Sẽ có nhiều đổi mới trong phát triển đô thị

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho hệ thống đô thị Việt Nam.

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ có nhiều yêu cầu đổi mới được xác định trong phát triển đô thị; trong đó, các giải pháp cần tập trung giải quyết điểm nghẽn.

Theo đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn tới. Các nhóm nhiệm vụ gồm hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Cùng đó là tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn, trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Việc cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chính phủ đã có Chương trình hành động thực hiện với sự phân công rõ ràng cho các cơ quan, tổ chức liên quan với những nhiệm vụ cụ thể. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ các điểm nghẽn cần tập trung giải quyết để có thể thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam thời gian tới - bà Lan Anh chia sẻ.

Các chuyên gia cùng chung nhận định, thúc đẩy đô thị hóa nhanh nhưng phải trong sự kiểm soát. Hiện đô thị hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho sự thay đổi về cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng phi nông nghiệp, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân nhưng nó cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy không mong muốn.

Mặc dù đô thị hóa là xu thế tất yếu và khách quan nhưng trong quá trình này vẫn cần có sự kiểm soát để phát triển đô thị có thể tận dụng được lợi thế từ đô thị, hạn chế những hệ lụy, thách thức.

Bên cạnh việc thúc đẩy mối quan hệ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn quốc gia, lập chương trình phát triển đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh, đô thị là cần thiết.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt các huyện vùng ven của những đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh sẽ phải chịu áp lực đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh trên vùng đất nông nghiệp. Đây cũng là những nơi chịu nhiều áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học rất lớn… dẫn đến quá tải về quản lý, trường học và môi trường.

Đối với các khu vực chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa, nhất là khu vực dự kiến sẽ thành quận, thị xã, việc phát triển, xây dựng nông thôn mới, tùy từng giai đoạn sẽ không đồng nhất với quá trình phát triển đô thị. Do đó, đối với các khu vực này, quá trình đô thị hóa chủ yếu do yếu tố ngoại lực, rất khó chủ động được. Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới không phù hợp sẽ gây đầu tư lãng phí, không thích ứng với định hướng đô thị hóa trong tương lai.

Bởi vậy, cần xây dựng chính sách gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách kinh tế - xã hội giữa những khu vực này. Phát triển đô thị nhỏ (thị trấn), vùng ven đô thị để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.