Sau hơn chục năm giao cho nhóm Sông Đà và Vinalines, Khu đô thị Hồng Thái trên đường vành đai 4 hiện ra sao?

Hà Nội đã giao tổ công tác liên ngành nghiên cứu, làm rõ về khung tiêu chí pháp lý để thực hiện các thủ tục chấm dứt, thu hồi Khu đô thị Hồng Thái tại huyện Đan Phượng. Dự án này được tỉnh Hà Tây cũ giao cho 3 nhà đầu tư thực hiện là Sông Đà 9.06; Bất động sản Vinalines và CTCP Đầu tư Phát triển Sông Đà.

Một góc huyện Đan Phượng. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Hà Nội đang nghiên cứu chấm dứt dự án

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khoá XVI.

Tại huyện Đan Phượng, cử tri đề nghị kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị Hồng Thái, nếu không đề nghị xoá bỏ quy hoạch để người dân ổn định phát triển kinh tế. Dự án này đã có quy hoạch từ 14 năm nhưng đến nay chưa triển khai.

Trả lời kiến nghị cử tri, Hà Nội cho biết, khu đô thị Hồng Thái gồm 3 khu: trong đó 40 ha giao cho CTCP Đầu tư Phát triển Sông Đà (nay đã đổi tên thành CTCP ANI, mã chứng khoán: SIC); 77 ha giao cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sông Đà 9.06 (mã chứng khoán: S96); 48 ha giao cho CTCP Bất động sản Vinalines.

Các dự án trên đã có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết 1/500, lập dự án đầu tư; dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư khu đô thị mới; nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, GPMB...) theo quy định.

Ngày 31/10/2022, tổ công tác liên ngành thành phố đã có văn bản báo cáo kết quả rà soát các dự án nói trên, trong đó đề xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra dự án, củng cố cơ sở pháp lý để đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể (có thể xem xét chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến việc thực hiện dự án).

Ngày 9/1/2023, thành phố đã có văn bản cơ bản thống nhất vớ nghiên cứu, đánh giá, phân loại của tổ công tác liên ngành và giao tổ này tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về khung tiêu chí pháp lý, cơ sở pháp luật để thực hiện các thủ tục chấm dứt, thu hồi dự án.

Theo tìm hiểu của ngưởi viết, Khu đô thị Hồng Thái có vị trí giáp phía Tây tuyến đường Vành đai 4, nằm trên địa bàn xã Thượng Mỗ, Tân Hội, Đan Phượng, Hạ Mỗ; tiếp giáp khu vực phía Bắc và phía Đông của Thị trấn Phùng.

Năm 2010, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi 3 doanh nghiệp về việc triển khai thực hiện dự án Khu đô thị Hồng Thái. Theo đó, dự án cần nghiên cứu phát triển dọc kênh Đan Hoài kết hợp với quy hoạch chi tiết Thị trấn Phùng theo hướng tăng cường diện tích cây xanh, mặt nước, giảm quy mô, giảm mật độ và không xây dựng cao tầng.

Cùng với đó, giới hạn nghiên cứu của khu đô thị Hồng Thái phải phù hợp với quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết sau này, không phát triển mở rộng về phía Vành đai 4 nhằm đảm bảo hành lang xanh chạy dọc phía Tây Vành đai 4.

2/3 nhà đầu tư vướng cảnh nợ nần, sắp huỷ niêm yết

Phối cảnh khu đô thị Hồng Thái. (Ảnh: Sông Đà 9.06).

Nói qua về các chủ đầu tư, Sông Đà 9.06 là doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Sông Đà, cổ phần hoá vào năm 2003, vốn điều lệ tính đến năm 2011 là 111,6 tỷ đồng.

Sông Đà 9.06 đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Năm 2021, doanh nghiệp cho biết trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp vẫn không vay được vốn ngân hàng nên các dự án tiến triển chậm và phải tìm cách chuyển nhượng thu hồi vốn để trả nợ.

Đối với khu đô thị Hồng Thái, Sông Đà 9.06 cho biết công ty đã phê duyệt xong quy hoạch 1/2000 với diện tích hơn 216 ha, quy mô dân số 24.000 - 34.000 người. Phía Bắc dự án giáp tuyến đường quy hoạch phía Bắc của lô OC38 theo quy hoạch trục Tây Thăng Long; phía Nam giáp trục phát triển Tây Thăng Long; phía Đông giáp tuyến đường Vành đai 4; phía Tây giáp xã Thượng Mỗ.

Tính đến hết năm 2021, doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác ký hợp đồng hợp tác để tiếp tục đầu tư, hai bên tiến hành quy hoạch 1/500 của dự án và chờ ý kiến của UBND TP Hà Nội. 

Về phía Bất động sản Vinalines, doanh nghiệp này thành lập vào năm 2007, có trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vào tháng 11/2020, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Khu đô thị Hồng Thái của Vinalines với diện tích gần 47 ha, quy mô dân số 4.000 - 4.300 người.

Phía bắc và đông bắc dự án là đường quy hoạch rộng 16 m và khu dân cư xã Thượng Mỗ; phía nam là trục Tây Thăng Long; phía tây là đường quy hoạch rộng 16 m giáp dự án khu giáo dục tập trung; phía đông nam giáp kênh Đan Hoài.

Quy hoạch 1/500 của dự án sẽ được lập bởi liên danh Vinalines và CTCP Đầu tư Bất động sản Đan Phượng, thời gian hoàn thành trong 6 tháng.

Đại diện pháp luật của Vinalines hiện nay là ông Vũ Mạnh Dương, người đang đồng thời đứng tên tại CTCP Phát triển Đô thị Đông Anh - chủ đầu tư dự án Khu Thương mại – Dịch vụ – Nhà ở 1/5 (Happy Land\) tại huyện Đông Anh.

Tính đến năm 2019, Đô thị Đông Anh có vốn điều lệ 181 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm 96,85% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà Hà Nội nắm 1,38% và CTCP Tập đoàn Thương mại và Đầu tư Phát triển Việt Nam nắm 1,77%. 

Đối với CTCP ANI, doanh nghiệp này tiền thân là chi nhánh của Tổng công ty Sông Đà tại TP HCM được thành lập vào năm 1993. Tại báo cáo thường niên năm 2014, ANI cho biết dự án Khu đô thị Hồng Thái - Đan Phượng doanh nghiệp đã tạm ngừng triển khai. 

Báo cáo thường niên năm 2022 của ANI cho thấy doanh nghiệp đang triển khai 7 dự án và không còn đề cập đến Khu đô thị Hồng Thái. Về tình hình kinh doanh, từ ngày 21/7 sắp tới, cổ phiếu SIC của ANI sẽ huỷ niêm yết trên sàn HNX.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.