Trao đổi với báo chí, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ bao gồm kiến thức lớp 10, 11, 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Nội dung đề thi cũng sẽ hướng tới 2 mục tiêu: Lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và đó cũng là căn cứ xét tuyển đại học.
Mặc dù hình thức thi trắc nghiệm đã thực hiện được 2 năm 2017 và 2018, song nhiều học sinh vẫn băn khoăn, thắc mắc: Hình thức thi cử này có điểm gì mới? Việc chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia cần phải ôn luyện những nội dung gì? Phương pháp ôn luyện như thế nào? Trong đề thi THPT quốc gia có bao nhiêu câu hỏi, phân bổ ra sao và cách giải quyết từng dạng câu hỏi ra sao để có kết quả tốt…
Để có phương pháp ôn luyện tốt và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra – đánh giá và thi môn Lịch sử, các em học sinh có thể tham khảo những định hướng sau đây được PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Công thức “5W - 1 How” là viết tắt của các “từ khóa” trong tiếng Anh, gồm:
What? (sự kiện gì đã xảy ra và như thế nào?).
When? (sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào?).
Who? (gắn liền với ai - nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào?...).
Where? (gắn với địa điểm, không gian nào?).
Khi vận dụng 4W trên trong ôn luyện, các em không nên máy móc, vì trong một số trường hợp sự kiện lịch sử không cần phải chi tiết, cụ thể về ngày/tháng/năm mà mang “tính tương đối”.
Thời gian của sự kiện lịch sử cũng rất đa dạng, có thể được tính bằng phút (10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ nội các Sài Gòn); có khi theo mùa (mùa hè năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với Luận cương của Lênin…), hoặc thập kỉ, thế kỉ (đầu thập kỉ, cuối thế kỉ…); đôi khi lại dùng cụm từ chỉ tương đối “trong những năm”, “đầu những năm”, “cuối những năm” (những năm 20 của thế kỉ XX, phong trào yêu nước ở Việt Nam có hai khuynh hướng chính trị cùng tồn tại là tư sản và vô sản…).
Tương tự như vậy, địa điểm, không gian diễn ra sự kiện lịch sử có thể là cây đa (cây đa Tân Trào - nơi diễn ra lễ xuất quân của một đơn vị Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945), tại một cứ điểm, căn cứ (cứ điểm Điện Biên Phủ), vùng miền, khu vực… (miền Bắc Việt Nam, khu vực Đông Nam Á …).
Why? (lí giải vì sao, tại sao sự kiện lịch sử lại diễn ra như vậy? tức là phải bình luận, nhận xét, đánh giá, chứng minh, giải thích, lí giải…. về sự kiện).
Các em học sinh cần lưu ý, kiến thức lịch sử luôn có hai phần: Phần “sử” là những sự kiện, hiện tượng đã diễn ra trong quá khứ, dù muốn hay không cũng không thay đổi được, không tranh luận, không hiện đại hóa hoặc xuyên tạc phần “sử” (gồm 4W ở trên); Phần “luận” (Why?) là phần quan trọng đối với người học khi ôn luyện và làm bài thi lịch sử, điểm của bài thi cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào phần “luận” (khoảng 60-70% điểm số của bài thi).
Ví dụ, (khi đề cập về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến), các em phải lí giải được vì sao Đảng, Chính phủ ta lại phát động kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp vào ngày 19/12/1946 mà không phải là thời gian khác. Dĩ nhiên, để “luận” được phần “sử”, các em cần phải ghi nhớ, xác định được quá trình diễn ra của 4W ở trên (khác với học thuộc lòng, thuộc vẹt).
Trên thực tế, không ít học sinh tuy biết được phần “sử”, nhưng lại không thể giải thích, nhận xét, bình luận được sự kiện.
Ví dụ nhiều em tuy nhớ được chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7/5/1954, nhưng không thể lí giải được vì sao lại gọi đây là chiến thắng lớn nhất của quân dân ta trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Dù là bài thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan thì vẫn cần phải chú ý cả hai phần “sử” và “luận” khi học tập, ôn luyện.
“1 How” đề cập đến các dạng câu hỏi nào thường gặp trong đề thi để chúng ta tập trung ôn luyện thành thạo (khi ôn luyện mỗi nội dung, chủ đề) và cách giải quyết mỗi dạng câu hỏi như thế nào? (xem mục II Các dạng câu hỏi thường gặp trong đề kiểm tra – đánh giá và thi trắc nghiệm THPT quốc gia môn Lịch sử). Chúng ta cùng xem lại sơ đồ hóa về công thức “5W – 1How”:
Sơ đồ hóa về công thức “5W – 1How” trong ôn luyện môn Lịch sử. Ảnh: NVCC. |
Lịch sử Việt Nam là một bộ phận của lịch sử thế giới, nên sẽ chịu ảnh hưởng trước những tác động lớn từ bên ngoài. Trong các dạng đề thi, các em sẽ gặp câu hỏi liên quan giữa lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc.
