Xây dựng môi trường làm việc với tư duy phát triển, theo bà Thái Vân Linh, chính là việc chuyển đổi từ văn hoá đề cao tính cá nhân - muốn tìm ra cá nhân xuất chúng nhất - sang việc tạo cơ hội để mỗi thành viên có cơ hội đóng góp vào tầm nhìn chung và lớn hơn.
"Đối với một công ty khởi nghiệp, tư duy phát triển đặc biệt quan trọng bởi bạn thường có một ngân sách hạn hẹp cùng một đội ngũ nòng cốt không lớn", bà Linh khẳng định.
Vì thế, giám đốc của Vingroup Ventures muốn chia sẻ với giới startup cách xây dựng đội ngũ hoạt động hiệu quả hơn nhờ tư duy phát triển.
Tinh thần dám đón nhận thất bại chính là yếu tố đầu tiên bà Linh khuyên chủ doanh nghiệp nên xây dựng trong đội nhóm của họ. Để gây dựng tinh thần dám đón nhận thất bại, người lãnh đạo phải không ngừng khuyến khích các thành viên cùng nhau chia sẻ bài học sau mỗi lần mắc sai lầm.
"Hãy giúp nhân viên của bạn hiểu rằng thử thách rồi thất bại còn hơn không dám làm gì. Khi nhận được cảm giác tôn trọng cho sự chia sẻ, họ sẽ sẵn sàng và cởi mở hơn trong những lần sau và việc này sẽ giúp toàn nhóm phát triển nhanh hơn", bà Linh nói.
Với vai trò là người dẫn dắt, chủ doanh nghiệp tiên phong trong việc đối mặt với thất bại. Chẳng hạn như, họ nên tự vấn quyết định của họ đã làm ảnh hưởng đến dự án thế nào. Họ nên nhìn lại xem họ đã mắc sai lầm ở đâu, tự phân tích và cố gắng tìm ra một cách giải quyết để chia sẻ.
Sau đó, chủ doanh nghiệp nên tổ chức một buổi gặp mặt nội bộ để chia sẻ bài học của bạn và khuyến khích những người khác chia sẻ thêm về cách giải quyết, cùng nhau rút ra bài học lớn để startup không mắc sai lầm cho lần sau.
Startup là môi trường lý tưởng để mọi người học hỏi và thử nghiệm các kĩ năng mới mà chúng ta chưa từng học khi còn là sinh viên hay thậm chí ở các công ty lớn. Vì thế, bà Linh khuyên chủ doanh nghiệp cùng với nhóm không chỉ phát huy kĩ năng vốn có mà còn khám phá thêm các kĩ năng mới.
"Chẳng hạn, nhân viên phát triển sản phẩm của bạn hoàn toàn có thể là một người bán hàng giỏi vì họ là người hiểu sản phẩm hơn bất cứ ai hết. Bạn hãy tạo cơ hội để họ giao tiếp trực tiếp với khách hàng, tư vấn cũng như tìm hiểu nhu cầu", bà nói.
Một điều quan trọng, theo bà Linh, là chủ doanh nghiệp phải trang bị để giúp cho nhân viên đó thành công. Nhờ vậy, những thành viên trong đội ngũ vừa phát triển về chuyên môn, vừa có thêm kĩ năng mới để “lấn sân” sang một lĩnh vực mà họ chưa từng trải nghiệm.
Khi được công nhận về sự đóng góp của bản thân, chúng ta sẽ cảm thấy có động lực hơn để cống hiến. Bà Linh nhấn mạnh rằng sự công nhận ấy không chỉ xuất phát từ phía người lãnh đạo, mà còn phải xuất phát từ tất cả thành viên trong nhóm.
Nhờ sự công nhận rộng rãi, mọi người sẽ tự xây dựng tư duy phát triển, tự tin bước ra khỏi vùng an toàn để nắm bắt cơ hội và đón nhận thử thách.
Việc ghi nhận đóng góp của các thành viên có thể là một phần trong nội dung buổi họp công ty hàng tháng. Thậm chí người lãnh đạo có thể công nhận ngay lập tức khi ai đó có một sáng kiến mới giúp tối ưu công việc.
"Hoặc đơn giản hơn, đó có thể chỉ là một lời cảm ơn trong giao tiếp hàng ngày để họ biết rằng sự cống hiến từ họ được đánh giá cao", bà Linh nói.
Người sáng lập luôn muốn mọi người trong team cùng duy trì tư duy phát triển cho bản thân và cả startup. Theo bà Linh, nhà sáng lập nên nhắc với mọi người về mục tiêu chính của công ty và cập nhật tình hình phát triển để họ hiểu những công sức mà họ đang đổ vào là đang giúp startup tiến đến gần hồng tâm như thế nào.
Một nhân viên đang giúp nhà sáng lập vận hành công ty hằng ngày sẽ khó duy trì động lực để có tư duy phát triển nếu họ cảm thấy rằng công việc của họ không quan trọng. Vì thế, nhóm chỉ nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất cho các dự án mà họ đang làm.
"Với tư cách là người lãnh đạo, bạn hãy để nhóm thấy rằng mỗi thành viên đều là nhân vật chủ chốt. Có như thế thì nhóm của bạn mới có thể động lực để duy trì tư duy phát triển", bà Linh kết luận.