Thí sinh ôn bài trước khi thi môn sử tại hội đồng thi Trường THPT Gia Định, cụm thi ĐHQG TP.HCM kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Thực chất thi tự luận hay trắc nghiệm, kiến thức môn Lịch sử vẫn thuộc chương trình sách giáo khoa Lịch sử. Việc chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm chỉ thay đổi hình thức kiểm tra chứ không thay đổi nhiều về nội dung thi.
Muốn đạt điểm cao căn bản vẫn là nắm vững kiến thức, bên cạnh đó tăng cường rèn kỹ năng để thao tác làm bài nhanh hơn.
Trên cơ sở đề thi THPT quốc gia 2017, tôi xin chia sẻ với các em học sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia 2018 đôi điều sau:
Về cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2017, lượng kiến thức phần lịch sử thế giới chiếm 30% và lịch sử Việt Nam là 70%. Phần thứ nhất gồm 24 câu đầu, mức độ "nhận biết" và "thông hiểu", kiểm tra kiến thức cơ bản, chiếm 60% đề thi.
Phần thứ hai gồm 16 câu hỏi cuối đề thi, có tính phân loại, đòi hỏi khả năng "vận dụng" và "vận dụng cao" phục vụ cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng. Cuối đề có 4 câu vận dụng cao, chiếm 1/10 điểm. Theo lý thuyết, một thí sinh khá có thể đạt được điểm tối đa là 9/10. Một điểm còn lại sẽ dành cho học sinh giỏi. Tuy nhiên, đạt điểm 9 không dễ!
Trong học thi trắc nghiệm, trước tiên học sinh phải đọc kỹ sách giáo khoa - đây là tài liệu ôn thi cần được tận dụng triệt để. Đề thi trắc nghiệm có độ phủ kiến thức rộng hầu hết chương trình, nên ngoài việc ôn tập theo hệ thống cũng cần yếu tố tỉ mỉ, chi tiết. Đây là điểm khó của thi trắc nghiệm.
Với đề tự luận trước đây, học sinh chỉ cần chú trọng vào một số trọng tâm kiến thức nhất định, thì nay phải nắm vững toàn bộ kiến thức lớp 11 và 12 trong sách giáo khoa, tuyệt đối không được "học tủ, học vẹt".
Với hình thức thi trắc nghiệm, không chỉ biết và hiểu, học sinh còn phải hiểu rõ bản chất từng sự kiện, vấn đề lịch sử, học sự kiện này phải xâu chuỗi, liên hệ đến sự kiện trước và sau nó, biết phân tích, tổng hợp, khái quát hóa vấn đề, từ đó rút ra mối quan hệ tương tác, biện chứng của từng giai đoạn.
Phương án trả lời trắc nghiệm phải chính xác nên phải học kỹ để nắm vững bản chất sự kiện và loại được phương án nhiễu trong câu hỏi. Để đạt điểm cao, có thể học theo vấn đề:
- Trong thời điểm, giai đoạn lịch sử đó, sự kiện gì đã diễn ra?
- Vì sao sự kiện đó xảy ra? Nội dung chính là gì? Kết quả, ý nghĩa.
- So sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá, bình luận, liên hệ…
Theo phương pháp này, học sinh sẽ nắm được trọng tâm chương trình, hiểu rõ những sự kiện cốt yếu trong không gian và thời gian cụ thể, đồng thời biết rút ra bài học kinh nghiệm, liên hệ thực tiễn...
Thứ hai, lập sơ đồ tư duy kết hợp với xác định từ khóa.
Đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử hiện nay không đặt câu hỏi về thời gian, địa điểm, nhân vật…, nhưng đặc trưng của lịch sử là sự kiện, không gian, thời gian… nên học sinh phải hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy.
Qua đó, học sinh sẽ biết cách tổng hợp, xâu chuỗi kiến thức theo trình tự và lý giải các mối quan hệ tác động biện chứng, nhân quả giữa các vấn đề, sự kiện một cách hệ thống, logic. Quan trọng nhất là phải nắm vững kiến thức để tìm ra từ khóa của câu hỏi và có câu trả lời chính xác.
Đối với những học sinh đặt mục tiêu xét tuyển vào đại học, có thể học theo chủ đề, vì sự kiện lịch sử đều có tiến trình, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau. Khi học cần xác định trọng tâm chương bài, lập sơ đồ tư duy tổng quát theo chủ đề.
Cần chú ý học kỹ các bài Tổng kết để rèn luyện kỹ năng khái quát hóa kiến thức và xâu chuỗi vấn đề. Tất cả những kiến thức, vấn đề và sự kiện lịch sử cốt lõi nhất, nổi bật nhất, những bài học, những giá trị lịch sử… đều hiện hữu trong các bài Tổng kết - bài học mà phần lớn học sinh khi ôn thi tự luận thường bỏ qua không để ý.
Thứ ba, chú ý tự ôn luyện ở nhà trên cơ sở tham khảo các tài liệu hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm hiện hành và với sự hướng dẫn của giáo viên. Thí sinh phải chú ý những kỹ năng, mẹo làm bài mà giáo viên hướng dẫn trên lớp.
