Siết quản lí dự án nhà ở thương mại tại Bình Dương

Thời gian qua, quá trình phát triển nhà ở thương lại tại Bình Dương phát sinh nhiều bất cập và rủi ro, dù góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Bình Dương siết quản lí dự án nhà ở thương mại - Ảnh 1.

Bình Dương siết quản lí dự án nhà ở thương mại. Ảnh minh họa.

Theo Báo Bình Dương, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới 178 dự án với qui mô sử dụng đất khoảng 850 ha, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,82 triệu m2.

Trong đó, các dự án nhà ở chung cư tại đô thị phía Nam đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Tính đến tháng 9/2020, Bình Dương có 469 dự án nhà ở thương mại đang triển khai và phát triển mới 27 dự án có tổng qui mô sử dụng đất 18,57 ha và 33.304 căn hộ.

Ở các huyện phía Bắc của tỉnh như Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng, những nơi vốn không có chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại cũng đã phát triển thêm các loại hình nhà ở.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Thời gian qua, việc phát triển nhà ở theo những dự án đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, chất lượng nhà ở được cải thiện và nâng cao, cơ cấu nhà ở chuyển dịch từ nhà ở bán kiên cố sang nhà ở kiên cố".

Tuy nhiên, việc chồng chéo giữa các luật cũng như công tác phát triển nhà ở thiếu tính đồng bộ, chưa có sự liên kết tích hợp giữa phát triển nhà ở và định hướng qui hoạch khiến việc quản lí phát sinh nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc không qui định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, đặc biệt là giao dịch sản phẩm của các dự án kinh doanh bất động sản nhà ở dẫn đến công tác quản lí thị trường bất động sản không thể kiểm soát, phát sinh rủi ro cho người mua và thị trường.

Theo ông Võ Hoàng Ngân, "thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số dự án nhà ở thương mại huy động vốn khi chưa đủ điều kiện và người dân tụ tập đông người liên quan đến việc huy động vốn gây mất an ninh trật tự".

Ông Võ Hoàng Ngân lấy ví dụ, gần đây nhất là dự án khu nhà ở Suối Giữa thuộc phường Tương Bình Hiệp và phường Chánh Mỹ (TP Thủ Dầu Một) do CTCP Đầu tư Thương mại Á Châu (có trụ sở tại TP HCM) làm chủ đầu tư.

Dự án này chưa đủ điều kiện pháp lí nhưng chủ đầu tư đã rao bán. Sau ba năm, dự án vẫn chưa triển khai thực hiện khiến rất nhiều khách hàng đã nộp đủ tiền phải hoang mang.

Một trường hợp khác, dự án Thành Phát City 1 (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng) của Công ty Ba Thành Phát (có trụ sở ở phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) dù chưa được UBND tỉnh phê duyệt dự án nhưng chủ đầu tư đã "vẽ" dự án và thu tiền của khách hàng.

"Trong khi đó, đa số khách hàng của dự án là những công nhân khiến cho họ lâm vào hoàn cảnh tiền mất, nhà không có và gánh thêm nợ", ông Võ Hoàng Ngân cho hay.

Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp làm việc kiểm tra định kì tiến độ triển khai của chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai, Sở Xây dựng tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư của dự án.

Đối với việc huy động vốn tại các dự án nhà ở thương mại, ông Võ Hoàng Ngân, cho rằng cần phải có một qui định riêng điều chỉnh hình thức huy động vốn, đặc biệt về mẫu hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, khôi phục lại qui định giao dịch qua sàn đối với dự án đầu tư bất động sản.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.