Sẽ thu hồi các dự án đầu tư 'treo' ở Măng Đen, Kon Tum

Kon Plông là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum (cùng huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum). Thời gian qua, việc thu hút đầu tư đã giúp huyện Kon Plông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng lựa chọn, thẩm định các dự án đầu tư vẫn còn nhiều bất cập nên hiệu quả mang lại của các dự án đầu tư chưa cao.

Làm dự án để… chiếm đất, giữ chỗ

Những năm gần đây, trong lúc nhiều nhà đầu tư tâm huyết muốn tìm đất làm dự án thì tại đây còn tồn tại hàng loạt dự án "treo" suốt nhiều năm, chủ đầu tư không triển khai thực hiện. Hiện Kon Plông là địa phương "nóng" về đất dự án trong tỉnh Kon Tum.

Theo khảo sát, hiện tại, trên địa bàn có rất nhiều dự án "treo" nhiều năm chưa triển khai. Nhà đầu tư làm dự án chỉ nhằm mục đích chiếm đất, giữ chỗ. Cụ thể, dự án kinh doanh vườn hoa, cây cảnh và du lịch sinh thái của Công ty cổ phần Măng Đen (địa chỉ ở ấp 2, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) triển khai giai đoạn 1 từ năm 2011-2013. Dự án là quần thể vườn hoa, khu du lịch sinh thái, có 50 nhà nghỉ, cáp treo… quy mô gần 63 ha ở tiểu khu 487 xã Đăk Long.

Tuy nhiên, sau 10 năm, tất cả chỉ là bánh vẽ của nhà đầu tư. Hiện, chủ đầu tư không triển khai dự án trên thực địa. Thực địa chỉ là đất trống cùng cỏ cây. Một số hộ dân còn tranh thủ gieo lúa ở các khe nước trong dự án.

Tại trung tâm huyện, Dự án bảo tồn và phát triển các loại hoa phong lan phục vụ du lịch sinh thái của Hợp tác xã Lan rừng Măng Đen được huyện Kon Plông bố trí 1 ha đất ngay trung tâm huyện. 

Tuy nhiên, qua kháo sát, dự án chỉ dựng được một nhà tôn tạm bợ đã xuống cấp, bên ngoài có vài khung sắt. Trong khuôn viên không có bất kỳ một sản phẩm nào của dự án, dù địa phương đã cấp đất cho dự án được thực hiện từ năm 2018.

Tại khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen có quy mô gần 19 ha tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, sau 14 năm, tất cả những gì dự án làm được là công trình trung tâm hội nghị với diện tích rộng gần 1.000 mét vuông gần ngã tư của đường Hồ Xuân Hương và Sư Vạn Hạnh. 

Tuy nhiên, công trình đã xuống cấp. Hiện trường khi phóng viên đến, công trình là nơi cư ngụ của một số khách vãng lai. Cỏ mọc um tùm. Trung tâm hội nghị xuống cấp trầm trọng, mốc, rêu.

Còn rất nhiều dự án "treo" khác như Đề án xây dựng 40 biệt thự nghỉ dưỡng (Công ty cổ phần Sài Gòn Măng Đen) với tổng vốn gần 136 tỷ đồng trở thành chòi nghỉ home stay chưa được cấp phép xây dựng. 

Dự án đã dừng hơn 10 năm không triển khai; Dự án trồng cây việt quất dưới tán rừng (Công ty TNHH Kon Tum Bellest) với quy mô gần 106 ha; Dự án khu biệt thự sinh thái cao cấp Măng Đen-Villa (Công ty cổ phần Măng Đen Villa) đã "treo" gần 10 năm khi nhà đầu tư không hoàn thiện các thủ tục và không triển khai dự án khi được cấp phép đầu tư…

Trước thực trạng nhiều nhà đầu tư chỉ làm dự án để chiếm, giữ đất, theo Báo cáo số 38-BC/HU ngày 12/10/2020 của Huyện ủy Kon Plông, có nhiều dự án, nhà đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, triển khai chậm so với tiến độ đã cam kết, không đảm bảo về quy mô và mục tiêu của dự án; có tình trạng lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, bán sang nhượng dự án.

Giám sát chặt dự án

Trước tình trạng nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, triển khai dự án chậm so với tiến độ cam kết, huyện Kon Plông đã bắt đầu có những động thái mạnh tay với các nhà đầu tư "chây ỳ".

Cụ thể, Huyện ủy Kon Plông kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi 8 dự án đầu tư treo trên địa bàn. Hiện đã có 3 dự án UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của liên ngành thu hồi các Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo khảo sát lập dự án.

Cụ thể gồm: dự án khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen (Công ty cổ phần Măng Đen); dự án trồng cây việt quất dưới tán rừng tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long của Công ty TNHH Kon Tum Bellest; dự án đầu tư xây dựng biệt thự sinh thái cao cấp tại khu du lịch Măng Đen của Công ty cổ phần Măng Đen Villa.

Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, đối với 5 dự án chậm tiến độ còn lại, huyện đang tiếp tục kiến nghị tỉnh đề nghị thu hồi. Các dự án này huyện giới thiệu đã lâu nhưng đến nay chủ đầu tư triển khai rất chậm so với chủ trương và còn tồn tại kéo dài.

"Việc thu hồi sẽ giúp tạo ra một quỹ đất để tiếp tục đưa vào thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, huyện Kon Plông sẽ rà soát tiến độ các dự án 2 lần/năm. Nếu dự án không triển khai, triển khai chậm so với lần kiểm tra trước huyện sẽ kiến nghị tỉnh xem xét. Với dự án mới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu tỉnh lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để tổ chức thực hiện", ông Lê Đức Tín cho hay.

Ngoài 8 dự án "tiêu biểu" về chậm tiến độ, Huyện ủy Kon Plông cũng kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hướng dẫn nhà đầu tư 28 dự án khác trên địa bàn huyện hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai; kiến nghị chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai 18 dự án khác trên địa bàn.

Theo ông Đặng Quang Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, với các dự án ở Kon Plông, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát để xác định các vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã thu hồi, chấm dứt hoạt động của 3 dự án đầu tư.

Còn 5 dự án còn lại, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các ngành quan tâm hỗ trợ khó khăn để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án và yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết tiến độ. Với các dự án mà nhà đầu tư không có năng lực thực hiện, tỉnh Kon Tum kiên quyết thu hồi để kêu gọi nhà đầu tư khác. Các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, có vướng mắt về thủ tục pháp lý trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ để giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường năng lực, chất lượng thẩm định dự án đầu tư của cơ quan chuyên môn; tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe và xử lý những kiến nghị, vướng mắt liên quan, kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp để sớm hoàn thành thủ tục thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện biện pháp hậu kiểm để xử lý các trường hợp chậm tiến độ theo đúng quy định của pháp luật.

Toàn huyện Kon Plông hiện có 88 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất đăng ký trên 8.400 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư trên 23.000 tỷ đồng. Trong số này có 52 dự án đã được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 5.000 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư gần 18.000 tỷ đồng.

chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.