Sau Adayroi, Vingroup bất ngờ ra mắt trang thương mại điện tử bán hàng độc quyền

Các sản phẩm trên Vsmart Online như máy lọc không khí, smartphone, tivi,… đều do Vingroup tự sản xuất và mở bán độc quyền.

Vingroup vừa ra mắt Vsmart Online - trang thương mại điện tử chuyên bán tất cả các sản phẩm do VinSmart sản xuất, trong đó có những sản phẩm chỉ mở bán độc quyền. Các sản phẩm được bán trên trang gồm: máy lọc không khí, giải pháp nhà thông minh, tivi, điện thoại,… mang thương hiệu Vsmart.

Khi mua hàng trên Vsmart Online, khách hàng sẽ được miễn phí vận chuyển, cam kết vận chuyển toàn quốc chỉ trong hai ngày, miễn phí đổi mới 1-1 nếu lỗi của nhà sản xuất, được lựa chọn thanh toán online hoặc tiền mặt và bảo hành 24 tháng theo dòng sản phẩm.

Để thu hút người mua, các sản phẩm bày bán trên Vsmart Online đang được hưởng các chính sách ưu đãi như giảm giá từ 5% đến 20% tuỳ từng sản phẩm, mua tivi tặng máy lọc không khí,… Tuy nhiên, theo quan sát, hiện trang thương mại điện tử mới này của Vingroup vẫn đang để ở chế độ "chạy thử nghiệm".

Sau Adayroi, Vingroup bất ngờ ra mắt trang thương mại điện tử bán hàng độc quyền - Ảnh 1.

Các sản phẩm mở bán online trên trang thương mại điện tử mới của Vingroup. (Ảnh chụp màn hình).

Đây là lần tái xuất đầu tiên của Vingroup trong thị trường thương mại điện tử kể từ thời điểm trang mua sắm online Adayroi bị đóng cửa vào cuối năm 2019. Cụ thể, từ ngày 17/12/2019, Vingroup ra thông báo dừng bán và phân phối đến khách hàng toàn bộ sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ của các nhà cung cấp kinh doanh trên website Adayroi theo các hợp đồng đã ký kết.

Trang thương mại điện tử Adayroi đi vào hoạt động từ tháng 8/2014, với sứ mệnh kiến tạo sân chơi công bằng với những tiêu chí và chuẩn mực cao về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ, góp phần thúc đẩy và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử và ngành bán lẻ tại Việt Nam, theo Vingroup.

Theo số liệu của iPrice, tính đến thời điểm đóng cửa, lượng truy cập của Adayroi đạt khoảng 6-7 triệu lượt/quý, đứng sau các tên tuổi lớn khác trong ngành như Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo.

Mới đây nhất, Vingroup cũng đánh dấu việc quay trở lại thị trường bán lẻ sau khi bán mảng kinh doanh VinCommerce (gồm các siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart ) cho Masan Group, bằng việc ra mắt nền tảng VinShop. Đây là mô hình bán lẻ B2B2C đầu tiên tại Việt Nam.

Vingroup cho biết, VinShop ra đời nhằm hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hoá truyền thống tiếp cận nguồn hàng phong phú, giá cả minh bạch cùng các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Các chủ cửa hàng tạp hóa có thể ngồi tại nhà thông qua ứng dụng để đặt một lần các mặt hàng đa dạng và chỉ phải nhận một lần duy nhất, phục vụ 24/7, được giao hàng siêu tốc,…

Sau khi "phủ sóng" thị trường bán lẻ truyền thống Hà Nội và TP HCM với việc liên kết gần 30.000 tạp hóa chỉ sau 1 tháng ra mắt, tháng 11/2020, Vingroup cho biết sẽ tiếp tục mang VinShop tới khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ với mục tiêu đạt 55.000 tiệm tạp hóa liên kết vào cuối năm 2020.

Liên quan tới thị trường bán lẻ, trong năm 2020, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước.

Trong khi đó, công ty chứng khoán VnDirect đã ước tính tổng giá trị bán lẻ tại Việt Nam sẽ đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần so với năm 2020, nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập.

Do đó, với tiềm năng thị trường còn rất lớn, có thể thấy với những động thái mạnh mẽ gần đây, Vingroup đang tìm cách quay lại sân chơi này theo một cách rất mới.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.