Kì thi THPT quốc gia 2019 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 25 - 27/6 tới đây. Ảnh minh họa: Báo GD&TĐ.
ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm kì thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Sơn La. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Đình Vinh, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội 2 để tìm hiểu thêm một số thông tin về công tác chuẩn bị phối hợp thi năm 2019.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã chuẩn bị những gì để thực hiện tốt vai trò phối hợp tổ chức thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Sơn La năm 2019?
Sau khi nhận được quyết định chấm thi trắc nghiệm tại Sơn La năm 2019, Hiệu trưởng nhà trường đã giao nhiệm vụ cho các phòng ban liên quan. Những cán bộ tham gia phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia của năm trước sẽ học tập, nghiên cứu những điểm mới của kì thi THPT quốc gia năm nay.
Chúng tôi cũng đưa ra các khuyến cáo đối với những cán bộ coi thi được cử đi trong thời gian sắp tới chuẩn bị tâm thế trước, bổ sung những kiến thức về kì thi quốc gia 2019.
Về công tác chấm thi trắc nghiệm, bản thân tôi cũng được lãnh đạo cấp trên giao phụ trách trực tiếp. Tôi đã có một số buổi làm việc với trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng của nhà trường và các cán bộ được cử đi tập huấn. Theo đó, chúng tôi cũng xác định lại toàn bộ qui trình theo yêu cầu của Bộ.
Những cán bộ giảng viên được nhà trường chọn lần này phải là những thầy cô có chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, kỉ luật cao. Trường đã cho chạy thử chương trình demo mà Bộ mới tập huấn cho giảng viên.
Việc chấm thi trắc nghiệm đã và đang được nhà trường tiến hành thường xuyên ở các kì thi của trường như thi học kì. Qui trình chấm của Bộ được qui định chặt chẽ hơn để tránh gian lận.
Dự kiến trong một vài ngày tới, nhà trường sẽ lên làm việc với Sở GD&ĐT Sơn La để nắm bắt được tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chấm thi cho kì thi quan trọng này.
Số lượng cán bộ giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi của trường với Sở GD&ĐT Sơn La năm 2019 là khoảng bao nhiêu, thưa ông?
Hiện tại chúng tôi chưa thể xác định được con số chính xác. Ví dụ, năm 2018 nhà trường phối hợp tổ chức thi với tỉnh Vĩnh Phúc thì con số cán bộ được cử sang là gần 300 người.
Tuy nhiên, trường sẽ phải tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng kí dự thi THPT quốc gia 2019 của tỉnh Sơn La để cử đúng và đủ quân số cán bộ, giảng viên tham gia kì thi.
Ban chỉ đạo thi của Sơn La sẽ phân bổ số lượng cán bộ coi thi cho từng trường đại học (ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là một trong 6 trường phối hợp tổ chức thi).
Khi chấm thi trắc nghiệm cũng phải có số lượng đó thì mới xác định được ekip chấm của chúng tôi là bao nhiêu người. Mỗi ekip thường có từ 3 – 5 cán bộ, căn cứ vào tốc độ máy và thời gian Bộ yêu cầu phải gửi kết quả về Bộ.
Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng hai ekip chạy song song. Mục đích chính là để cho mọi người chạy thuần thục chương trình demo của Bộ cho quen, khi vào việc chính thì sẽ làm được luôn. Đề phòng trường hợp nếu có cán bộ có lí do bất khả kháng không thể tham gia kịp thì sẽ có phương án dự phòng.
Theo ông, những điểm mới về kì thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD&ĐT đã công bố, nhất là ở khâu chấm thi liệu có phát huy tác dụng?
ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là đơn vị chru trì chấm thi trắc nghiệm kì thi THPT quốc gia 2019 tại Sơn La. Ảnh minh họa: IT.
Trước những tiêu cực thi cử bị phát hiện trong kì thi năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều điểm mới để hạn chế tình trạng gian lận, tôi cho là hợp lý.
Mọi qui trình, qui định của chúng ta là khá đầy đủ. Những điểm mới chỉ là nhằm cụ thể hóa ở một vài khâu vướng mắc.
Quan điểm của chúng tôi vẫn là nằm ở yếu tố con người là chính. Nhân sự phải là những người có trách nhiệm, công bằng khách quan, nắm vững qui chế.
Chúng tôi luôn quán triệt tới các cán bộ làm thi dù là câu chuyện 'Biết rồi, khổ lắm, nói mãi' nhưng tuyệt đối không được chủ quan.
Không được chủ quan, tự ý làm tắt, thực hiện đúng qui chế từ A – Z là yên tâm.
Việc phối hợp tổ chức thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Sơn La năm nay, nhà trường có cảm thấy bị áp lực gì không?
Áp lực thì vẫn là áp lực. Nhưng theo tôi nghĩ, chỉ là chú ý thêm rằng địa điểm nay năm ngoái có hiện tượng tiêu cực xảy ra.
Tuy nhiên năm nay thực tế sẽ phải khác, bởi không còn những con người đó nữa. Khi lên chủ trì, chúng tôi cũng sẽ có lực lượng cán bộ của mình để phối hợp với địa phương trên cơ sở tin tưởng nhau để cùng thực hiện đúng qui chế thi.
Để làm tốt nhiệm vụ này, chúng tôi tiến hành tập huấn cho cán bộ, giảng viên của mình tại trường trong tháng 5, 6 sao cho thấm nhuần qui chế. Chuẩn bị kĩ bao nhiêu thì sẽ hạn chế được tiêu cực bấy nhiêu.
Nếu có phụ huynh bất kì ở Sơn La đến nhờ các thầy nâng điểm cho con em họ thì các thầy cô sẽ xử lý như thế nào?
Giả sử có tình huống phụ huynh muốn cán bộ nâng điểm cho con, đầu tiên chúng tôi sẽ từ chối và làm công tác tư tưởng cho họ. Mục đích để cho họ nhận thức được việc làm đó của họ là sai.
Phải để cho các em nhận thức được các kiến thức mà các em học được là mang ra phục vụ chính bản thân các em và xã hội. Các em có giỏi và có năng lực chuyên môn thì mới phục vụ được cuộc sống của mình tốt.
Muốn giải quyết thế nào cho hợp lý thì mình phải đặt mình vào địa vị của phụ huynh để thấu hiểu và phân tích lẽ đúng sai. Tuyệt đối không được dung túng cho những hành vi sai, trái pháp luật để đảm bảo một kì thi công bằng, nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Giáo dục 14:36 | 27/06/2019
Đô thị 14:44 | 25/06/2019
Thời sự 18:48 | 24/06/2019
Giáo dục 14:46 | 24/06/2019
Giáo dục 17:54 | 23/06/2019
Giáo dục 06:00 | 22/06/2019
Giáo dục 16:22 | 21/06/2019
Giáo dục 07:08 | 15/06/2019