Cha con anh Thuận ôm nhau khóc nức nở khi suốt một ngày tìm kiếm nhưng tung tích của vợ và con gái vẫn chưa được tìm thấy. Ảnh: Văn Dũng |
Đến tối ngày 30/7, sau hơn 12 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng mới xác định được vị trí con tàu bị sà lan đâm chìm dưới lòng sông Sài Gòn. Còn hai nạn nhân bị mất tích là chị Nguyễn Thị Thuý Em (34 tuổi, ngụ huyện Gò Công, Tiền Giang) và con gái là Lê Thị Thanh Bình (10 tuổi) vẫn chưa được tìm thấy.
Ngồi phờ phạc trên chiếc ghe chở cát của những người đồng hương, cha con anh Lê Văn Thuận (38 tuổi, ngụ huyện Gò Công, Tiền Giang), hai nạn nhân được cứu sống trong vụ sà lan đâm chìm tàu chở cát vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố vừa ập đến với gia đình mình.
Đôi mắt ngấn lệ, anh Thuận kể lại trong tiếng nấc nghẹn: “Khoảng hơn 2h sáng, khi đó vợ và hai đứa con đang ngủ ở trong khoang tàu. Còn tui thì cầm lái điều khiển chiếc tàu chở 15 khối cát chạy trên sông Sài Gòn.
Khi vừa tới khu vực bến phà An Sơn thì bỗng nhiên một tiếng va chạm cực mạnh. Biết là tàu bị đâm nên tui vội la lên cho vợ con nghe thấy và nhảy xuống sông nhưng không kịp. Con tàu bị nước tràn vào rất nhanh và chìm nghỉm.
Tôi và cháu An chới với dưới nước thì được mấy người trên sà lan vớt lên, còn vợ và con gái chạy ra không kịp nên đã bị mắc kẹt trong khoang tàu”, anh Thuận kể.
Cũng theo anh Thuận, thời điểm gặp tai nạn, anh phát hiện chiếc sà lan chạy với tốc độ khá nhanh. Khi va chạm, tàu của anh bị đâm rất mạnh khiến thân tàu bị vỡ, nước tràn vào rất nhanh. Chỉ khoảng vài phút sau khi bị đâm, con tàu đã chìm sâu dưới lòng sông.
Câu chuyện bị dứt quãng bởi tiếng nấc nghẹn của anh Thuận khi thỉnh thoảng có người đến hỏi thăm và động viên anh.
“Tìm kiếm hơn một ngày rồi mà vẫn chưa thấy thì chắc là không còn hy vọng gì nữa rồi. Các anh các bác cố gắng tìm và đưa vợ con em lên bờ với, chứ để vợ và con em nằm dưới sông lạnh lẽo lắm”, anh Thuận nghẹn ngào nói.
Em Lê Long An (16 tuổi, con trai anh Thuận) vẫn chưa thể tin rằng mẹ và em gái mình vẫn đang mất tích. Ảnh: Văn Dũng |
Ngồi gục mặt vào vai cha là em Lê Long An (16 tuổi, con trai anh Thuận), cậu bé vừa mới bước sang tuổi trăng tròn giường như đang phải gánh chịu nỗi đau cùng một lúc mất đi mẹ và em gái. Nước mắt giàn dụa, An gục mặt vào vai cha khóc lóc.
“Ghe nhà con bị chìm, mẹ và em gái con cũng mất tích rồi chú ơi. Đi xong chuyến cát này là em con được về quê để đi học, mấy ngày nay mẹ chuẩn bị quần áo, sách vở cho em Bình vào lớp 5. Thế mà giờ đây sao mẹ với em không chịu về với cha và con vậy chú ơi”, An vừa khóc vừa nói.
An cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, trên ghe có cha mẹ, em cùng người em gái. Tuy nhiên, chỉ có An và cha thoát nạn khi ghe chìm.
