Thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp
Kì thi THPT quốc gia đã điễn ra được 4 năm, được gộp từ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nếu như năm trước đề thi được đánh giá là dễ, khó cho việc phân loại thí sinh để xét tuyển đại học, thì năm nay đề thi bước đầu được nhìn nhận là khó hơn, phù hợp cho xét tuyển đại học nhưng lại gây áp lực căng thẳng cho số đông.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT nhìn nhận: "Xét tốt nghiệp THPT là để kiểm tra thí sinh nắm bắt và vận dụng kiến thức phổ thông như thế nào. Còn xét tuyển ĐH bản chất là chọn được thí sinh có tố chất phù hợp với ngành mà các em theo học, phù hợp với nghề nghiệp sau này".
Ông Tùng cho rằng, chủ trương của Bộ GD-ĐT là kỳ thi này phục vụ mục đích xét tốt nghiệp và các trường có thể dựa trên cơ sở đó để xét tuyển ĐH, CĐ. Như vậy Bộ không bắt buộc các trường phải lấy kết quả kỳ thi này để xét tuyển sinh.
Trong số hơn 920.000 thí sinh vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia 2018, có hơn 74% dự thi để xét tuyển đại học. |
"Trên thực tế, Bộ vẫn khuyến khích các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh. Năm nay, Bộ cũng bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường tự chủ. Hiện nay, cũng đã có nhiều trường thực hiện tự chủ tuyển sinh như ĐHQG HCM, hoặc có những cách xét tuyển khác nhau dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Còn việc các trường không sử dụng quyền tự chủ của mình vì lý do này kia là vấn đề của các trường"- ông Tùng nói và cho rằng, việc đề thi ra quá khó hay quá dễ không phải vì Bộ nhắm vào mục tiêu nào, mà có thể là do tác động của dư luận".
Để trường, địa phương tự quyết: Chưa "triệt" hết tiêu cực
Kì THPT quốc gia (2015) tỉ lệ tốt nghiệp cả nước đạt 91,58%, năm 2016 là 92,93%, năm 2017 là 97,42%...
Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) trước mắt vẫn không nên bỏ một kỳ thi có tính quốc gia, bởi nếu để "thả" không thi cử gì, học sinh không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống rất nhanh.
"Nếu chỉ xét tốt nghiệp bằng kết quả học tập THPT, sẽ dẫn đến rất nhiều tiêu cực ở chính các trường vì bệnh thành tích"-
ông Khuyến cảnh báo. Tuy nhiên ông Khuyến đề xuất, nên giao kỳ thi cho các Sở Giáo dục tự quyết định. Bộ chỉ nên đưa ra một đề thi mang tính quốc gia.
"Sở Giáo dục sẽ tự tổ chức công tác thi cử. Nếu phát hiện sai phạm, người đứng đầu địa phương đó cần phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc".
TS Lê Trường Tùng phân tích thêm: "Nếu không thi sẽ không có thước đo ở quy mô quốc gia. Để cho các trường, địa phương tự quyết thì bệnh thành tích chưa "triệt" được hết, không công bằng giữa các địa phương".
Để phục vụ đúng mục đích xét tốt nghiệp cho những học sinh cần phải xét, ông Tùng đề xuất phương án chỉ tổ chức thi cho 20-30% tốp dưới của trường. 70-80% các em tính từ trên xuống sẽ được miễn thi tốt nghiệp, để tránh lãng phí nguồn lực.
"Nếu không muốn thi, các em sẽ phải nỗ lực để nằm trong 70-80% này. Các thầy cô, nhà trường cũng không thể tiêu cực vì chính các em, phụ huynh sẽ giám sát vì quyền lợi của chính mình".
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia ngay từ tên gọi đã thể hiện rõ, trước hết để đánh giá trình độ THPT quốc gia. Còn việc xét tuyển đại học, có lấy từ kết quả đó hay phương thức khác là việc của các trường.
Dù tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hằng năm đều rất cao, đều trên 90% mà vẫn tổ chức thi bởi về mặt hình thức "luật quy định thi thì chắc chắn chúng ta phải thi".
"Về mặt nội dung, bản chất của kỳ thi, chúng tôi hiểu rằng kỳ thi trên toàn quốc nhằm để đánh giá mức độ đạt chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông trên một phạm vi rộng là toàn quốc. Nó giúp tránh việc chất lượng khác nhau giữa các vùng miền, giữa các trường.
Vì vậy để tốt nghiệp một cấp học thì nên có một kỳ thi trên toàn quốc để đánh giá độ đạt chuẩn như thế nào. Và trên cơ sở kỳ thi này không chỉ đánh giá đạt chuẩn ai được tốt nghiệp ai không mà việc thi còn tác động đến quá trình dạy và học để từ đó điều chỉnh chương trình, cách dạy, cách học. Ở vị trí quản lý trên cơ sở tổ chức thi, kết quả thi để điều chỉnh chính sách quản lý của mình".
Hầu hết các trường vẫn lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học
Mặc dù được xác định rõ ràng như vậy, nhưng theo bà Phụng, trên thực tế vẫn có khá nhiều trường vẫn lấy từ kết quả này để xét tuyển đại học.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ năm nay có hơn 455.000 "chỗ" tuyển mới. Trong đó, hơn 344.000 "chỗ" sẽ được xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, chiếm 75,6% các hình thức xét tuyển (tỷ lệ năm ngoái cũng tương đương).
