'Siêu thị dừng bán nước mắm truyền thống là quá vội vàng'

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ quan điểm về việc có siêu thị dừng bán nước mắm truyền thống sau khi Vinastas công bố thông tin nước mắm nhiễm Asen.

Như Việt Nam Mới Thông tin, ngày 17/10 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố thông tin về kết quả chương trình khảo sát nước mắm trên toàn quốc.

Theo đó, Vinastas cho biết, cơ quan này đã chọn khảo sát 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 doanh nghiệp được bán trên thị trường cả nước.

Kết quả cho thấy, 125/150 (chiếm 83,33%) mẫu khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn. Trong đó, có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu Asen tổng (thạch tín).

Vinastas tiếp tục kiểm tra 20 mẫu trong số 101 mẫu không đạt tiêu chuẩn Asen thì không phát hiện Asen vô cơ.

Tức là, Asen trong các mẫu mà Vinastas khảo sát chỉ là Asen hữu cơ. Mà Asen hữu cơ gần như không gây tác hại gì với con người, chỉ có Asen vô cơ là chất độc hại.

Theo nhiều chuyên gia, sẽ không có gì đáng nói, nếu khi đó Vinastas giải thích rõ chi tiết này. Thay vào đó, cơ quan này đã công bố thông tin với những cụm từ chung chung, dễ gây hiểu lầm như “Asen tổng vượt ngưỡng quy định”, “hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”...

Chính cách thông tin của Vinastas đã ít nhiều khiến dư luận hoang mang, hiểm lầm là phần lớn nước mắm hiện nay đều chứa chất hóa học nguy hại.

Điều này đã khiến hàng loạt đơn vị kinh doanh nước mắm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống "lao đao" do người tiêu dùng có dấu hiệu quay lưng với sản phẩm. Thậm chí, có siêu thị đã rút khỏi kệ hàng nhiều loại nước mắm truyền thống.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Việt Nam Mới đã phỏng vấn ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.

sieu thi dung ban nuoc mam truyen thong la qua voi vang
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội. Ảnh: Đời sống và Pháp luật

- Vinastas công công bố thông tin khảo sát cho biết, có tới 67,33% mẫu nước mắm có lượng Asen vượt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, Vinastas không giải thích rõ luôn rằng đây là Asen hữu cơ không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ông đánh già thế nào về việc này?

Việc công bố những thông tin như vậy thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Y tế. Người dân nên ăn hay không ăn gì thì phải do Bộ Y tế công bố. Vinastas công bố kết quả khảo sát như vậy là quá vội vàng, không đủ cơ sở và không đúng chức năng. Hiện nay một số đơn vị sản xuất nước mắm họ đang muốn kiện Vinastas về việc này.

- Theo ông, việc công bố thông tin vội vàng như vậy ảnh hưởng thế nào tới hoạt động sản xuất và kinh doanh nước mắm, đặc biệt là nước mắm truyền thống.

Ban đầu Vinastas họp báo, công bố thông tin rất ầm ĩ về việc nước mắm có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Asen ở đây là Asen hữu cơ. Mới đây, một đại diện của cơ quan này cũng khẳng định là các mẫu nước mắm đó là an toàn. Như vậy là thông tin chưa rõ ràng, thống nhất.

Asen hữu cơ có độc đâu mà anh lại tung thông tin lên gây hoang mang dư luận. Anh làm cú sốc như thế khiến cho hàng hóa ế ẩm. Điều này có thể làm hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nước mắm.

Như chúng ta đã biết, một năm, người dân cả nước sử dụng khoảng 200 triệu lít nước mắm với doanh số gần chục nghìn tỉ đồng. Đó là con số rất lớn và là một mảnh đất rất tốt cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trong số 200 triệu lít này, thì có khoảng 25% là các loại nước mắm nguyên thủy, nước mắm làm thủ công, tức là nước mắm truyền thống; còn lại là nước mắm công nghiệp.

Nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp không có tội. Người này thích nước mắm truyền thống, nhưng người khác lại thích nước mắm công nghiệp thì sao?

Cần lưu ý rằng, nước mắm là gia vị được dùng trong mỗi gia đình người Việt và trong các quán ăn, nhà hàng... Chính vì thế, chúng ta phải rất thận trọng khi thông tin về mặt hàng này. Chỉ cần một thông tin chưa chính xác hoặc gây hiểu lầm thì có thể gây thiệt hại rất lớn cho người sản xuất và kinh doanh nước mắm.

sieu thi dung ban nuoc mam truyen thong la qua voi vang
Nhiều siêu thị đã tạm dừng bán nước mắm truyền thống. Ảnh: Zing.vn

Qua vụ nước mắm này, nhiều vụ công bố khác của các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm. Cần công bố thông tin thận trọng và đúng chức năng.

Nếu ngày mai, anh công bố thông tin không đúng về nước tương thì có thể sẽ làm chết nước tương, ngày kia công bố sai về xì dầu thì làm chết luôn xì dầu...