“Lúc đó, khoảng 2h sáng, mẹ và em gái nằm ngủ trên võng. Em ngồi thức cùng cha thì nghe tiếng va chạm rất mạnh từ phía sau khiến ghe rung lắc dữ dội. Biết ghe bị sà lan đâm vào nên cha hét lớn báo cho mẹ biết nhưng nước tràn vào nhanh quá”, An kể về thời điểm ghe bị sà lan đâm chìm.
“Chỉ trong khoảng 10 giây chiếc ghe đã chìm xuống dòng nước xoáy cuốn theo mẹ và em gái. Em và cha bị hất văng xuống nước. Cố gắng bơi ra xa khu vực nước xoáy em gọi mẹ và em gái nhưng không thấy trả lời. Lúc đó trời tối đen như mực, em gọi khàn giọng mà vẫn không thấy mẹ và em gái đâu”, An nói trong đau đớn.
Nhiều người dân đã sử dụng ghe của gia đình để hỗ trợ cơ quan chức năng tham gia tìm kiếm hai nạn nhân mất tích. Ảnh: Văn Dũng |
Được biết, cả gia đình anh Thuận từ miền Tây lên Bình Dương kiếm sống nhờ vào chiếc tàu gỗ để chở hàng thuê.
“Trước thời điểm xảy ra tai nạn, cha mẹ em có bàn sẽ cố gắng kiếm nhiều mối chở hàng để có tiền cho em gái bước vào năm học mới. Vậy mà giờ đây khi quần áo và sách vở của em Bình đã được sắm đầy đủ thì lại xày ra tai nạn…”, An lấy tay lau nước mắt và mong sao lúc xảy ra tai nạn, mẹ và em gái được một ghe nào đó đi ngang cứu sống và họ đã đưa vào bờ.
Liên quan đến vụ tai nạn đường thuỷ này, chiều cùng ngày, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ ông Đỗ Phước Hải (44 tuổi, người điều khiển sà lan lúc xảy ra tai nạn) và Huỳnh Tấn Kha (30 tuổi, cùng quê Long An, thuyền trưởng sà làn mang ký hiệu SG7552) để phục vụ công tác điều tra.
Bước đầu làm việc với công an, ông Đỗ Phước Hải khai mình là người cầm lái chiếc sà lan thời điểm xảy ra tai nạn.
Lực lượng tìm kiếm đã xác định được vị trí của chiếc tàu bị chìm, dự kiến đêm nay, người nhái sẽ tiến hành lặn xuống để trục vớt chiếc tàu lên bờ. Ảnh: Văn Dũng |
Ông Hải nói rằng chiếc sà lan này do thuyền trưởng Huỳnh Tấn Kha (30 tuổi, quê Long An) cầm lái. Tuy nhiên, trước thời điểm xảy ra tai nạn, ông Kha đang cầm lái thì bị đau bụng nên phải đi vệ sinh và nhờ ông Hải cầm lái giúp một lúc.
Mặc dù không có giấy phép lái sà lan nhưng ông Hải vẫn nhận lời lái giúp cho ông Kha. Khoảng 10 phút sau khi ông Hải cầm lái, chiếc sà lan bất ngờ đâm vào chiếc tàu chở cát của anh Thuận.
Cùng ngày Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Trương Hoà Bình vừa có công điện khẩn yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân và phòng ngừa các tình huống tương tự sau sự cố sà lan đâm tàu cát khiến một gia đình gặp nạn, hai mẹ con mất tích.
Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân vụ chìm tàu khiến hai mẹ con mất tích ở Bình Dương Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình vừa có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị và tỉnh Bình Dương thực hiện các biện pháp ... |
Lời khai của người lái sà lan đâm chìm tàu chở cát khiến hai mẹ con mất tích Do thuyền trưởng bị đau bụng phải đi vệ sinh nên đã nhờ một người không có giấy phép lái tàu giúp điều khiển chiếc ... |