Gian lận điểm thi: Bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ buông lỏng việc học

Mặc dù kì thi THPT quốc gia vừa qua tồn tại nhiều tiêu cực, tuy nhiên theo các chuyên gia giáo dục, thông qua kì thi sẽ đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách khách quan và chính xác hơn.

Kì thi tốt nghiệp THPT là cần thiết

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết: "Theo tôi, việc duy trì kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia là cần thiết, đặc biệt trong khi chương trình phổ thông mới sắp sửa được áp dụng. Việc đánh giá tốt nghiệp là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng của chương trình và cải tiến hàng năm".

Cũng theo ông Sơn, bằng tốt nghiệp THPT khá quan trọng trong việc học tập và làm việc của học sinh sau khi tốt nghiệp. Các em không chỉ học lên ĐH - CĐ tại Việt Nam mà còn khá nhiều em có định hướng theo học hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Vậy nên, kì thi tốt nghiệp THPT là cần thiết.

Tuy nhiên, để kì thi tốt nghiệp THPT phát huy được hết giá trị, điều cần thiết là cải tiến khâu đánh giá. Việc tổ chức kì thi nên giao về các địa phương chủ động tổ chức.

Gian lận điểm thi: Bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ buông lỏng việc học - Ảnh 1.

Kì thi tốt nghiệp THPT (hay còn gọi là thi tú tài) là một kÌ thi quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam và dành cho học sinh lớp 12. (Ảnh Hoàng Thương)

Dĩ nhiên, việc giao về các địa phương chủ động tổ chức có thể dẫn đến tình trạng gian lận thi cử. Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt rõ kì đánh giá năng lực phục vụ tốt nghiệp và công tác tuyển sinh của các trường.

Ông Sơn lí giải: "Nếu các trường top tự chủ trong khâu tuyển sinh để tuyển được thí sinh phù hợp mà không chỉ dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia thì sẽ hạn chế việc tiêu cực mà vẫn đảm bảo được giá trì của kì thi.

Nguyên nhân cốt lõi của việc gian lận thi cử, mua điểm, chạy trường bắt nguồn từ thực tế ở Việt Nam áp lực vào trường "xịn" đã làm cho một số người lợi dụng và trục lợi từ đó.

Với qui định của Luật Giáo dục đại học thì công tác tuyển sinh các trường đại học được quyền tự chủ, đồng thời với xu hướng liên kết để tổ chức thi đánh giá năng lực như kiểu Đại học Quốc gia TP HCM đang tổ chức thì công tác đánh giá để tuyển sinh đại học cũng sẽ hiệu quả hơn".

Nếu không thi hầu hết người học sẽ buông lỏng việc học

Cũng liên quan đến vấn đề có nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT hay không, ThS. Phạm Doãn Nguyên - chuyên gia đào tạo kĩ năng mềm cho biết: "Thi, kiểm tra là một hình thức đánh giá "ngưỡng chuẩn" của môn học, cấp học, bậc học; qua kết quả thi sẽ đánh giá được giá trị quá trình dạy và học. Nếu không có các kì thi thì hầu hết người học sẽ buông lỏng việc học.

Vậy nên, việc thi tốt nghiệp THPT cũng nhằm mục đích đó. Kết thúc kì thi, thí sinh sẽ được trao bằng tốt nghiệp THPT có xếp loại theo năng lực. Bằng tốt nghiệp này được sử dụng vào nhiều mục đích trong cuộc sống như chứng nhận đã hoàn thành phổ cập trình độ văn hóa và là điều kiện để học các bậc cao hơn hay đi làm việc…

Trong những năm qua, các kì thi THPT quốc gia được tổ chức mặc dù còn một số hạn chế cần điều chỉnh, bổ sung nhưng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. 

Gian lận điểm thi: Bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ buông lỏng việc học - Ảnh 2.

Hiện nay, kì thi tốt nghiệp THPT được nhập chung với kì thi tuyển sinh ĐH để mang tên Kì thi THPT quốc gia, thí sinh chỉ cần dự thi kì thi này và dựa vào điểm thi này để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ. (Ảnh Hoàng Thương)

Thông qua kì thi THPT quốc gia để đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách khách quan và chính xác hơn, xác định rõ phân khúc từng giai đoạn có hệ thống, điều đó giúp học sinh định vị bản thân, năng lực, sở trường, đam mê, nhu cầu thị thường lao động và chọn các hướng đi cho tương lai".

Vì vậy, theo quan điểm của ông Nguyên, vẫn nên tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia như hiện nay, bởi nó mang tính hệ thống, tin cậy cao. Điều quan trọng ở đây là cách thức tổ chức kì thi, nội dung đề thi, vấn đề quản lí con người thực hiện kì thi...

Khi đã đảm bảo đánh giá đúng thực chất năng lực, quá trình học tập của học sinh, thì đó chính là cơ sở để các em được cấp bằng công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ –TC, tham gia vào thị trường lao động.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.