SSI: Mục tiêu 2.000 tỷ đồng lợi nhuận của Kinh Bắc có thể bị đe doạ bởi làn sóng dịch bệnh

"Do Bắc Giang và Bắc Ninh là hai tỉnh có các KCN trọng yếu của Kinh Bắc, đợt bùng phát hiện tại đã tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của công ty", SSI nhận định.
SSI: Mục tiêu 2.000 tỷ đồng lợi nhuận của Kinh Bắc có thể bị đe doạ bởi làn sóng dịch bệnh - Ảnh 1.

KCN Vân Trung - Bắc Giang. (Ảnh: IIP Vietnam).

Hiện tại KCN Quang Châu, động lực tăng trưởng chính năm 2021 của Kinh Bắc (mã: KBC) đang ngừng hoạt động. Theo SSI, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các khách thuê hiện tại như Foxconn hay Hosiden – nhà cung cấp cho Samsung), mà còn có thể làm chậm trễ việc bàn giao đất cho khách hàng mới.

Đồng thời, hoạt động bán và cho thuê đất tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và khu đô thị (KĐT) Phúc Ninh tại tỉnh Bắc Ninh cũng có thể bị chậm lại do bùng phát dịch tại địa phương này. Do đó, SSI dự tính đợt bùng phát dịch bệnh này có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Kinh Bắc ít nhất đến quý II.

Theo SSI, mảng cho thuê đất khu công nghiệp ước tính đóng góp 70% kế hoạch năm về lợi nhuận sau thuế và phần còn lại đến từ mảng bán đất khu đô thị của Kinh Bắc. Năm nay, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 6.600 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 167% và 525% so với thực hiện 2020.

Kế hoạch này dựa trên việc bàn giao 195 ha đất KCN tại dự án chính đang hoạt động gồm NSHL, Quang Châu, Tân Phú Trung và 8,4 ha đất khu đô thị tại KĐT Phúc Ninh và KĐT Tràng Duệ.

Miệt mài gom đất

Theo dữ liệu từ SSI, hiện Kinh Bắc sở hữu trực tiếp và gián tiếp khoảng 4.700 ha đất KCN, chiếm xấp xỉ 6,4% tổng diện tích đất KCN đã hoạt động trên cả nước. Kinh Bắc đang lên kế hoạch mở rộng quỹ đất tại các tỉnh thành phố khác, bao gồm Hải Dương (800 ha), Hà Nội (400 ha) và Thái Nguyên (1.000 ha) tại miền Bắc và Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu tại miền Nam.

Trước đó, trong tháng 2, Kinh Bắc đã thành lập ba công ty con để đầu tư các dự án ở Hưng Yên, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, Kinh Bắc đã trúng thầu gần 220 ha đất KCN tại Long An trong năm 2020 và hiện đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Bên cạnh quỹ đất KCN, hiện doanh nghiệp cũng sở hữu xấp xỉ 918 ha quỹ đất KĐT. Trong đó đã giải phóng mặt bằng 88%. Về KĐT Phúc Ninh tọa lạc tại tỉnh Bắc Ninh, công ty đã bán 28,3 ha và được phê duyệt các thủ tục liên quan vào cuối năm 2020. Do đó kỳ vọng sẽ đủ điều kiện ghi nhận thêm doanh thu bán đất vào năm 2021.

KĐT Tràng Cát với vị trí gần trung tâm TP Hải Phòng, đã giải phóng mặt bằng 511 ha trên tổng số 585 ha. Kinh Bắc cũng thanh toán 3.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào tháng 12/2020 sau gần 10 năm chưa triển khai. Hiện tại, công ty đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi mở bán dự án.

Ngoài ra, tại thời điểm cuối năm 2020, công ty đã được chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp phép phát triển dự án KĐT Nam Vũng Tàu (69,5 ha). Theo kế hoạch đây sẽ là khu tổ hợp bao gồm bất động sản thấp tầng và cao tầng cũng như trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư ước tính là 4.600 tỷ đồng.

Hưởng lợi từ dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam

Trong dài hạn, SSI dự báo vốn FDI vào Việt Nam duy trì ổn định với nhiều hiệp định FTA có hiệu lực. Đại dịch COVID-19 khiến các công ty phải đa dạng hóa hoạt động sản xuất để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam nhìn chung sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng này, đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo SSI, một số tập đoàn lớn đã thực hiện điều đó, như Microsoft, Google, Panasonic, Foxconn,…

Do vậy, nhu cầu thuê đất KCN vẫn duy trì ổn định, đặc biệt tại các trung tâm KCN với vị trí giao thông thuận tiện cho hàng không/cảng biển và chính sách đầu tư hợp lý. Kinh Bắc cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ để tài trợ cho hoạt động tích lũy quỹ đất KCN, mở rộng quy mô nhằm nắm bắt xu hướng thuận lợi này. 


Năm 2022, các KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung được dự báo sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu chính với dự án KCN Tràng Duệ - Giai đoạn ba có thể bắt đầu đóng góp lợi nhuận.

Ngoài ra, SSI dự đoán Kinh Bắc sẽ bán một phần KĐT Tràng Cát cho nhà đầu tư thứ cấp. Với quy mô rất lớn, việc bắt đầu triển khai kinh doanh dự án này sẽ có thể đóng góp đáng kể cho công ty. Do đó, dự kiến doanh thu cốt lõi của Kinh Bắc năm 2022 có thể ở mức cao với 9.400 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.800 tỷ đồng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.