Sở TNMT TP HCM đề xuất quan trắc không khí hàng ngày

Thay vì quan trắc không khí 2 lần/ngày và 10 ngày/tháng như hiện tại, Sở TNMT đề xuất quan trắc không khí hàng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và chính quyền.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM (Sở TNMT) Nguyễn Toàn Thắng vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất tăng cường công tác quan trắc và công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.

Nhằm thông tin kịp thời và chính xác cho người dân về hiện trạng chất lượng không khí trong thời gian chờ lắp đạt mạng lưới quan trắc tự động liên tục, Sở TNMT kiến nghị tăng tần suất quan trắc thủ công. Sở đề xuất tăng thời điểm quan trắc từ 2 lần lên 3 lần/ngày và quan trắc hàng ngày thay vì 10 ngày/tháng như trước đây.

3 thời điểm quan trắc được sở đề xuất bao gồm: 7h30-8h30 (thời điểm đi làm); 15h-16h (thời điểm giao thông bình quân trong ngày); 20h-21h (thời điểm bắt đầu cho phép xe tải vào trung tâm TP và người dân tham gia các hoạt động vui chơi vào ban đêm). Sở cũng kiến nghị tăng cường quan trắc thông số bụi PM 10 và PM 2.5 (trung bình 24 giờ) tại tất cả vị trí quan trắc.

Sở TNMT TP HCM đề xuất quan trắc không khí hàng ngày - Ảnh 1.

Hiện TP HCM đang sử dụng hệ thống quan trắc thủ công. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Người dân có thể tiếp cận thông tin quan trắc hàng ngày trên web và ứng dụng điện thoại thông minh. Độ trễ của số liệu quan trắc là 5 ngày. Đây là thời gian để lấy mẫu và phân tích chỉ tiêu ô nhiễm môi trường không khí.

Các thông số được công bố gồm: Nồng độ các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng); mức ồn (7h30-8h30); bụi PM 10, PM 2.5 (trung bình 24 giờ liên tục); quy chuẩn thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Thời gian triển khai kế hoạch này từ năm 2020 đến 2022.

"Với tần suất quan trắc như hiện nay, chưa thể công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí hàng ngày để đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như cảnh báo người dân và chính quyền TP", Sở TNMT thừa nhận.

Sở TNMT TP HCM đề xuất quan trắc không khí hàng ngày - Ảnh 2.

Không khí TP HCM ở tình trạng ô nhiễm báo động thời gian qua. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Đây là giải pháp đặc biệt tạm thời được Sở TNMT đề xuất trong thời gian chờ đầu tư trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo Luật Đầu tư công. Theo kế hoạch, năm 2022 các trạm này mới có thể đi vào vận hành chính thức. 

TP HCM đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc (19 vị trí giao thông; 3 vị trí môi trường nền, 4 vị trí ở khu dân cư, 4 vị trí ở khu công nghiệp).

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.