Sau EVFTA, xe châu Âu tràn vào Việt Nam, ô tô nội sẽ cạnh tranh bằng cửa nào?

Thuế nhập khẩu ô tô từ châu Âu vào Việt Nam sẽ về 0% khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Bên cạnh đó, thuế linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu từ EU cũng sẽ giảm dần về 0%.

Ngày 8/6, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Theo hiệp định này, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ ngay lập tức hoặc theo lộ trình 9-10 năm.

Đáng chú ý, thuế suất nhập khẩu các dòng xe từ châu Âu vào Việt Nam như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Volkswagen,… cũng sẽ theo lộ trình giảm dần về 0%.

Các dòng xe châu Âu được hưởng thuế suất ưu đãi lớn, theo các chuyên gia đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các hãng xe nội.

Giá xe ô tô châu Âu sẽ mềm hơn

Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế suất xe nhập khẩu từ châu Âu sẽ lần lượt được cắt giảm theo lộ trình từ 9 - 10 năm.

Sau 9 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô có phân khối trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diesel. Các loại ô tô khác, thuế nhập khẩu về 0% sau 10 năm.

Đây là cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận được với dòng xe sang hoặc siêu sang của châu Âu với giá thành và chi phí mềm hơn rất nhiều.

Sau EVFTA, xe châu Âu tràn vào Việt Nam, chỗ đứng nào cho ô tô nội? - Ảnh 1.

Giá xe châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ rẻ hơn khi thuế suất về 0%. (Ảnh: Welovecar).

Hiện một mẫu xe châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam thường phải gánh trên lưng rất nhiều thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, lệ phí trước bạ,… Đặc biệt nặng nhất là thuế nhập khẩu lên tới 70% giá trị xe.

Đơn cử, mẫu Mercedes S500 2018 bán ra tại thị trường châu Âu với giá 113.960 euro, tương đương 2,9 tỉ đồng. Về Việt Nam sẽ gánh thêm khoảng 2 tỉ đồng thuế nhập khẩu, cộng với 60% thuế tiêu thụ đặc biệt, tương đương 1,8 tỉ.

Ngoài ra, còn chi phí vận chuyển, kho bãi, lợi nhuận đơn vị nhập khẩu, phí trước bạ,… khiến giá xe đến tay người tiêu dùng đã tăng lên 6,8 tỉ đồng.

Như vậy, khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô sẽ gảm dần về 0%, người tiêu dùng có thể sở hữu các thương hiệu xe đến từ châu Âu với giá không quá cao.

Mặt khác, hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô bằng 35% - 150% giá xe ban đầu cộng thuế nhập khẩu. Trong khi thuế giá trị gia tăng bằng 1-% giá trị xe sau khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Do đó, theo dự báo của các hãng xe, khi thuế nhập khẩu về 0%, các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm theo.

Tuy nhiên, tất cả các mức giảm trên vẫn chỉ là lí thuyết. Thời gian áp dụng ra sao, lộ trình giảm thế nào vẫn còn phải chờ hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan liên quan. 

Sớm nhất là đến năm 2029 - 2030 người mua xe mới có thể hưởng lợi từ những ưu đãi này.

Cơ hội của ô tô Việt?

Trong 9 - 10 năm tới, khi thuế suất nhập khẩu ô tô xuống 0%, chắc chắn các mẫu xe châu Âu sẽ tràn vào Việt Nam với giá thành phải chăng, công nghệ tiên tiến, trực tiếp cạnh tranh với các hãng xe nội như VinFast, Thaco, Thành Công,…

Theo các chuyên gia, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các hãng xe Việt.

Sau EVFTA, xe châu Âu tràn vào Việt Nam, chỗ đứng nào cho ô tô nội? - Ảnh 2.

EVFTA vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các hãng xe Việt. (Ảnh: Thiên Trường).

Các thương hiệu nội không những phải cạnh tranh về giá cả mà còn phải cạnh tranh về công nghệ trước những nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới như Mercedes, BMW,…

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thuận lợi cho ô tô Việt khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Chẳng hạn, thuế linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu từ EU cũng sẽ giảm dần về 0%. Điều này cực kì có ý nghĩa đối với các hãng xe chuyên lắp ráp trong nước như Thaco hay Thành Công, Honda trong bối cảnh nền công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển đáp ứng kịp.

Việc này cũng sẽ giúp hạ giá xe nội, tăng cường sức cạnh tranh với các mẫu ngoại nhập.

Không những thế, EVFTA còn là cơ hội để những hãng xe mới nổi như VinFast vươn ra thế giới, khi những chiếc ô tô sản xuất ở Việt Nam sẽ được hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% nếu đạt được tỉ lệ nội địa hoá theo quy định.

Trước đó, Thaco cũng đã được hưởng lợi từ ưu đãi này trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).

Với tỉ lệ nội địa hoá đạt tiêu chuẩn 40%, cuối năm 2019 Thaco đã có thể lần đầu tiên xuất khẩu ô tô du lịch sang các nước ASEAN.

Theo Thaco, đã có 120 xe KIA Cerato và Sedona được bán ra tại thị trường Myanmar. Hàng trăm xe bus cũng được doanh nghiệp này xuất sang Thái Lan, Philippines.

Ngoài xuất khẩu ô tô nguyên chiếc, trong năm 2019 hãng xe Việt này cũng đã xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang các nước ASEAN, đạt kim ngạch 14,5 triệu USD. Năm nay Thaco đặt mục tiêu xuất khẩu 1.026 ô tô các loại và xuất khẩu linh kiện phụ tùng đạt 21 triệu USD.

Như vậy có thể thấy, EVFTA đang mở ra những cơ hội cực kì rõ ràng cho các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên, có nắm bắt được những cơ hội đó hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào nội lực mỗi hãng xe, đặc biệt là tỉ lệ nội địa hoá để được hưởng những ưu đãi trong Hiệp định này.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.