Tìm hiểu của PV, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dài 3,4km, điểm đầu tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở, điểm cuối giao với đường Trần Phú (quận Hà Đông) bắt đầu được các nhà thầu cải tạo, sửa chữa lại mặt đường từ đầu tháng 11/2019 và hoàn thành sau đó khoảng 1 tháng.
Hiện tại, tuyến đường cửa ngõ phía Tây Thủ đô này được tổ chức từ 4-6 làn xe. Hệ thống hạ tầng, vạch kẻ tổ chức giao thông, giá long môn gắn biển phân làn phương tiện đã được hoàn thiện. Trong đó, đoạn đường 4 làn xe (như đoạn từ cuối đường Trần Phú đến hầm chui Thanh Xuân) quy định hai làn trong cùng phía tay phải dành cho xe máy và xe thô sơ, làn kế tiếp dành cho xe máy, xe khách, hai làn còn lại phía trái đường dành cho xe ô tô con lưu thông.
Đoạn đường 5 làn xe như đoạn từ số 251 Nguyễn Trãi đến Ngã Tư Sở được phân tách làn ngoài cùng phía tay phải cho xe máy và xe thô sơ, hai làn kế cận dành cho xe máy, xe khách, hai làn phía trái còn lại dành cho xe ô tô con.
Tại cung đường 6 làn xe như đoạn từ hướng Ngã Tư Sở về hầm chui Thanh Xuân, xe máy và xe thô sơ sẽ đi làn ngoài cùng tay phải, 3 làn kế tiếp là xe máy, xe khách và hai làn còn lại phía trái sẽ dành cho xe ô tô con. Các làn đường được chia tách nhau bằng loại vạch trắng nét đứt.
Phương án phân làn phương tiện rõ ràng là vậy, song, “mục sở thị” tuyến đường hướng tâm kết nối trung tâm thành phố với quận Hà Đông, gần như mọi khung giờ, tình trạng xe ô tô, xe máy chồng lấn phần đường của nhau diễn ra phức tạp, giao thông thường xuyên trong tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) bày tỏ quan ngại trước áp lực giao thông trên đường Nguyễn Trãi hiện nay. Ông Thạch cho rằng, với cấu trúc giao thông “hình xương cá”, hai bên đường có nhiều đường giao cắt, cộng với hệ thống điểm mở dày đặc, cách thức kẻ vẽ phân làn như hiện nay là tương đối hợp lí để người tham gia giao thông dễ dàng chuyển hướng, chuyển làn.
“Giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Trãi là lực lượng CSGT cân đối, xây dựng chương trình phối hợp với các lực lượng phường sở tại tăng cường lực lượng chốt trực. Các cơ quan chức năng cũng phải tận dụng tối đa hệ thống loa phát thanh tại khu vực nút giao lớn đẩy mạnh tuyên truyền người dân đi đúng làn đường, phần đường và tuân thủ nghiêm ngặt hiệu lệnh của người điều khiển giao thông”, ông Thạch nói.
Đại diện Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cũng thừa nhận, với việc phân làn bằng loại vạch trắng nét đứt như hiện nay, các xe được chuyển làn đường qua vạch nên lực lượng CSGT không thể xử lí lỗi sai làn đường để tạo tính răn đe. “Thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục duy trì các tổ chốt trực tại nút giao lớn và tại các điểm mở. Đồng thời, kiến nghị bổ sung hệ thống đèn tín hiệu để giãn dòng phương tiện, hạn chế xung đột giao thông, từ đó cải thiện tình trạng ùn tắc hiện hữu”, vị này nói.