Luyện giải bài tập thường xuyên là cách ôn kiến thức và luyện kỹ năng tốt nhất, giúp học sinh chuẩn bị tâm lý vững vàng và tự tin khi làm bài thi. Qua đó, học sinh sẽ nhớ, hiểu, xử lý tốt kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để hóa giải được cách "gài bẫy" của đề thi và biết phân bố thời gian hợp lý khi làm bài.
Lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam giống nhau về cách học, tất cả các sự kiện thường có công thức: hoàn cảnh, diễn biến, kết quả, ý nghĩa, tính chất… Ngoài ra, có thể vận dụng thêm kiến thức tích hợp từ bộ môn ngữ văn, địa lý, những vấn đề mang tính thời sự…
Những năm gần đây, đề thi Lịch sử thường có những câu hỏi liên quan đến thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết cơ bản về các vấn đề xã hội để từ đó suy luận, lý giải, rút ra bài học…, do đó các thí sinh nên chủ động và theo dõi cập nhật các tin tức thời sự có liên quan đến môn học.
Đầu tiên cần đọc kỹ đề, xác định từ khóa và yêu cầu của câu hỏi để lựa chọn phương án trả lời phù hợp, chú ý dạng câu phủ định để không bị lạc đề hay nhầm lẫn kiến thức.
Trong trường hợp chưa biết đáp án đúng, có thể dựa trên những dữ kiện trong bài để loại trừ đáp án sai và tìm ra đáp án đúng, không nên đoán mò.
Theo cấu trúc đề thi, càng xuống dưới câu hỏi càng khó nên phải biết phân tích, xử lý nhanh và chính xác các câu dễ, phân bố hợp lý thời gian làm bài.
Phải đọc kỹ lời dẫn ngay trong lần đầu tiên, phân bố thời gian hợp lý khi làm bài. So với đề tự luận, hình thức thi trắc nghiệm có số lượng câu hỏi nhiều hơn nhưng thời gian làm bài ngắn hơn.
Trong kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm, lời dẫn bao giờ cũng nêu đầy đủ thông tin, ý nghĩa của vấn đề. Vì thế, luôn phải đọc thật kỹ lời dẫn ngay lần đầu tiên để không mất thêm thời gian đọc lại lần thứ hai.
Tùy theo trình độ để phân bố thời gian làm bài tối ưu. Với môn Lịch sử, học sinh trung bình cần dành nhiều thời gian cho 24 câu đầu, mức độ nhận biết và thông hiểu, tránh mất thời gian cho câu vận dụng cao.
Học sinh khá giỏi cần xác định thật nhanh và dứt khoát đáp án các câu dễ, dành nhiều thời gian giải các câu khó. Khi không thể trả lời được câu nào, mà thời gian còn rất ít thì nên chọn đáp án theo mình là đúng nhất theo phương châm "thà tô nhầm còn hơn bỏ sót" để có cơ hội đạt điểm cao hơn, tuyệt đối không để trống câu nào.
Trong quá trình làm bài, cần chú ý đánh dấu những câu đã làm vào đề thi để không mất thời gian đọc lại ở lần tiếp theo.
Những sai sót cần tránh trong quá trình làm bài - Không điền mã đề và thông tin cá nhân do vội vàng làm bài. - Tô một câu 2 ô đáp án, có thể do vô tình hay cố ý đều không được chấm điểm. - Không tô đáp án câu không biết trả lời, tự gây bất lợi cho mình. - Tẩy xóa không sạch khi đổi đáp án khác, dễ bị nhầm là tô 2 đáp án và bị hủy kết quả. - Phân phối thời gian không hợp lý, không kịp thời gian tô đáp án. - Tô không kín ô hoặc chỉ đánh chéo, đánh dấu vào ô đáp án, sẽ không được tính điểm. - Không đọc kỹ câu hỏi, vội vàng chọn đáp án khi thấy câu quen thuộc hoặc không chú ý kỹ các câu có từ phủ định "không" (thường được in đậm) nên dễ chọn đáp án sai. - Nhìn không kỹ thứ tự câu nên tô nhầm đáp án vào câu khác, dễ dẫn đến một câu hai đáp án. - Chọn viết chì không phù hợp (đầu nhọn khó tô, dễ gãy) hoặc gôm (tẩy) không tốt, ảnh hưởng thời gian làm bài, gây tâm lý ức chế, ảnh hưởng kết quả bài thi. - Nhầm lẫn thứ tự câu khi tô đáp án từ giấy nháp vào bảng trả lời. Đây là lỗi khá nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến điểm liệt nếu tô lệch quá nhiều. Tốt nhất biết câu nào tô ngay câu đó, tránh để trống và tô tất cả các câu vào cuối giờ làm bài. |
Thầy giáo chỉ cách ôn luyện môn Hóa học giai đoạn cuối thi THPT 2018
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ thi THPT 2018, các thí sinh nên tập trung ôn luyện môn Hóa học làm sao để đạt ... |
Tài liệu nào tốt nhất để thí sinh ôn tập thi quốc gia?
Một thí sinh đặt câu hỏi: “Em muốn hỏi kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn Toán là gì? Có phải cứ bấm máy ... |