- Trước thông tin nước mắm nhiễm Asen vượt ngưỡng tiêu chuẩn được Vinastas đưa ra, hiện có siêu thị đã bắt đầu rút nhiều loại nước mắm truyền thống khỏi kệ hàng. Ông có ý kiến gì về hành động này của các siêu thị?

Nếu siêu thị nào rút các loại nước mắm truyền thống bây giờ là quá vội vã. Hiện Bộ Y tế đang kiểm tra các mẫu nước mắm và sẽ có kết luận chính thức.

Đáng ra, siêu thị phải chờ kết luận của Bộ Y tế xem sự thật cụ thể như thế nào. Nếu kết quả cho thấy có hãng nước mắm nào ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng... thì khi đó rút đâu có muộn.

Hơn nữa, hiện phía Vinastas đã khẳng định là các mẫu nước mắm được họ kiểm tra trước đó chứa Asen hữu cơ, không gây hại cho sức khỏe.

Vì vậy, việc ngừng bán các loại nước mắm của các siêu thị như vậy là vội vàng. Làm như vậy là anh tự làm mất doanh số của anh và làm thiệt hại cho nhà cung ứng.

Chúng tôi khuyên các siêu thị nên bình tĩnh. Không chỉ nước mắm mà còn nhiều mặt hàng nữa, không vội vã rút ra khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

- Ông có lo ngại việc nước mắm không đảm bảo chất lượng còn tồn tại trên thị trường hiện nay hay không?

Các sản phẩm nước mắm ở nước ta hiện nay rất nhiều. Người tiêu dùng đi vào mà trận nước mắm, không biết đâu mà lần. Hãng nào cũng quảng cáo rất hay. Nhưng liên quan đến miếng ăn mà nghe doanh nghiệp sản xuất tự công bố chất lượng thì gay lắm. Anh sản xuất thì anh sẽ tự công bố là sản phẩm của anh tốt hay xấu?

Tôi từng là Phó Ban chỉ đạo chống buôn lậu của TP Hà Nội. Cách đây 20 năm, tôi từng bắt vụ nước mắm Phú Biên ở cửa hàng Lê Quý Đôn. Cứ một phần nước mắm, họ lại pha thêm một phần nước để tăng thể tích, tăng lợi nhuận. Với hành vi này, trưởng cửa hàng đã bị lĩnh án tù giam.

Hiện nay, cũng không loại trừ có trường hợp có người bán pha nước mắm với nước sôi rồi thêm muối vào để tăng lợi nhuận.

Theo tôi, hiện trên thị trường có nước mắm không đảm bảo chất lượng. Nhưng cái này, cơ quan quản lý thị trường, y tế phải đi kiểm tra, xử lý.

Các cơ quan quản lý hưởng lương từ tiền thuế của dân nên phải bảo vệ người tiêu dùng. Đừng có bắt người tiêu dùng phải thông thái.

- Ông có góp ý gì cho công tác quản lý để loại bỏ những hàng hóa kém chất lượng ?

Hiện nay chúng ta vẫn quen quản lý từ ngọn. Chúng ta rất ít, thậm chí là không kiểm soát từ khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đến khi có báo chí phản ánh thông tin bất thường thì cơ quan quản lý lại chạy theo để xử lý.

Muốn người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa an toàn thì trước hết cơ quan quản lý phải bỏ ngay tư duy làm việc phong trào, tư duy làm từ ngọn đi.

Chúng ta phải kiểm soát ngay từ khâu sản xuất rồi mới cho lưu hành. Phải coi việc kiểm soát khâu bán lẻ chỉ là phụ, là bổ sung thôi. Bây giờ cứ quản lý khâu bán lẻ, chẳng hạn Hà Nội có 700 người quản lý thị trường, nếu đi kiểm tra một bà tiểu thương rồi kiểm tra toàn bộ các tiểu thương khác thì có khi 5 năm sau mới quay lại lượt kiểm tra bà ban đầu. Đặc biệt, hàng hóa là thực phẩm, là những mặt hàng lớn như nước chấm, dầu ăn, gạo... thì càng phải kiểm soát ngay từ kho. Đừng để đến khi hàng hóa đến tay hàng triệu tiểu thương rồi mới đi kiểm nghiệm. Kiểm nghiệm xong thì hàng hóa đã vào bụng nhân dân mất rồi. Sự việc liên quan đến nước uống C2, Rồng đỏ vừa qua là bài học lớn rồi.

Nếu kiểm soát tốt từ khâu sản xuất, khâu nhập khẩu rồi thì sau đó hàng hóa vào chợ, vào siêu thị hay bày bán ở quán hàng rong thì kệ nó. Bởi khi đó hàng hóa đã được đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, kiểm soát ở đây phải không phiền hà, không chi phí. Chứ kiểm soát mà lại gây phiền hà hay chi phí thì người sản xuất họ lại trốn tránh.

Cơ quan quản lý cũng cần biểu dương kịp thời những đơn vị làm ăn tốt, xử lý nghiêm những đơn vị làm ăn gian trá. Có như vậy mới khuyến khích được người dân, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng cao!

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.