Số phận dự án Hồ Tràm 225 ha sau khi LDG thoái vốn

Năm 2020, LDG từng mua lại Công ty Thuỷ sản Bình Minh để dành quyền phát triển Khu du lịch sinh thái Bình Minh, tổng vốn dự kiến gần 12.000 tỷ đồng và đến cuối năm 2022, LDG rút khỏi dự án này. Hiện dự án đã về tay chủ mới, kế hoạch từ nay đến tháng 9 sẽ khởi công xây dựng.

Ngày 22/5/2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch 1/500 Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh, tháng 10 cùng năm, tỉnh đã duyệt giá thuê môi trường rừng để đầu tư xây dựng dự án này tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Năm 2014, Công ty TNHH Thuỷ sản Bình Minh (nay là CTCP Thuỷ sản Bình Minh) đã được cấp quyết định cho thuê môi trường rừng thực hiện dự án, đến năm 2020 được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh với tổng mức đầu tư 498 tỷ đồng.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh có vị trí tại khoảnh 1, 7, 8, 9, 11, 12, tiểu khu 30, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Dự án có tổng diện tích hơn 222,5 ha. Phía bắc và phía nam giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu; phía đông giáp Khu du lịch sinh thái phức hợp Hồ Tràm; phía tây giáp ĐT.328. 

Vị trí dự án nằm trong phân khu dịch vụ hành chính, tiếp giáp với khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt và cách khu phục hồi sinh thái khoảng 7 km. Khu đất dự án cách khu dân cư ấp Tân Phước khoảng 5km và cách khu vực nuôi trồng thuỷ sản 7 km về phía tây nam.

Vị trí Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh nhìn trên bản đồ. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Về hiện trạng, chiếm chủ yếu diện tích dự án là rừng tự nhiên thứ sinh gỗ núi đất lá rộng thường xanh với hơn 182 ha; đất rừng trồng gỗ khác núi đất chiếm hơn 5 ha; khoảng 22,5 ha đất có cây gỗ tái sinh núi đất; 7,4 ha đất núi là 5,1 ha đất mặt nước.

Chủ đầu tư cho biết, quá trình đầu tư sẽ chỉ sử dụng 10,9 ha đất núi và đất có cây gỗ tái sinh núi đất để xây dựng các công trình phục vụ nghỉ dưỡng; 7,4 ha làm đường giao thông nội bộ; 16,9 ha làm vườn cảnh và 7 ha đất mặt nước.

Phần diện tích còn lại để phục vụ cho hoạt động tham quan du lịch sinh thái dưới tán cây rừng. Cụ thể là tổ chức hoạt động đi bộ tham quan ngắm khung cảnh thiên nhiên.

Một phần đất của dự án nằm trên tuyến đường ven biển với mặt cắt ngang dự kiến 42 m. Giao thông đối ngoại có đường kết nối với quốc lộ 55 đi Bình Thuận về phía bắc và đi thị trấn Phước Hải về phía nam. Giao thông đối nội chủ yếu là đường mòn hẹp xuyên rừng phục vụ cho sản xuất nông - lâm nghiệp.

Dự án tiếp giáp với Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm (164 ha) đã đi vào hoạt động từ năm 2008. Tiếp giáp với các khu khách sạn, nhà nghỉ và khu dân cư đang hoạt động sinh sống và kinh doanh nghỉ dưỡng. 

Vị trí dự án cũng cách khu du lịch Camelina khoảng 300 m (đã đi vào hoạt động từ 2018); cách khu du lịch Viễn Đông khoảng 1,5 km (đang hoạt động ổn định); cách khu nghỉ dưỡng sinh thái Tín Lộc 2 km về phía nam (hiện chưa xây dựng). Trong khu đất dự án không có các công trình văn hoá, tôn giáo và di tích lịch sử.

Giai đoạn đầu tư, Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh sẽ có công suất phục vụ là 10.668 khách du lịch, gồm 3.760 khách lưu trú và 5.311 khách vãng lai, nhân viên. Các công trình nhà ở xây dựng tại dự án là nhà ở cho thuê.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí 5,3 ha xây dựng các hạng mục công trình trên diện tích đất trống; 31,6 ha dành cho đường nội bộ, bãi đỗ xe, vườn cảnh quan, mặt nước; còn lại 185,7 ha rừng đặc dụng sẽ không tác động.

Dưới đây là các hạng mục công trình sẽ xây dựng tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh. Đầu tiên là Khu tiếp đón có diện tích 1.700 m2, nằm trên trục đường chính lối vào của dự án, chiều cao xây dựng 2 tầng.

Khu trung tâm nghỉ dưỡng số 1 và số 2 có quy mô 284 phòng, cao 3 tầng, chức năng chính là phòng nghỉ, lưu trú và nghỉ dưỡng. Hai khu này được bố trí tại khu vực phía tây và phía đông dự án. Ngoài ra, phân bổ đều trên các vi trí đất trống của dự án là 140 căn bungalow cao không quá 12 m.

Trung tâm chăm sóc sức khoẻ có diện tích 2.550 m2, được bố trí tại gần khu trung tâm, chếch về phía tây bắc của dự án, gồm 6 căn bungalow, công suất phục vụ 350 khách. Khu tắm thảo dược số 1 và bungalow nằm tại khu vực phía tây bắc dự án, gần lối vào chính, gồm 16 căn bungalow, công suất phục vụ 520 khách. Khu tắm thảo dược số 2 nằm tại khu vực đông nam dự án, công suất phục vụ 454 khách.

Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng 2 nhà hàng tại khu vực cách tây bắc và đông nam dự án; trung tâm văn hoá nằm tại cánh tây nam, gần khu vực đón tiếp với công suất 900 chỗ ngồi; trung tâm hội nghị nằm ở cánh tây nam với công suất khoảng 450 chỗ ngồi...

Dự án cũ của LDG 

Phối cảnh LDG Grand Hồ Tràm. (Ảnh: LDG).

Theo tìm hiểu của người viết, vào tháng 6/2020, HĐQT của CTCP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) đã thông qua chủ trương nhận 99,9% cổ phần của các cổ đông tại Thuỷ sản Bình Minh để nhận quyền phát triển Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh. 

Thời điểm đó, LDG cho biết, dự án này rộng 222,5 ha, nằm trên trục ĐT.328, tổng mức đầu tư dự kiến 5.883 tỷ đồng, lợi nhuận thu về dự kiến 2.527 tỷ đồng.

Sau khi về tay LDG, doanh nghiệp đã đặt tên cho dự án này là LDG Grand Miền Nam. Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra năm 2021, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch 1.500 và xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

"Khi nhận chuyển nhượng, pháp lý của dự án này tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, cần điều chỉnh cho phù hợp với chủ trương mới, chiến lược kinh doanh của LDG, thay đổi cơ cấu sản phẩm hoàn toàn mới phù hợp với tình hình thị trường thực tế, với các quy định của pháp luật và tối ưu giá trị của dự án. 

Đây chỉ là vấn đề thủ tục và chúng tôi đã tiến hành thực hiện trong suốt thời gian qua và đang đi đến những bước cuối cùng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021", lãnh đạo LDG từng chia sẻ.

Tại báo cáo thường niên năm 2021, dự án LDG Grand Miền Nam được công bố có tổng mức đầu tư lên đến hơn 16.000 tỷ đồng, với tính chất là khu thương mại, dịch vụ đa chức năng, diện tích thương phẩm là 28,9 ha, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 1,1 triệu m2.

Còn trong báo cáo thường niên năm 2022, thông tin dự án đã được LDG điều chỉnh. Cụ thể, tên dự án sửa thành LDG Grand Hồ Tràm, tổng mức đầu tư 11.760 tỷ đồng, diện tích thương phẩm 49,2 ha. 

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, lãnh đạo LDG tiếp tục chia sẻ về dự án Hồ Tràm: "Đây là quỹ đất sạch, đã có quyết định, giấy phép đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh theo quy hoạch mới. Đây sẽ là dự án thứ hai được triển khai sau dự án LDG Grand Đà Nẵng".

Tính đến ngày 1/1/2022, chi phí dở dang tại dự án Bình Minh của LDG có giá trị 156 tỷ đồng. Tháng 10/2022, LDG tiếp tục đồng ý góp thêm 200 tỷ để tăng vốn cho Thuỷ sản Bình Minh. 

Tiếp tục đổi chủ, chuẩn bị khởi công

Ngày 15/12/2022, HĐQT của LDG bất ngờ thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Thuỷ sản Bình Minh. 

Theo lý giải của doanh nghiệp, năm 2022, thị trường bất động sản trải qua nhiều thăng trầm, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại và dần bị ảnh hưởng tiêu cực, cộng thêm việc lãi suất tăng cao dẫn dến dịch chuyển dòng vốn, nhà đầu tư bán lại trái phiếu để gửi Ngân hàng với lãi suất cao khiến các giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải tạm dừng. 

"Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo LDG đã đề ra những chính sách để đảm bảo hoạt động và đứng vững với biến động khó lường của thị trường, trong đó có chuyển nhượng toàn bộ cổ phần công ty sở hữu tại Thủy sản Bình Minh", trích báo cáo thường niên 2022 của LDG.

Tính đến 31/12/2022, LDG đã thoái toàn bộ vốn khỏi Thuỷ sản Bình Minh. Danh tính nhà đầu tư nhận chuyển nhượng vốn tại Thuỷ sản Bình Minh sau đó không được tiết lộ.

Nói thêm về Thuỷ sản Bình Minh, doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 4/2001, hiện có trụ sở tại phường An Khánh, TP Thủ Đức, ngành nghề chính là kinh doanh lưu trú, khách sạn.

Hiện, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Thuỷ sản Bình Minh là bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Vị này hiện đang đứng tên tại hai doanh nghiệp khác là CTCP Bất động sản Bảo Minh Châu (trụ sở quận 1, TP HCM) và CTCP Thương mại Sản xuất TTM (trụ sở TP Thủ Đức).

Trong mội báo cáo vừa công bố, Thuỷ sản Bình Minh cho biết, dự kiến đến hết tháng 9 năm nay doanh nghiệp sẽ lập và trình duyệt thiết kế cơ sở các công trình, xin cấp phép xây dựng và khởi công xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh.

Giai đoạn tháng 10/2024 - tháng 10/2026 sẽ thi công hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình. Từ tháng 11/2026 toàn dự án đi vào hoạt động.

Tổng mức đầu tư của Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh là 3.608 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của chủ đầu tư, vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ các tổ chức cá nhân. Kinh phí đầu tư cho các hạng mục công trình bảo vệ môi trường khoảng 30 tỷ đồng.