Trước đó, việc kinh doanh các mặt hàng trên tất cả các trang thương mại điện tử ở Việt Nam là hoàn toàn miễn phí. Người bán chỉ cần tạo một tài khoản là có thể đăng bán trên đó.
Không thu phí người bán, người mua. Số tiền người bán giao dịch thành công trừ các khoản thuế sẽ chảy thẳng vào ví người bán. Hoàn toàn miễn phí, đó là cách mà các sàn giao dịch điện tử thu hút và giữ chân khách hàng.
Thế nhưng, trong một động thái khá bất ngờ, vào ngày 20/3, shopee một trang thương mại điện tử theo những số liệu từ iPrice Group thì hiện đang là sàn giao dịch đứng đầu Việt Nam, bắt đầu thu phí người bán trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công.
Shopee thông báo tới người bán về việc thu phí.
Theo shopee giải thích, đây là "khoản phí giao dịch cho mỗi đơn hàng thành công trên Shopee", và phí này được tính cho người bán.
Vậy shopee tính phí này như nào? Theo đó, phí thanh toán sẽ được tính trên tổng giá trị thanh toán của người mua cho đơn hàng, gồm tổng tiền hàng và phí vận chuyển sau khi áp dụng khuyến mãi (nếu có).
Mức phí thanh toán mà người bán phải chịu trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công. (Ảnh: Shopee).
Thông thường mức phí này sẽ rơi vào khoảng từ 1%-2% tổng giá trị đơn hàng theo các cách thức thanh toán khác nhau. Có thể mức phí này đối với nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ thì không thành vấn đề nhưng với những người kinh doanh lớn thì đây thực sự là một khoản phí không mấy dễ chịu.
Chị Mùi, ở Thanh Xuân, Hà Nội hiện đang có một gian hàng với hơn 30 loại mặt hàng và gần 4.000 người theo dõi trên shopee cho rằng: "việc thu phí của shopee đang khiến chị cân nhắc chuyển sang một nền tảng giao dịch khác vì tổng giá trị các đơn hàng của chị thường rất lớn".
Với qui mô bán hàng của chị Mùi thì số tiền phí trên rất đáng kể. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tuy nhiên, với nhiều người mua hàng thì đây lại là một hi vọng tích cực. Bạn Nga, 24 tuổi nhà ở Linh Đàm chia sẻ: " Mình rất hay mua hàng trên shopee, nếu như shopee đánh vào giá trị hàng hóa như vậy thì rất có thể người bán sẽ giảm giá bán để chịu mức phí chấp nhận được và đó là tín hiệu tích cực cho những người mua hàng".
Mặc dù vậy, đứng từ góc độ người bán, rất nhiều người không chấp nhận qui định mới này của shopee.
Rất nhiều người kinh doanh trên shopee có ý định chuyển qua nền tảng khác khi trang này thu phí người bán. (Ảnh: Đông A).
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm vừa qua đã chứng kiến sự bứt tốc của shopee khi mà trong vòng chưa đầy 7 tháng, trang thương mại điện tử này từ vị trí thứ ba đã soán ngôi Lazada để vươn lên dẫn đầu thị trường.
Khi những nỗ lực khuyến mãi lôi kéo người bán, người mua không đưa ra được kết quả cụ thể, liệu rằng hai ông lớn lazada và sendo có nối gót shopee thu phí người bán? Liệu shopee có thành công với vai trò là kẻ mở đường cho việc thu phí này như Apple dẫn đầu trong cơn bão mang tên "smartphone giá nghìn đô"?. Tất cả còn ở phía trước, và cuộc đua này vẫn hết sức khốc liệt.
Đô thị hóa cùng với sự phát triển của internet, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế là những yếu tố khiến cho thương mại điện tử ngày càng phát triển tại Việt Nam.
Theo công ty nghiên cứu Euromonitor, đến năm 2020, giá trị của thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 58,2 nghìn tỉ đồng. Đó thực sự là miếng bánh ngon với không ít nhà đầu tư.
Thời điểm hiên tại, có trên dưới chục sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam với cùng một tham vọng chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này trước khi nó bị bão hòa.
Những ông lớn trong thương mại điện tử có thể kể ra ở đây như: Shopee, Sendo, Lazada, Adayroi, vuivui… Đây là những sàn giao dịch điện tử được chống lưng bởi hàng loạt những tập đoàn "khủng" như Vingroup, thegioididong, Alibaba, JD… .
Rõ ràng có thể thấy, những tập đoàn này không chỉ là những doanh nghiệp quốc doanh mà còn là sân chơi của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Mới đây, ông trùm ngành bán lẻ toàn cầu Amazon cũng có những động thái thăm dò thị trường Việt Nam.
Kể ra trên đây để có thể thấy cuộc chiến thương mại điện tử ở Việt Nam diễn ra khốc liệt như thế nào. Vì thế, để tồn tại và dành ưu thế, cả ba trang thương mại điện tử lớn nhất là shopee, sendo và lazada đều phải đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho cả người bán và người mua.
Theo đó, người bán hàng sẽ được phép kinh doanh miễn phí trên các gian hàng của các trang thương mại điện tử này. Tức là hoàn toàn không phải chịu bất cứ loại phí nào để kinh doanh, trừ phí vận chuyển hàng hóa.
Thế nhưng, các trang thương mại điện tử không thể cứ kinh doanh mà miễn phí mãi. Không có bữa trưa nào miễn phí cả, tất cả chỉ là những chính sách trong giai đoạn đầu nhằm thu hút người bán, người mua. Khi đạt được những vị trí nhất định, việc thu phí là việc hoàn toàn có thể hiểu được.
Tuy nhiên, thu phí như thế nào, cách tính ra sao để làm hài lòng cả người bán lẫn các công ty thương mại điện tử thì lại là một câu chuyện khác.