Ví dụ các em biết được những thắng lợi của quân Đồng minh từ cuối năm 1944 đến giữa tháng 8/1945 sẽ hiểu rõ tác động của những thắng lợi đó đối với Cách mạng Việt Nam (điều kiện khách quan góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945)...
Thực tiễn cho thấy, học sinh hay bị nhầm lẫn và rối rắm khi học về các chủ trương, đường lối đấu tranh của Đảng, nhất là thời kì 1930 – 1945. Để khắc phục những hạn chế trên, các em hãy vận dụng công thức xác định được “5 cụm từ khóa” dưới đây (các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930, tháng 7/1936, tháng 11/1939, tháng 5/1941 và tháng 3/1945 đều đề cập đến những nội dung này):
- Xác định đường lối chiến lược cách mạng (lưu ý đường lối chiến lược cách mạng không bao giờ thay đổi): Đầu năm 1930, Cương lĩnh của Đảng xác định cách mạng Việt Nam sẽ trải qua 2 giai đoạn là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng, sau khi thành công sẽ bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để tiến lên xã hội cộng sản. Sau năm 1975, Việt Nam thực hiện giai đoạn 2 của đường lối này.
- Xác định kẻ thù, nhiệm vụ cách mạng (có thể thay đổi do hoàn cảnh lịch sử). Ví như, trong giai đoạn 1936 – 1939, Đảng xác định kẻ thù cách mạng không phải là đế quốc Pháp nói chung mà là bọn phản động thuộc địa và tay sai, Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 xác định kẻ thù là đế quốc Pháp và tay sai, Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 xác định kẻ thù là đế quốc – phát xít Nhật, Pháp và tay sai, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng sau ngày Nhật đảo chính Pháp xác định kẻ thù chỉ còn phát xít Nhật và tay sai của chúng – Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim).
- Xác định lực lượng cách mạng và thành lập mặt trận dân tộc thống nhất (có thể thay đổi do hoàn cảnh lịch sử). Ví như, tháng 7/1936, Đảng đưa ra chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, đến tháng 3/1938 đổi tên thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tháng 11/1939 đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, tháng 5/1941 thành lập mặt trận dân tộc thống nhất đầu tiên của riêng Việt Nam – Mặt trận Việt Minh.
- Đưa ra khẩu hiệu đấu tranh (có thể thay đổi do hoàn cảnh lịch sử).
- Xác định hình thức, phương pháp cách mạng (có thể thay đổi do hoàn cảnh).
Riêng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) cần có thêm nội dung quan trọng này: Nhấn mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân (với ba sự chuẩn bị cốt lõi về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng).
Để biết rõ lí do vì sao Đảng lại thay đổi chủ trương đấu tranh qua mỗi thời kì thì các em phải bám sát vào bối cảnh lịch sử thế giới và trong nước.
* Ở bài tiếp theo, chúng tôi sẽ gửi tới quý độc giả và các em học sinh bài viết với nội dung: “Các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử và những lưu ý khi làm bài” do PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng đưa ra.
Kì thi THPT quốc gia 2019 dự kiến sẽ có những thay đổi gì?
Để khắc phục những hạn chế của kì thi THPT quốc gia 2017, 2019 thì Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số thay đổi dự ... |
Phải chỉ ra được ai là người chịu trách nhiệm về sơ hở trong kì thi THPT quốc gia 2018
Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, cần phải chỉ rõ ai là người phải chịu trách nhiệm trong những sơ hở, sai phạm tại kì thi ... |
7 điểm cần nghiên cứu, chỉnh sửa trong kì thi THPT quốc gia
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV đã chỉ ra 7 điểm cần nghiên ... |
Quốc hội chỉ rõ 5 nguyên nhân của những hạn chế trong kì thi THPT quốc gia 2018
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV đã chỉ ra 5 nguyên nhân của ... |
'Đề thi THPT quốc gia chưa công bằng vì độ khó dễ giữa các năm chênh nhau quá lớn'
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV vừa công bố kết quả khảo sát ... |
Giáo dục 19:09 | 10/06/2019
Giáo dục 14:02 | 29/05/2019
Giáo dục 06:33 | 18/05/2019
Giáo dục 06:38 | 17/05/2019
Giáo dục 20:03 | 12/05/2019
Giáo dục 06:41 | 25/04/2019
Giáo dục 07:02 | 08/04/2019
Giáo dục 13:03 | 04/04/2019