Chợ họp từ 4h sáng
Câu ví von dân gian "hàng tôm hàng cá…" cũng chẳng sai. Như lô mực nhảy ngoài chợ bán 300.000 đồng, vào nhà hàng vọt lên 500.000 đồng, nhưng chịu khó săn hàng đêm, bị hớ vài lần, có khi bạn chỉ mua với giá 200.000 đồng, thậm chí rẻ hơn.
Khi trời còn tối đen và lạnh, từ bãi chính Thiên Cầm chạy dọc bãi cát khoảng 3 km nữa thì ra tận cùng của biển - dân gian gọi là Gò - đây là chợ hải sản tươi rói, thuyền cập bờ là bán luôn. Anh bạn bản địa dặn: “Đi chỉ nhìn, không nói, thấy giọng lạ, họ bán giá khác…”.
Khoảng 4h sáng, chỉ nghe sóng biển ì oạp, đã thấy cả nghìn con người chủ yếu là đàn bà ngồi la liệt và âm thầm trong bóng đêm. Họ ngồi trên bãi cát, tranh thủ ngủ trên xe, hay dựa lưng vào mấy cái thuyền úp, mắt ngóng ra biển chờ thuyền về. Bỗng phía biển lóe lên một ánh đèn pin, tức thì loang loáng hàng chục ánh đèn điện thoại khác lao lại, chớp lập lòe như đom đóm. Hóa ra, chiếc thuyền thúng đầu tiên cập bờ, tiếng dân buôn xắn quần lội nước bì bõm...
Sóng đưa chòng chành, đèn đêm chớp rọi vào lòng thuyền đã thấy cá, mực, cùm (một loại cua đá)... sắp đầy chậu, rổ, đủ loại. Người mới chưa quen, sợ ướt quần áo nên phải cúi thật sát, gí đèn thật sáng mới thấy hàng hải sản. Ông chủ thuyền thúng một tay chống mái chèo, một tay đếm tiền la lớn: “Chỉ có mực, không có tôm…”.
Loáng cái lòng thuyền đã bị vét sạch, còn trơ giỏ đồ chứa cặp lồng cơm, nước uống. Sau một đêm bám biển gần bờ, anh thu được gần 1 triệu đồng. Doanh thu này có thể cao gấp đôi nếu chờ đến sáng khi nhiều người mua hơn. Tuy nhiên, đêm nay “hàng” về là cá mực loại nhỏ, anh không muốn… tồn kho.
Bởi khi trời sáng, thuyền về càng nhiều tương đương với việc cạnh tranh lớn hơn, bán cũng lâu hơn và hải sản bớt tươi hơn.
Bán buôn ngay khi thuyền chưa cập bờ.
Cuối cùng thì điều chúng tôi ngại nhất lại không đến, đó là chụp những bức hình của buổi chợ trong bóng tối nhập nhoạng. Ai chụp cứ chụp, ai mua bán cứ mua bán. Kể cả chĩa đèn vào mặt dân buôn, miễn là có tương tác hỏi han, không cản trở.
Đi chợ giờ này, bất kể khách buôn, dân địa phương, khách du lịch đều được đối xử như nhau. Đó là chỉ tập trung buôn bán, trả giá tốc hành, áp lực thời gian, canh để tranh hàng tươi và khách hàng cũ.
“Hàng tươi mua ngay trên thuyền, con mực còn trắng trong, lấm tấm đổi màu. Lên bờ chưa bán được ngay thì cứ từ từ. Rồi anh xem, kiểu gì họ cũng bán được hết” - anh bạn người bản địa giải thích.
Tại đây dân buôn thích mua mực nhảy, tức là loại mực còn sống, bởi nó dễ bán. Hơn nữa, người đi câu chủ yếu dùng thuyền nhỏ nên họ không đầu tư mua đá ướp, máy cấp oxy, hay trang bị máy móc để nuôi mực sống tới khi vào bờ. Do đó, họ cần bán càng sớm càng tốt.
Chúng tôi hỏi mua một lô “cụp” - một loại cua đá - bằng giọng bản địa: “Lô ni nhiêu?”. Thoáng thấy khách lạ, bà chủ vồn vã: “Chú người mô hè? Người đây lấy trăm sáu…”. Đồng ý mua, bà ta để lại mớ “cụp” cho khách giữ, chạy đi đổi tiền. Cùng lúc, 2 người bán khác chạy lại mời chúng tôi với giá… trăm hai.
Bà bán quay lại, trả tiền thừa sòng phẳng bảo: “Tiền nào của nấy, người nào việc nấy. Không quan tâm chèo kéo, ai mời là việc người ta”.
Có vẻ đêm nay chợ ít cá to, cá lạ vì biển động. Dân buôn xúm vào một gian hàng có cá đối, tại đây còn có cá nục, cá mu nhỏ, mực, tôm tít, ghẹ... Người bán được coi là “tổng đại lý”, nhưng thực ra cũng là dân buôn, bởi quen biết dăm ba thuyền thúng nên tập kết được “hàng độc quyền”. Lạ là, mới đầu buổi chợ nhưng bà đã biết cá đối hôm nay không nhiều. Mà các bà buôn khác cũng thế, xúm lại chẳng hỏi gì mà chỉ mua cá đối.
Thế mới nói dân trong nghề thông tin thật nhanh chóng và chính xác.
“Tám chục bán không?”… “Chín chục, bán mà về”… “Bán thì bán đi, cá ni qua bán có năm chục, con mụ nhìn thấy ghét…”. Bà chủ cương quyết: “Một trăm. Bán cả lố, không lựa”. Dân tình lại nhao nhao trả giá, chê bai, dè bỉu, ai không biết lại tưởng sắp có đánh nhau.
