Nhiều hành khách đã khóc nức nở vì bị trễ giờ, không bắt kịp chuyến tàu về quê đón tết Nguyên đán do kẹt xe.
Khổ sở vì kẹt xe
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày cao điểm cuối năm, lượng xe qua lại tại khu vực các bến xe, nha ga, sân bay... luôn trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Vào giờ cao điểm tết, hành khách kiểm tra thật kỹ giờ xuất phát của chuyến tàu mình đi và phải tính toán thời gian để đến sớm trước giờ tàu xuất phát khoảng 30 phút. Có như thế, mới không rơi vào tình trạng trễ chuyến tàu và có thời gian xử lý một số tình huống trước khi tàu chạy Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn |
Trên các tuyến đường vào Sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình), như: Trường Sơn, Hồng Hà, ngã sáu Gò Vấp và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn... luôn trong tình trạng ùn tắc, khiến người dân di chuyển qua lại khu vực này khó khăn.
Tại một số trục đường quanh khu vực Ga Sài Gòn, Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây... cũng luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều xe phải chen lấn nhau để di chuyển, khiến tình trạng ùn tắc tại các khu vực này thêm hỗn loạn vào giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết vào những ngày cao điểm cận tết, lượng hành khách qua bến tăng nhanh. Theo thống kê, những ngày cao điểm gần đây, lượng khách qua bến trong ngày đạt khoảng hơn 25.000 người, so với cùng kỳ năm trước (tăng 117%).
Theo ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Bến xe Miền Tây, hành khách qua bến vào những ngày cận tết dao động từ 22.000 đến 25.000 khách/ngày. Vì thế lượng xe qua lại tại khu vực bến xe rất đông, luôn trong tình trạng ùn ứ.
Riêng tại khu vực Ga Sài Gòn, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, vào những ngày cận tết, bình quân mỗi ngày có khoảng từ 12.000 đến 14.000 hành khách đi tàu. Chính vì lượng khách về quê đông đã dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông tại các khu vực quanh nhà ga.
Bật khóc vì trễ tàu
Khoảng 10 giờ ngày 20.1, tại Ga Sài Gòn, dù đoàn tàu đã chuyển bánh rời khỏi nhà ga, nhưng lúc này vẫn có rất nhiều hành khách hớt hải kéo hành lý chạy vào. Đây là những hành khách không kịp giờ lên tàu.
Một hành khách bị trễ chuyến tàu cho biết, vì không lường trước quãng đường từ nhà đến ga lại bị kẹt xe, nên thời gian đến ga lâu hơn dự kiến. Sau một hồi đi tìm mua vé ghế phụ không có, gia đình này đành “tay xách, nách mang” hành lý... quay về nhà.
Cũng tại đây, chúng tôi còn gặp gia đình gồm 4 thành viên cũng hối hả xách hành lý và dẫn theo hai con nhỏ tức tốc di chuyển vào khu vực kiểm soát vé để làm thủ tục lên tàu về quê Quảng Ngãi. Tuy nhiên, khi kiểm tra vé tàu, nhân viên kiểm soát vé tại Ga Sài Gòn thông báo chuyến tàu của gia đình chị T. đã xuất bến vào lúc 9 giờ 40.
Giọng nghẹn ngào, chị T. cho biết, chị phải khó khăn để đặt vé về quê vào ngày 20.1 để đón tết cùng gia đình. Nhưng vì chị sống ở khu vực cách khá xa nhà ga, hơn nữa lại gặp phải tình trạng kẹt xe, khiến cả gia đình phải bị trễ chuyến tàu về quê đón tết.
Sau đó, vợ chồng chị T. đã liên hệ quầy vé để mua lại vé đi chuyến tàu khác. Tuy nhiên, vì giờ cao điểm cuối năm, nên việc mua lại vé tàu để tiếp tục hành trình rất khó khăn. Không mua được vé tàu, chị T. ôm 2 con nhỏ bật khóc ngay giữa nhà ga.
Theo ông Đỗ Quang Văn, trường hợp hành khách bị trễ chuyến tàu không phải là hiếm, phần lớn do chủ quan, không tính toán được thời gian di chuyển từ nhà ra ga.
Ông Văn khuyến cáo: “Vào giờ cao điểm tết, hành khách kiểm tra thật kỹ giờ xuất phát của chuyến tàu mình đi và phải tính toán thời gian để đến sớm trước giờ tàu xuất phát khoảng 30 phút. Có như thế, mới không rơi vào tình trạng trễ chuyến tàu và có thời gian xử lý một số tình huống trước khi tàu chạy”.
Nguyễn Tiến (thực hiện)
Kinh doanh 07:09 | 26/12/2018
Thời sự 09:24 | 23/11/2018
Thời sự 23:43 | 12/11/2018
Thời sự 10:38 | 22/10/2018
Thời sự 03:41 | 02/10/2018
Thời sự 07:36 | 01/10/2018
Thời sự 05:54 | 01/10/2018
Thời sự 05:05 | 01/10/2018