Sai phạm tại Sagri nơi ông Lê Tấn Hùng bị bắt: Trung Thủy là ai mà dễ dàng hốt đất vàng?

Ít nhất 17 khu đất vàng tại trung tâm TP HCM của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đã lọt vào tay Tập đoàn Trung Thủy dưới nhiều tên pháp nhân khác thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư.

Trung Thủy của ai mà dễ dàng thâu tóm đất vàng từ Sagri?

Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Sagri) là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty “mẹ - con”. Năm 2010, SAGRI chuyển thành công ty TNHH MTV, gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh. Những năm gần đây, doanh thu toàn hệ thống SAGRI hơn 3.000 tỉ đồng/năm.

Với lợi thế là doanh nghiệp nhà nước, SAGRI có lợi thế lớn trong việc được giao đất đai với diện tích hàng ngàn ha, nguồn lực lớn từ vốn, cơ sở nhà đất, trong đó có nhiều vị trí đất vàng... Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động điều hành, kinh doanh của SARGI lại để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài.

Các sai phạm của Sagri "trải rộng" từ công tác quản lý tài chính, đầu tư, chuyển nhượng dự án, hợp tác đầu tư, mua sắm, đấu thầu...

Với nhiều lô đất vàng được "chui" qua tay Tập đoàn Trung Thủy, dư luận đặt câu hỏi Trung Thủy là ai? Thậm chí Tập đoàn này còn được ví như Vũ nhôm với các chiêu "ăn" đất công dễ như trở bàn tay.

Các hợp đồng hợp tác Sagri - Trung Thủy thực chất là thông qua nhiều pháp nhân, nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thực chất đại diện pháp luật của những doanh nghiệp này đều do ông Nguyễn Văn Trung hoặc vợ ông Trung là bà Dương Thanh Thủy đứng tên đại diện pháp luật.

Các công ty này đều có địa chỉ đăng ký tại Tầng 12, Tòa nhà Miss áo Dài, 21 Nguyễn Trung Ngạn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là trụ sở điều hành của Tập đoàn Trung Thủy.

Trong một bài phỏng vấn đăng trên báo mạng năm cách đây vài năm, bà Dương Thanh Thủy có kể về xuất thân của mình, bố mất khi tôi còn rất nhỏ, từ đó gia đình có nhiều thay đổi nên bà sống tự lập từ năm lên 6, đi làm "ôsin" cho đến tận 16 tuổi để kiếm sống. "Đã có lúc, khi lau tủ lạnh cho nhà chủ, tôi nghĩ rằng biết bao giờ mình mới có tiền để mua một cái như thế?"

Bà Thủy nói rằng những ám ảnh về sự đói nghèo từ thời thơ bé và sự thiếu thốn tình cảm chính là một trong những động lực để phấn đấu, từ việc kinh doanh và xây dựng thương hiệu Miss Aodai, sau đó là lấn sân sang các lĩnh vực khác trong đó có bất động sản.

Sai phạm tại Sagri nơi ông Lê Tấn Hùng bị bắt: Trung Thủy là ai mà dễ dàng hốt đất vàng? - Ảnh 1.

Một trong những dự án “gạo đã thành cơm” giữa Sagri với Tập đoàn Trung Thủy là dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ.

Ngày 9/3/2016, Tập đoàn Trung Thủy và Sagri ký hợp đồng nguyên tắc số 29 thống nhất hợp tác đầu tư trên khu đất 650 ha do Công ty Bò sữa đang quản lý sử dụng.

Ngày 2/8/2016, Tập đoàn Trung Thủy và Sagri ký tiếp hợp tác đầu tư số 90 để thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri để thực hiện dự án, vốn điều lệ ban đầu là 164 tỷ đồng, trong đó Sagri đóng góp 36% vốn điều lệ (tương đương 59 tỷ đồng) và Tập đoàn Trung Thủy đóng 64% (tương đương 104 tỷ đồng). Đối với phần vốn góp của Sagri, Tập đoàn Trung Thủy cho vay không lãi suất trong ba năm đầu.

Ngày 30/12/2016, UBND TP.HCM có Quyết định số 6878, chấp thuận cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri là chủ đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 650 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

Dù trước đó đã được UBND TP.HCM chấp thuận, nhưng thương vụ hợp tác giữa Sagri và Tập đoàn Trung Thủy để biến khu đất 650 ha của Công ty Bò Sữa thành tài sản của pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri đã bị Thanh tra UBND TP.HCM tuýt còi.

Kết luận Thanh tra số 05 của Thanh tra TP.HCM khẳng định, việc Công ty Bò sữa bàn giao đất cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri để hợp tác sản xuất nông nghiệp khi chưa được UBND TP.HCM chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất là vi phạm quy định tại Điều 2, Quyết định công nhận quyền sử dụng đất số 5039 của UBND TP.HCM “… không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”.

Một trong những dự án “gạo đã thành cơm” giữa Sagri với Tập đoàn Trung Thủy là  dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ có quy mô 1.398 m2, với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Theo đó, năm 2016, Sagri ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Trung Thủy xây dựng dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, thời hạn hợp tác là 20 năm.

Trong năm 2017, Sagri ghi nhận khoản doanh thu 10 tỷ đồng từ Tập đoàn Trung Thủy về hợp tác kinh doanh tại dự án này.chỉ trong hai năm 2015 và 2016, Sagri đã ký hợp đồng hợp tác với các đối tác như Công ty như Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận, Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Công ty bất động sản Tín Nghĩa để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án tại 17 mặt bằng, nhà đất với quỹ đất hơn 200.000 m2 nằm ở các vị trí đắc địa tại các huyện Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Thạnh, Q7. Cụ thể như khu đất tại phường Tân Thuận Đông Quận 7, khu đất 16.000m2 tại phường 13, quận Gò Vấp…

Các thương vụ hợp tác làm ăn với tỷ lệ 27% và 73% giữa Sagri và các công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Trung Thủy để khai thác quỹ đất nói trên được Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc hợp tác này là không đúng mục đích sử dụng.

Sai phạm kéo dài hơn chục năm, "dính" đến 18 lãnh đạo chủ chốt

Các sai phạm tại SAGRI xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, “dính” đến 18 lãnh đạo chủ chốt của SAGRI trong HĐTV, Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên… Riêng cá nhân ông Lê Tấn Hùng vừa bị khởi tố và bị bắt giam, ngoài “khoản ký khống hợp đồng hơn 13 tỉ đồng”, còn bị xác định có trách nhiệm trong các vi phạm về quản lý tài chính, đất đai, dự án... thời kỳ liên quan.

Các sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI cũng “dính” đến 12 cá nhân là lãnh đạo HĐQT, Ban tổng giám đốc SARGI giai đoạn 2004 - 2016, nay đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác...

Theo Sở Nội vụ, 12 cá nhân này có thiếu sót, sai phạm đến mức phải khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, tuy nhiên do hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên Sở kiến nghị UBND TP chuyển Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét trách nhiệm theo quy định của Đảng.

Theo thông tin từ Bộ Công an, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên.

Quá trình điều tra, ngày 05/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, hôm nay (6/7), cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Tấn Hùng (sinh năm: 1963; cựu Tổng Giám đốc; cư trú tại: Số 22 Bis Trương Định, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.