Có lẽ đã quá quen với cảnh đấu giá, ép giá này, bà chủ quát lại khi có vị khách buôn cứ đòi mua với giá 80 nghìn: “Tôi nghe câu này lần 15 rồi đó, không bán là không bán”. Chúng tôi chọn mua 3 con cá đối, giá 120 nghìn. Bởi mua giá cao nên được chọn con to nhất.
Cứ tưởng mua như vậy sẽ bị ăn mấy cái cùi chỏ thúc vào người vì… chơi trội, nhưng thực ra không phải. Ở đây dân tình chen lấn xô đẩy là bình thường, kể cả có cãi chửi nhau cũng chẳng ai quan tâm.
Một du khách soi đèn mua cụp.
Thiên Cầm bây giờ không còn là một bãi tắm hoang sơ, không biết làm du lịch như xưa nữa. Để cạnh tranh, tăng giá trị dịch vụ, các chủ khách sạn nhà nghỉ sẵn lòng tư vấn, cho mượn xe máy hoặc gọi xe điện loại lớn chở hàng đoàn khách đi chợ từ nửa đêm, khí thế như hội. Ai có ô tô thì tự đi, tự hỏi đường, thậm chí quấn cả khăn tắm, đi dép lê ra chợ để có trải nghiệm “rẻ mà tươi” chẳng đâu bằng.
Tôi vẫn nhớ vẻ mặt tiếc đờ đẫn của anh Hải, vị khách đến từ Hà Nội. Chưa đến 5h sáng mà anh đã mua tổng cộng gần 10 kg mực tươi của 5 người ở 5 điểm khác nhau. Anh bảo: “Ở ngoài kia (chợ buôn cá mực gần khách sạn) bán 300.000 đồng/kg, tôi cưỡng không nổi mua luôn 2 kg. Ai dè càng ra Gò càng rẻ hơn nữa và cũng tươi y như thế...”.
Rồi anh tặc lưỡi: “Cũng tại mình, ở đây họ mua bán không chèo kéo, như chỗ mực này tôi mua có 180.000 đồng mà được gần 1,2 kg. Thôi coi như gỡ lại chỗ bị mua đắt”.
Cũng tiếc chẳng kém, nhưng chị Bình, một du khách khác lại hớn hở: “Chiều qua, gia đình chị không tắm mà đi tìm quán ăn. Chịu khó đi xa bãi chính là có nhà hàng của chủ vựa hải sản, ở đó bán rẻ hơn và cũng tươi roi rói”.
Đây đang nói về những nhà hàng dân dã sát đường ra chợ Gò, tiền họ thuê mặt bằng ít hơn, lại gần thuyền nên dễ thu mua.
Theo chị Bình thì mực nhảy chế biến tại chỗ đầy đủ mù tạt, lá lốt… tính tiền tại bàn là 550.000 đồng/kg, tôm hùm loại 3 con/kg bán giá 1,1 triệu, ghẹ bơi giá 450.000 đồng/kg. “Hóa ra rẻ hơn quảng cáo trên Face của mấy đứa bạn nhiều. Từ đêm đến giờ tôi mua hết gần 5 triệu tiền hải sản rồi", chị nói.
Chúng tôi quay trở lại mép biển để mua tiếp sau khi anh bạn chợt nhớ “trời ơi, xe máy đâu rồi?”. Hóa ra khi đến thì trời còn tối, vắng người, xe dựng trên bãi cát, nhưng khi hửng sáng thì bãi cát ấy đã biến thành một cái sân vận động với cơ man là người. Sau một hồi bở hơi tai tìm kiếm thì hóa ra chiếc xe vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ là chúng tôi đã tự đi lạc khỏi nó. Chẳng mất, cũng không tốn tiền gửi xe, sự bình yên của thôn quê khiến mối lo ngại theo kiểu thành phố của chúng tôi thành thừa thãi.
Tổng thiệt hại cho buổi đi chợ đêm của chúng tôi là 3 con cá đối, 4 kg cụp, 3 lô mực, mớ sò lông, sò huyết. Nghĩ cũng lạ, chúng tôi mua 3 lần với 3 giá khác nhau. Nhưng ở lần mua cuối cùng tôi mới giải thích được cơ chế “mua chung” và “giao thương không tiền mặt”. Đó chính là những phụ nữ bản địa Cẩm Nhượng, họ có người nhà đi biển nên khi thuyền còn ngoài khơi là họ đã biết thuyền nào có con gì, loại mấy, và gọi điện chốt giá.
Thuyền cập bờ thì chỉ việc phân lô cho khách buôn xa đến nhận hàng, thanh toán tiền. Xong xuôi đâu đấy, họ sẽ cầm tiền thanh toán lại trả cho chủ thuyền.
Hoặc có những thuyền nhỏ, đánh được nhiều loại hải sản thập cẩm chẳng biết phân vào đâu, lại lười bán, họ bán luôn cho “cò”. Thuyền cập bờ thì “cò” gọi dân buôn lại, trao tiền trước mặt chủ thuyền, ăn chênh lệch nhưng không xảy mâu thuẫn.
Hoặc như, cò này có mối mực hợp tác cò kia có mối ghẹ, tôm, thống nhất bằng miệng được giá thì gom chung. Khách buôn chưa đủ tiền, nhưng muốn lợi lớn thì lại rủ bạn buôn khác mua chung. Tiền đếm xoành xoạch, trả trước cả lô hàng. Chia nhỏ, bán lời lãi ra sao là việc của dân buôn. Nhưng kiểu gì, họ cũng bán sạch trước khi trời sáng.