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nếu như đề thi năm ngoái phục vụ cho mục đích tốt nghiệp nhiều hơn thì năm nay độ khó của câu hỏi đã tăng hơn và phân loại được thí sinh, đáp ứng tốt cho mục tiêu tuyển sinh đại học.
Ông Dũng cho rằng, dù đã tự chủ tuyển sinh nhưng hiện tại kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học "cũng tạm được". Do vậy, trước mắt vẫn sử dụng kết quả này và xem đây là một giải pháp để tiết kiệm. Nhưng về lâu dài trường sẽ có lộ trình thực hiện tự chủ tuyển sinh.
Thí sinh TP.HCM trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Như Sỹ |
"Theo dõi trong 2-3 năm gần đây, tạm thời chúng tôi chưa thấy có vấn đề gì về chất lượng thí sinh. Trường thực hiện sàng lọc nên những em không đáp ứng được đều nghỉ học và mức đuổi nghỉ ở mức 10-15% chứ không tăng".
Theo ông Dũng kỳ thi THPT quốc gia hiện nay tiết kiệm cho thí sinh và xã hội, nhưng nếu tỷ lệ tốt nghiệp vẫn không thay đổi và cao như các năm thì nên để địa phương tự chủ việc xét tốt nghiệp. Kì thi quốc gia chỉ để mục tiêu duy nhất xét vào đại học, tập trung nâng chất lượng, tăng chuẩn chất lượng.
Chia sẻ với VietNamNet, PGS. Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc các trường e dè trước khuyến khích xây dựng đề án tuyển sinh riêng không chỉ ở chuyện tốn kém. Vấn đề chính là kết quả có đạt được như mong muốn hay không.
“Ngay cả ĐHQG Hà Nội những năm trước xây dựng kỳ thi ĐGNL nhưng cũng chỉ tuyển được một lượng thí sinh không nhiều từ kỳ thi đó. Đôi khi các em dự thi chỉ để thử sức, sau đó trúng tuyển nhiều trường và chúng tôi không lường hết được các em sẽ đi đâu. Ví dụ như Bách khoa, với chỉ tiêu 6.000 thì cũng không thể gọi trúng tuyển lên đến 20 nghìn để dự trù rơi rớt”.
Ông Tớp cho biết, trường cũng đã nghĩ đến các phương án tuyển sinh riêng khi Bộ GD-ĐT tuyên bố kỳ thi chung chỉ còn ổn định đến năm 2020.
“Đây không phải là việc dễ dàng nhưng cũng không quá khó. Trước kia, khi chưa có kỳ thi 3 chung, các trường cũng đã tự tuyển sinh cho mình”.
Vị hiệu phó này chia sẻ, nếu không còn kỳ thi chung nữa thì có 2 cách. Một là có một trung tâm khảo thí độc lập và uy tín tổ chức một kỳ thi giống như SAT của Mỹ. Thí sinh có thể thi nhiều lần và các trường dựa vào kết quả của kỳ thi đó để xét tuyển. Hai là mỗi trường hoặc một nhóm trường tự tổ chức kỳ thi cho riêng mình. Cách thứ hai, theo ông, vẫn còn khó trong bối cảnh vẫn còn kỳ thi chung.
Còn với cách thức tuyển sinh hướng tới đánh giá toàn diện như nhiều trường đại học trên thế giới, ông Tớp cho rằng "chỉ khả thi ở Việt Nam khi các trường đủ nghị lực, bản lĩnh đứng ra làm một cách công khai, minh bạch. Ở Việt Nam hiện nay, để làm được việc này rất phức tạp".
Đang sơ kết kỳ thi 2 mục đích
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc công tác coi thi chiều 27/6, trả lời câu hỏi của báo Vietnamnet về việc 1 kỳ thi 2 mục đích có còn phù hợp nữa hay không, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã viện dẫn những quy định hiện hành để cho thấy "kỳ thi là phù hợp".
Ông Mai Văn Trinh |
Cụ thể, Điều 32 của Luật Giáo dục quy định vẫn tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường được tự chủ tuyển sinh theo 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển và phối hợp cả 2 cách. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang vận hành theo 2 luật trên.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành TƯ Đảng yêu cầu tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH theo hướng ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, kết quả tin cậy để làm căn cứ xét tốt nghiệp và căn cứ xét tuyển đại học. Trên cơ sở đó, Chính phủ ra Nghị quyết 44, trong có giải pháp nói rất rõ: Đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Hiện nay trung ương đang chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong đó sẽ có nội dung bàn về đổi mới kỳ thi. Bên cạnh đó, 2 dự luật Giáo dục và Giáo dục Đại học đang được sửa đổi sắp ban hành.
“Sau khi có sơ kết 5 năm, có chương trình sách giáo khoa mới, sẽ có phương án phù hợp cho giai đoạn đó”– ông Trinh nói.
Bộ GD&ĐT lên tiếng về thông tin đề Toán THPT quốc gia 2018 có câu không chính xác
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) vừa lên tiếng trước thông tin, đề thi THPT quốc gia 2018 môn Toán ... |
Những thông tin nổi bật về kì thi THPT quốc gia 2018
Thông tin về số lượng thí sinh dự thi, điểm thi, phòng thi, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển, những điểm mới của ... |