đầu tư cho công nghệ, đi theo hướng đi mới hoàn toàn là điều mà các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam cần nghiên cứu và đầu tư ngay", ông Luận chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Chế biến nông sản thích ứng hội nhập giai đoạn mới” hồi tháng 5 vừa qua.

Xuất khẩu rau quả chế biến là điểm sáng giữa lúc ngành hàng tỉ đô lao dốc - Ảnh 1.

Xuất khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng khả quan trong 4 tháng đầu năm, đạt 237 triệu USD, tăng hơn 36% so với cùng kì năm 2019. Ảnh minh họa.

Theo dự báo của Sở Thương mại Vân Nam, từ nay đến hết tháng 6/2020, thị trường tỉnh Vân Nam sẽ thiếu hụt một số lượng lớn khoảng 25 - 35% các loại hàng hóa nông sản thiết yếu thuộc nhóm hàng rau quả, lương thực, thực phẩm...phục vụ cho đời sống nhân dân.

Trước cơ hội này, tại các hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đầu ra cho nông sản, đặc biệt là tăng cường thị trường xuất khẩu do ảnh hưởng dịch COVID-19 thời gian gần đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam sang Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu với Vân Nam;

Đồng thời, cần có biện pháp hữu hiệu giảm áp lực thông quan, giảm áp lực ùn ứ hàng hóa. Phía Trung Quốc cũng cần đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi... đưa sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu và giao dịch theo phương thức chính qui...

Theo đó, các chuyên gia cho rằng trước bối cảnh các quốc gia trên thế giới dần khống chế dịch bệnh, thị trường dần mở cửa trở lại là thời điểm để các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong giai đoạn 2019 - 2022 (AHKFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2020 được cho là sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung, mặt hàng rau quả của Việt Nam nói riêng sang thị trường Hong Kong, đặc biệt là thời điểm hậu COVID-19. 

Các mặt hàng trái cây của Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần sang Hong Kong là thanh long, sầu riêng, xoài, dừa, bưởi.

Cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng vừa có hiệu lực sẽ càng mở rộng cơ hội cho các mặt hàng nông sản, trong đó có rau quả.

Xuất khẩu rau quả chế biến là điểm sáng giữa lúc ngành hàng tỉ đô lao dốc - Ảnh 2.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến rau quả sẽ chiếm ưu thế và trên đà phát triển, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do như EVFTA có hiệu lực. 

Tuy nhiên, hàng rào kĩ thuật để vào thị trường EU rất khắt khe, các doanh nghiệp cần chuẩn bị vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.

"Quan trọng nhất là phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. 

Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp và cả ngành rau, quả Việt Nam. Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó doanh nghiệp EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây", ông Nguyên chia sẻ.

Thực tế, với hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU là thị trường lớn và ổn định, chiếm tới 45% giá trị thương mại toàn cầu của rau, quả tươi. Do đó, nếu làm tốt truy xuất nguồn gốc, trái cây và rau, quả của Việt Nam sẽ rộng đường vào EU.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhu cầu của thị trường nội địa gần 100 triệu dân của Việt Nam cũng là rất tiềm năng, doanh nghiệp cũng cần tập trung để không bỏ lỡ cơ hội trong nước.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.