Sơn La muốn xây sân bay gần 2.300 tỷ đồng trong 10 năm tới

UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ GTVT bổ sung dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 2.295 tỷ đồng

Đây là nội dung trong công văn mới nhất được UBND tỉnh Sơn La gửi Bộ GTVT, về việc tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thông tin từ báo Đầu tư.

Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ GTVT quan tâm đưa cảng hàng không Nà Sản vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030; đề nghị bổ sung dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 2.295 tỷ đồng.

Nguồn vốn kết hợp từ ngân sách trung ương, vốn doanh nghiệp Nhà nước (ACV), vốn địa phương (để giải phóng mặt bằng) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Sơn La muốn xây sân bay gần 2.300 tỷ đồng trong 10 năm tới - Ảnh 1.

Hiện khu vực Tây Bắc có 2 sân bay quân sự là Điện Biên và Nà Sản. Sân bay Nà Sản dừng khai thác từ năm 2004 do xuống cấp. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, đơn vị tư vấn kiến nghị đề xuất đưa Cảng hàng không Nà Sản ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Lý do là nhu cầu di chuyển qua sân bay Nà Sản ước tính ở mức thấp, chỉ đạt 0,5 triệu hành khách/năm đến 2030. Do đó, sự hiệu quả về kinh tế của cảng hàng không Nà Sản chưa cao và kinh phí đầu tư cũng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Sơn La cho rằng cảng hàng không Nà Sản nằm ở trung tâm khu vực Tây Bắc và sẽ là sân bay chính trong chiến lược phòng thủ quốc gia, sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn nguy về quốc phòng cũng như công tác tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, tỉnh này cho rằng sân bay Nà Sản sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, kết nối hạ tầng giao thông, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Sơn La cho rằng việc di chuyển gần 7 giờ (hơn 300 km) để đến sân bay Nội Bài đang là rào cản lớn trong việc thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư.

Trước đó, vào tháng Một, UBND tỉnh Ninh Bình cũng có công văn gửi Bộ GTVT, đề nghị xem xét bổ sung một vị trí cảng hàng không tại địa phương vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Vị trí xây dựng cảng hàng không được UBND tỉnh Ninh Bình cân nhắc giữa huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.

Hiện nay, tại Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay có hoạt động bay dân sự, trong đó có 10 sân bay quốc tế.

Đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, trong đó có 13 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa.


chọn
Sắp xây toà nhà cao thứ ba Hà Nội?
Toà nhà Landmark 55 có tổng mức đầu tư 5.934 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội, sau Keangnam Landmark và Lotte Center Hà Nội (65 tầng). Chủ đầu tư Taseco Land cho biết dự kiến quý II/2024 xin giấy phép xây dựng, quý III/2024 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.