Báo cáo ngành bất động sản mới nhất của SSI cho thấy, giá nhà tại TP HCM sẽ tăng 7-10% trong năm nay do giá đất hoặc giá dự án đầu vào tăng và nguồn cung hạn chế. Còn giá nhà ở Hà Nội sẽ tăng thấp hơn, dao động 2-3%.
Riêng nửa cuối năm 2020, doanh số bán mới có thể thấp hơn cùng kì năm 2019 do tổng nguồn cung vẫn hạn chế.
Theo đánh giá của SSI, vấn đề pháp lí của các dự án bất động sản thường mất nhiều năm để giải quyết và tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2021. Theo đó, giá nhà ở TP HCM vẫn có xu hướng tăng 5-7%.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình trong năm 2020 vào khoảng 10%. Một số chủ đầu tư đã mở rộng ra các khu vực lân cận đô thị trung tâm và vùng ngoại ô để phát triển.
Báo cáo của SSI cũng dẫn ra phân khúc township đang được các chủ đầu tư tập trung phát triển và cũng nhận được sự quan tâm tích cực từ người mua trong thời gian gần đây.
Mặt khác, báo cáo của SSI cũng đề cập đến một số thay đổi trong cơ cấu ngành bất động sản sau COVID-19.
Cụ thể, các chung cư cao cấp có giá bán trung bình trên 60 triệu đồng/m2 ghi nhận lượng giao dịch giảm đến 30% trong 6 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh đó, các căn hộ có giá thuê cao trên 1.000 USD/căn/tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Giá chào thuê trung bình giảm 20-25% bởi nhiều yếu tố: Thiếu vắng nhu cầu từ người thuê, giảm khách du lịch nước ngoài, khoản chi tiêu cho thuê nhà bị cắt,…
Lợi suất cho thuê căn hộ trung bình giảm 0,3-0,5 điểm cơ bản so với mức trước dịch. Lợi suất ở TP HCM dao động 4,5-6,2%, còn Hà Nội khoảng 4-5,4% mỗi năm.
Kết quả khảo sát của SSI cho thấy, khoảng 38-40% người dân trong nước vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư an toàn. Việc làm tại nhà không phải là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến việc mua bất động sản nhà ở.
Đà tăng trưởng của thị trường phụ thuộc vào tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh lãi suất tăng trưởng thấp. Ngoài ra, bất động sản thấp tầng có pháp lí, quyền sử dụng đất minh bạch cũng trở nên hấp dẫn với người mua nhà, SSI dự báo.