SSI: Tập đoàn Cao su có thể thu về 28.000 tỷ đồng từ chuyển đổi đất cao su sang khu công nghiệp

Theo SSI, giai đoạn 2025 - 2030, Tập đoàn Cao su dự kiến chuyển đổi đất từ trồng cây cao su sang phát triển khu công nghiệp với diện tích đạt khoảng 15.000 ha, với lợi nhuận từ đền bù đất có thể đạt 28.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới đây của SSI Research, trong giai đoạn 2025 - 2030, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) dự kiến chuyển đổi đất từ trồng cây cao su sang phát triển khu công nghiệp với diện tích đạt khoảng 15.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các công ty như Cao su Đồng Nai, Cao su Dầu Tiếng, Cao su Đồng Phú, Phước Hòa, Bà Rịa, Tân Biên. 

Đơn vị phân tích này ước đạt lợi nhuận từ đền bù đất cao su của Tập đoàn Cao su có thể đạt 28.000 tỷ đồng trong giai đoạn này. 

Riêng tại CTCP Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) - một công ty con của Tập đoàn Cao su, đơn vị này dự kiến chuyển nhượng 1.619 ha đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp trong giai đoạn 2025 - 2030, doanh thu từ đền bù đất trên cây cao su ước đạt 2.429 tỷ đồng. 

Trước đó, trong năm nay, Cao su Đồng Phú cũng dự kiến chuyển giao cho UBND tỉnh Bình Phước 100 ha đất để phát triển Cụm công nghiệp Tiên Hưng 1 với giá trị đạt 118,6 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thành viên khác cùng nhóm Tập đoàn Cao su như Cao su Đồng Nai, Cao su Phước Hòa, Cao su Tân Biên, Cao su Phú Riềng,... cũng được dự báo sẽ có diện tích chuyển đổi lớn trong thời gian tới theo quy hoạch của Chính phủ. 

Theo Quy hoạch các khu công nghiệp Đồng Nai, diện tích khu công nghiệp được Thủ tướng chính phủ phê duyệt sử dụng đất cao su chuyển đổi đạt 6.760 ha (chiếm 91% tổng diện tích) đến 2025 và 2.000 ha cho giai đoạn 2025 - 2030 (chiếm 48% tổng diện tích). 

Tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích đất cao su chuyển sang khu công nghiệp trong giai đoạn đến 2025 lần lượt ước đạt 3.084 ha, 2.994 ha và 3.933 ha. 

 

SSI nhận định, việc chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp sẽ giúp cung cấp nguồn cung mới trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đã đạt trên 93%. 

Mặt khác, việc chuyển đổi này sẽ có nhiều lợi thế như diện tích đất liền thửa lớn, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh khi hành lang pháp lý về định giá đất rõ ràng, cũng như chi phí san lấp mặt bằng thấp do vùng đất cho độ cứng cao. 

Song, dựa vào các giao dịch hiện tại và trao đổi với các doanh nghiệp trong ngành, chi phí đền bù đất trồng cây cao su dự kiến có thể tăng 30 - 50% so với chi phí các giao dịch trong quá khứ và áp dụng theo các phương pháp định giá từ Luật đất đai sửa đổi (sẽ được áp dụng từ năm 2025). 

Với việc chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng, SSI cho rằng biên lợi nhuận gộp các khu công nghiệp mới có thể giảm về mức 25 - 30% so với mức hơn 42% của các dự án hiện đang hoạt động.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...