Theo báo cáo của UBND huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) thì tình trạng voi rừng xuất hiện và tàn phá trên địa bàn huyện từ năm 2014 gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa tính mạng con người và khiến người dân địa phương rất bức xúc. Sau một thời gian tạm lắng xuống, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11/2015 đến nay, cá thể voi rừng này bắt đầu “làm loạn” trở lại. Nơi voi quấy phá nhiều nhất là khu vực Bản Kéo, xã Huổi Một, huyện Sông Mã.
Cụ thể: Trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2015 đến ngày 26/6/2016, voi rừng liên tục xuất hiện, tàn phá mùa màng và giết hại gia súc của người dân ở Bản Kéo. Đã có 5 con bò và một con trâu của dân bản bị voi rừng giết chết; 6 người dân bản bị voi rừng truy đuổi đe dọa tính mạng, trong đó có hai vợ chồng ông Vì Văn Pành và bà Lò Thị Thiêm bị voi gây thương tích.
Hình ảnh cá thể voi quấy phá ở Sông Mã được ghi lại năm 2013. |
Ám ảnh "voi điên"
Thống kê của UBND huyện Sông Mã cho thấy, từ năm 2014 đến nay, cá thể voi rừng này đã gây ra 156 vụ phá hoại mùa màng, tài sản và đe dọa tính mạng người dân ở Bản Kéo, xã Huổi Một. Tổng giá trị tài sản của người dân (gồm gia súc, ruộng nương, nhà cửa, chuồng trại và các loại tài sản khác) trong những lần voi tàn phá là gần 440 triệu đồng (trong đó, năm 2014 thiệt hại gần 116 triệu đồng; năm 2015 thiệt hại hơn 145 triệu đồng; năm 2016 thiệt hại hơn 178 triệu đồng).
Trước tình trạng trên, UBND huyện Sông Mã đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tổ chức các chuyến công tác về địa bàn để ghi nhận thiệt hại và hướng dẫn người dân đối phó với loài động vật hoang dã này. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, tình trạng voi rừng phá hoại tài sản, đe dọa tính mạng người dân vẫn liên tục tái diễn khiến bà con rất hoang mang, bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV Việt Nam Mới, cá thể voi rừng đang tàn phá ở Bản Kéo, xã Huổi Một, huyện Sông Mã vốn thuộc một đàn voi rừng gồm 3 cá thể thường xuyên xuất hiện và di chuyển tại khu vực biên giới Việt Lào từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20 (khu vực thường xuyên xuất hiện là xã Mường Cai, huyện Sông Mã).
Đầu những năm 2000, hai cá thể voi trong đàn voi này bị bắn hạ khiến con voi cái còn lại bỗng trở nên hung dữ khác thường. Năm 2004, con voi này quật chết một người dân địa phương ở xã Phiêng Cằm (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Năm 2012, nó tiếp tục tấn công, đâm lún sọ và gãy xương sườn cho một người dân ở bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu. Từ năm 2014 đến nay, cá thể voi này liên tục xuất hiện và càn quấy ở hai xã Huổi Một và xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã) khiến người dân địa phương rất hoang mang.
Theo dấu voi rừng ở Sơn La. |
Tổng cục Lâm nghiệp vào cuộc
Trao đổi với PV Việt Nam Mới, ông Vũ Đức Thuận, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết, tình trạng voi rừng “náo loạn” ở huyện Sông Mã đã gây bức xúc trong dư luận người dân địa phương trong nhiều năm qua. Chính quyền các cấp của tỉnh Sơn La cũng nhiều lần phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị chuyên môn địa phương họp bàn tìm ra phương án giải quyết vấn nạn voi dữ nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào thật sự hữu hiệu.
“Từng có ý kiến đề xuất đưa con voi vào vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn để nó sinh sống nhưng phương án này cũng chưa hẳn đã hoàn toàn khả thi. Vì hiện nay việc tiếp cận và bắt được nó đã là cả vấn đề khó khăn rồi”, ông Thuận nói.
Vẫn theo ông Thuận, để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên, mới đây, ngày 10/9, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã cử đoàn cán bộ lên tỉnh Sơn La, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Sơn La tổ chức đoàn công tác vào xã Huổi Một, huyện Sông Mã để khảo sát, điều tra cụ thể về tình trạng voi rừng tàn phá mùa màng, phá hoại tài sản và đe dọa cuộc sống người dân ở đây.
“Hiện công tác điều tra, nghiên cứu về loài voi dữ này vẫn đang được tiến hành. Khi nào có kết quả nghiên cứu chính xác, cụ thể về con voi này thì mới có thể đưa ra phương án giải quyết hợp lý và hiệu quả nhất”, ông Thuận cho biết.
Hòa Thắng