Sếp Vietravel: Sinh viên du lịch Việt ra trường phải đào tạo lại, tuyển 300 nhân sự đạt yêu cầu cũng khó

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ, cho rằng hiện các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Hàng năm Vietravel có hơn 300 suất nhân sự nhưng rất khó tuyển.

Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam tổ chức ngày 12/4, đại diện cơ quan quản lí cho biết hiện mỗi năm ngành du lịch cần khoảng 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên được đào tạo bài bản từ 346 cơ sở từ sơ cấp đến đại học ra trường hàng năm chỉ 15.000 người, tương đương 35% nhu cầu.

Số lượng lao động trong ngành đang thiếu hụt, nhưng theo lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch lữ hành, con số này sẽ tiếp tục sụt giảm do sinh viên không đáp ứng được tiêu chí của các công ty, thậm chí tốn nhiều thời gian chỉ để… đào tạo lạ

Trường đánh đồng trình độ ngoại ngữ, công ty tuyển dụng vào phải mất cả năm đào tạo lại

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho hay hàng năm doanh nghiệp đều có kế hoạch tuyển gần 300 nhân sự, chưa tính số lượng hướng dẫn viên. Tuy số lượng nộp hồ sơ nhiều nhưng hầu như đều khó chọn ứng viên đáp ứng tốt cho các vị trí công việc phù hợp.

"Lượng sinh viên được tuyển dụng vào công ty phải thông qua các lớp đào tạo và làm việc thực tế, trải qua giai đoạn thử việc mới được tiếp nhận vì hầu như cần phải đào tạo và tự đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu thực tế", Chủ tịch Vietravel khẳng định.

Sếp Vietravel: Sinh viên du lịch Việt ra trường phải đào tạo lại, tuyển 300 nhân sự đạt yêu cầu cũng khó - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ, cho rằng hiện các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu. (Ảnh: H.L).

Theo ông, hiện chương trình đào tạo nhân lực cho ngành du lịch của cơ sở chưa sát thực tế, còn nặng về lí thuyết và thiếu kĩ năng thực hành. Trong khi đó, một số tổ chức lại đi vào các phân ngành hẹp của ngành du lịch, đào tạo chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo qui chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS) đã được ban hành.

Đặc biệt là vấn đề ngoại ngữ, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay nhiều trường đang đánh đồng đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên ngành du lịch với các ngành khác nên với nhu cầu đa dạng hiện nay, sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc phải tự học thêm.

"Đơn cử, tại các thành phố như Nha Trang, Đà Nẵng... có nhiều du khách nói tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Các công ty lữ hành khi tuyển dụng vào thì hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Chuyện này là một lãng phí rất lớn", ông Kỳ nói.

Chủ tịch Vietravel cũng nhìn nhận một thực tế hiện nay là hầu như các khách sạn 5 sao đều dùng nhân lực nước ngoài.

Ông cũng cho biết thêm một thực trạng khác là các cơ sở đào tạo du lịch đều tập trung tại các thành phố lớn, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều ở lại các thành phố lớn này hoặc tập trung vào những thị trường có du lịch phát triển, để lại một "khoảng trống" tại các tỉnh thành khác.

Việc chênh lệch này khiến một số nơi lao động thuộc ngành khác tràn qua khiến tỉ lệ được đào tạo bài bản và chất lượng không được như mong muốn.

Không phải là sinh viên du lịch tốt nghiệp giỏi thì làm được việc

Cũng nói về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist - ông Võ Anh Tài, cho rằng chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại là yếu tố quyết định.

Sếp Vietravel: Sinh viên du lịch Việt ra trường phải đào tạo lại, tuyển 300 nhân sự đạt yêu cầu cũng khó - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist - ông Võ Anh Tài, cho rằng không phải là sinh viên du lịch tốt nghiệp giỏi thì sẽ làm được việc. (Ảnh: H.L).

"Không phải là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ được nhận làm việc lâu dài, hoặc sinh viên trường cấp dưới là không nhận được cơ hội làm việc. Bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu, quan trọng là kĩ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc", ông Võ Anh Tài nhấn mạnh.

Đại diện Saigontourist cho hay để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành hiện nay, các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình tương ứng theo sát các yêu cầu thực tế phát triển ngành đồng thời phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch ASEAN, EU (VTOS).

Ông đặc biết nhấn mạnh đến các chương trình tập sự nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kĩ năng mềm cho sinh viên... Đồng thời, nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như lưu trú, nhà hàng, lữ hành, sự kiện, golf, giao thông vận tải, phát triển thị trường khách… tham gia vào quá trình đào tạo.

Vietravel cũng muốn mở trường về du lịch

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng cần quy hoạch các trường du lịch chuyên về lĩnh vực này để đáp ứng cho mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Riêng các đề án phát triển du lịch, khu du lịch phức hợp... cần yêu cầu các đơn vị trình việc đào tạo nhân lực làm sao đáp ứng nhu cầu. Tiếp theo là vấn đề phân tuyến đào tạo theo đại học, chú trọng thực hành, ngoại ngữ.

Ông cũng nêu đề nghị cần có chính sách khuyến khích lập trường trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có điều kiện tham gia thì cần có chính sách khuyến khích. Nếu không họ rất khó phát triển và đầu tư cho đào tạo.

Sếp Vietravel: Sinh viên du lịch Việt ra trường phải đào tạo lại, tuyển 300 nhân sự đạt yêu cầu cũng khó - Ảnh 3.

Theo các doanh nghiệp du lịch lữ hành, việc đào tạo nhân lực trong ngàng phải đáp ứng nhu cầu thực tế. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Lãnh đạo Vietravel cho hay cũng muốn mở trường về du lịch, hiện doanh nghiệp đã mạnh dạn mua lại 66% trường Cao đẳng quốc tế Kent với chương trình chuẩn liên thông Australia và Anh. Đơn vị này nhắm đến đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản trị du lịch - lữ hành và hàng không, theo khung đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.

GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, cho rằng hiện khái niệm nhân lực chất lượng cao bên cạnh các tiêu chuẩn đào tạo của các trường đại học, cao đẳng mà còn phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo bà Quỳ, để có sự hỗ trợ tốt giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, thì nên có chính sách ưu đãi thuế, đầu tư với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu hỗ trợ khuyến khích cơ sở đào tạo về chuyên ngành du lịch. Trên thực tiễn, nên cho phép thực hiện chương trình đào tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp, thậm chí CEO của doanh nghiệp cùng đào tạo.

Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, 9 trường Đại học tại TP HCM đã kí kết hợp tác chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực du lịch với nhau.

9 trường này gồm ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP HCM, ĐH Công nghệ, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế, ĐH KHXH&NV, ĐH Văn Lang và ĐH Kinh tế - Luật.

Ngoài ra, trường ĐH Hoa Sen đã kí kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về du lịch như Tập đoàn Accor, Tập đoàn Marriott, Viettravel, Vinpearl…

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.