Rót thêm vốn, tiếp sức cho nhà ở xã hội

Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc, nguồn lực hỗ trợ thiếu hụt khiến doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không có vốn tham gia và người dân không vay được tiền để thuê, mua loại hình nhà ở này.
Rót thêm vốn, tiếp sức cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN).

Tháo gỡ khó khăn này, mới đây, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Với dòng vốn ưu đãi mới, nhà ở xã hội sẽ được tiếp sức để gia tăng sản phẩm phục vụ người dân.

Cùng đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quí IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.

Tính đến nay, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 207 dự án với quy mô xây dựng hơn 85.810 căn. Hiện có 220 dự án tiếp tục triển khai, tương đương 179.640 căn. Riêng năm 2019, đã có 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ hoàn thành.

Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội hiện chỉ đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.

Một trong những nguyên nhân khiến kết quả đạt thấp là do sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc thì nguồn lực hỗ trợ thiếu hụt khiến doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không có vốn tham gia và người dân không vay được tiền để thuê, mua loại hình nhà ở này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn đánh giá, về cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản hiện vẫn không thay đổi nhiều. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp vẫn rất thiếu. 

Hiện Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, từ cuối năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản.

Tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới cũng gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, VNREA đã kiến nghị cấp nguồn vốn cho nhà ở xã hội.

Theo quy định của Luật Nhà ở, hàng năm, nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank do nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay từ 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.

Như vậy, nếu cấp 2.000 tỉ đồng với tỉ lệ bù lãi suất vay từ 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 60.000 tỉ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội - VNREA đưa ra phân tích.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM  (HoREA) Lê Hoàng Châu đặt bài toán, khi kết thúc gói 30.000 tỉ đồng, từ 1 đồng, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng. Còn Ngân hàng Chính sách Xã hội, từ 1 đồng có thể huy động thêm 1 đồng nữa.

Với 2.000 tỉ đồng mà nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại thì khi đó các ngân hàng sẽ huy động được nguồn lực khoảng 66.000 tỉ đồng để cho doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.

Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại.

Giá nhà ở xã hội tại TP HCM đang vào khoảng 15 triệu đồng/m2. Trong khi hiện nay giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Khi giải quyết nhu cầu thật thì người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Các chủ đầu tư sẽ mất một nguồn cầu, phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh - ông Châu phân tích.

Các chuyên gia đều chung nhận định, sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân khó khăn hơn dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng người thu nhập thấp vẫn không dễ tiếp cận. Bởi vậy, khi Chính phủ có thêm gói tín dụng mới dành cho chương trình nhà ở xã hội sẽ giải thoát phân khúc này khỏi sự đình trệ mấy năm nay và đây thực sự là một tín hiệu tốt, được cả xã hội mong đợi.

chọn
Cận cảnh khu đô thị hơn 8.120 tỷ đang mời đầu tư ở Kim Chung và Đại Mạch, Đông Anh
Hà Nội đang mời đầu tư dự án Xây dựng Khu đô thị mới G3 tại các xã Kim Chung và Đại Mạch, huyện Đông Anh với tổng chi phí thực hiện hơn 8.120 tỷ đồng.