Sắp có 3,85 tỷ USD, Sabeco vẫn chưa 'hạ gục' nhà đầu tư

Thông tin Nhà nước sẽ bán 53,59% vốn cổ phần tại Sabeco (giá trị khoảng 3,85 tỷ USD) nhận được sự quan tâm của thị trường chứng khoán. Thế nhưng, trong phiên giao dịch ngày đầu tiên sau nghỉ lễ 2/9, cổ phiếu SAB của Sabeco vẫn không thể tăng mạnh.

Sabeco "nguội ngắt"

Công ty cổ phần chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) vừa ra bản tin chứng khoán cập nhật tình hình bán vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). HSC cho biết, theo một công văn đề ngày 30/8 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Nhà nước sẽ bán 53,59% cổ phần tại Sabeco.

Tỷ lệ sở hữu hiện tại của Bộ Công thương tại Sabeco là 89,59%. Sau thương vụ dự kiến trên, tỷ lệ sở hữu còn lại sẽ giảm xuống 36%, là mức sở hữu đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông lớn đối với công ty. Giá trị thị trường của 53,59% cổ phần này ước tính khoảng 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.

Thông tin này nhận được sự quân tâm từ dư luận. Thế nhưng, phản ứng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại không "nóng" như thông tin. Ngay sau khi HSC công bố bản tin này, giá cổ phiếu SAB của Sabeco tăng khá mạnh, có lúc lên 263.000 đồng/CP, mức cao nhất của SAB kể từ khi niêm yết.

sap co 385 ty usd sabeco van nguoi ngat

Tuy nhiên, mức "đỉnh" này không duy trì được lâu. Càng về cuối phiên, SAB càng đuối sức. Đóng cửa phiên giao dịch 5/9, SAB dừng ở mức 255.000 đồng/CP sau khi tăng 500 đồng/CP. Đây là mức giá gần thấp nhất trong ngày của SAB.

Như vậy, trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 2/9, vốn hóa thị trường Sabeco chỉ tăng 321 tỷ đồng, lên 163.206 tỷ đồng. SAB vẫn nằm trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam.

Khối lượng giao dịch của SAB khá khiêm tốn, chỉ đạt hơn 40 triệu đơn vị. Trên bảng giao dịch điện tử, ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/9, dư bán và dư mua SAB rất thấp.

Trước đó, cổ phiếu SAB đã có chuỗi 4 phiên tăng nhẹ liên tiếp sau chuỗi 3 phiên giảm nhẹ liên tiếp. Nguyên nhân là do sau kiểm toán, lãi suất hợp nhất của Sabeco tăng tới 150 tỷ đồng.

Habeco sụt giảm mạnh

Trong khi đó, một ông lớn ngành bia khác là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát (Habeco) thậm chí còn "đuối sức" hơn. Gần đây, thông tin thay đổi dàn lãnh đạo cao cấp ảnh hưởng khá nhiều tới cổ phiếu BHN.

Cụ thể, cuối tháng 8, xác nhận với PV Tiền Phong, lãnh đạo Habeco cho hay, Hội đồng quản trị Habeco đã ra Nghị quyết về việc tạm dừng quyền điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh. Ông Hồng Linh là người có nhiều ảnh hưởng tới Habeco trong nhiều năm qua.

Ông Ngô Quế Lâm, Phó tổng giám đốc được tạm thời ủy quyền thực hiện quyền, nhiệm vụ của Tổng giám đốc thay cho ông Linh từ ngày 21/8.

"Việc dừng quyền điều hành của ông Linh được Hội đồng quản trị thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ Công Thương. Theo đó, ông Linh tạm thời không điều hành Habeco để tập trung vào công tác thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ", một lãnh đạo cho hay và từ chối bình luận về những vấn đề tồn tại, sai phạm tại bia Hà Nội - Nghệ An cũng như sự liên quan đến ông Linh.

Bên cạnh đó, Habeco đã xin tổ chức lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông bất thường bằng văn bản thông qua việc miễn nhiệm ông Soren Ravn và bầu thay thế ông Stefano Clini tham gia thành viên HĐQT Habeco. Thời gian dự kiến từ 25 đến 29/9/2017.

Trước đó, Carlsberg Breweris A/S, cổ đông lớn của Habeco đã gửi văn bản giới thiệu nhân sự mới là ông Stefano Clini, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam tham gia thành viên HĐQT Habeco.

Sau khi Habeco lộ diện biến đổi nhân sự cao cấp, cổ phiếu BHN liên tục sụt giảm. Đóng cửa phiên giao dịch 5/9, BHN giảm 1.400 đồng/CP xuống 82.600 đồng/CP. Cộng dồn 6 phiên giảm giá liên tiếp, cổ phiếu BHN mất 3.800 đồng/CP, tương ứng 4,4%. Đà giảm của BHN đã khiến Habeco mất trắng 881 tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.