Mẹ hot girl 9x gợi ý thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé dưới 1 tuổi | |
Thực đơn ăn dặm 'chuẩn không cần chỉnh' của mẹ 8X |
Ăn dặm 3in1 là phương pháp ăn dặm kết hợp cả 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay là ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm bé chỉ huy BLW và ăn dặm truyền thống. Anh Hoàng Quang Cường là người sáng lập của group Ăn dặm 3in1 (Ăn Dặm Từ Trái Tim), đồng thời sáng lập app di động cho mẹ và bé famiedu. Anh Hoàng Cường cũng được coi là người phổ biến, đưa khái niệm ăn dặm 3in1 gần gũi hơn đến cộng đồng các mẹ nuôi con nhỏ. Ít ai biết “chuyên gia ăn dặm” này lại từng là một kĩ sư cầu đường và hoàn toàn “mù tịt” về ăn dặm. Cùng trò chuyện với anh Hoàng Cường về những tâm huyết với ăn dặm và mong muốn các con được tôn trọng trong từng bữa ăn.
Anh Hoàng Cường - tác giả phương pháp ăn dặm 3in1. (Ảnh: NVCC) |
- Xin chào anh Hoàng Cường, được biết anh là sáng lập viên của Ăn Dặm 3in1, nhân duyên nào đưa anh đến công việc đáng lẽ ra chỉ dành cho những bà mẹ có con nhỏ này?
- Câu chuyện này kể ra thì dài lắm. Nhưng tóm gọn lại đoạn cuối cùng, thì do là mình nhận thấy công việc kĩ sư cầu đường mất quá nhiều thời gian, dành cho gia đình, nhất là thời gian dành cho con gái, vậy là mình quyết định nghỉ việc.
Rồi đi học đầu bếp theo sở thích, trong thời gian đó mình có nấu các món ăn cho con gái và đăng các clip con ăn lên Facebook, thấy lượt tương tác tăng bất ngờ rất nhiều mẹ hỏi và muốn được chia sẻ về cách nấu và rèn thói quen ăn uống cho con như con gái mình.
Từ đó mình mới để ý tìm hiểu và thấy nhiều gia đình bây giờ cho con ăn uống cực khổ quá, hầu hết là do sai ngay từ khi ăn dặm.
Vậy là mình mới quyết định sẽ làm cái gì đó để thay đổi việc ăn uống của các con ngay từ gốc, đó là phải đúng ngay từ khi ăn dặm. Từ đó mình dấn thân vào “cộng đồng bỉm sữa” này.
- Có thể nói anh là chuyên gia trong lĩnh vực ăn dặm, được nhiều mẹ tin tưởng và hỏi xin tư vấn. Trước đó anh đã mất bao nhiêu thời gian để được như bây giờ? Anh có thể chia sẻ quá trình anh tìm tòi, học hỏi về ăn dặm 3in1 được không?
Mình chỉ là một người bố có kinh nghiệm chăm sóc con cùng vợ, sau đó nghiên cứu tổng hợp lại các kiến thức về ăn dặm từ các nguồn chính thống và tạo ra một phương pháp ăn dặm linh hoạt và thông minh cho tất cả các con. Đến hiện tại thì mình có khoảng 8 tháng hoạt động trong lĩnh vực này.
Mình hiểu được việc để giúp đỡ được người khác thì đầu tiên mình phải có kiến thức đã. Do đó ngay trong tháng đầu tiên khi bắt đầu làm group mình đã đọc gần như thuộc lòng 5 cuốn sách phổ biến nhất về ăn dặm tại Việt Nam, sau đó cộng với kinh nghiệm chăm con của 2 vợ chồng, mình livestream liên tục trên group và Facebook cá nhân để tư vấn cho các mẹ về ăn dặm cho con. Cứ mỗi lần tư vấn là một lần mình lại càng phải đào sâu và nghiên cứu thêm những kiến thức mới, vì vậy mà vốn kiến thức của mình tăng tương đối nhanh.
Có những ngày mình có 5 livestream để tư vấn cho các mẹ. Mình làm nhiều như vậy vì mình biết các mẹ rất khát kiến thức đúng đắn giữa một rừng thông tin loạn chiều trên mạng. Mình giúp đỡ đưa các kiến thức đúng đắn từ sách vở, từ những nguồn đáng tin cậy đến cho các mẹ thay vì cứ phải lên mạng tìm những thông tin không được kiểm chứng. May mắn là được các mẹ đón nhận rất nhiệt tình.
Anh Hoàng Cường trong một buổi chia sẻ kiến thức và cách chế biến ăn dặm cho các bà mẹ có con nhỏ. (Ảnh: NVCC) |
- Khi bắt đầu xây dựng nhóm Ăn dặm 3in1, mong muốn của anh là gì? Hình như anh là người đầu tiên đưa khái niệm ăn dặm 3in1 này, phổ biến đến các mẹ con nhỏ?
- Khi mới bắt đầu xây dựng thì mình muốn hướng dẫn các mẹ cách kết hợp 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay làm sao cho linh hoạt và thông minh nhất để phù hợp với điều kiện các gia đình. Vì nếu chỉ sử dụng một phương pháp thì chắc chắn nhược điểm sẽ lộ ra và gây ra nhiều vấn đề trong quá trình ăn dặm của con. Và trong quá trình chia sẻ thì mình biên soạn thành phương pháp ăn dặm 3in1 và mình là tác giả.
- Bé nhà anh hiện theo phương pháp ăn dặm nào? Chắc là ăn dặm 3in1 chứ? Có chồng là “chuyên gia ăn dặm”, vợ anh có lẽ nhàn tênh và không bị stress như các mẹ khác khi con đến tuổi ăn dặm?
- Con gái mình hiện thì đã gần 4 tuổi rồi, thật ra trước đây con gái mình ăn theo truyền thống kết hợp với ADKN chứ không ăn BLW. Khi đó mình cũng có nghiên cứu về ADKN để hỗ trợ mẹ và bà trong việc chế biến thực phẩm, rồi cũng tập cho con dùng sử dụng thìa và đũa rất sớm (vì trong phương pháp ADKN 9 tháng trẻ cũng bắt đầu được ăn bốc rồi). Trộm vía hơn 1 tuổi là bạn ấy ngồi xúc ăn thành thạo rồi, và 2 tuổi là cầm đũa ăn được.
Vì vợ chồng mình có tư duy tương đối mở về việc cho con ăn uống nên cũng không đến nỗi stress về việc con ăn, mặc dù nhiều lúc bị chê là nuôi con còi.
Còn về việc stress khi nuôi con, mình nghĩ là do các mẹ chưa tìm hiểu kĩ về việc ăn uống của con thôi. Nếu nắm rõ được con lúc nào cần ăn cái gì, ăn bao nhiêu, ăn như thế nào thì mọi muộn phiền tự tan biến.
Bé Kem nhà anh Cường biết tự ăn bằng thìa khi 17 tháng tuổi. (Ảnh chụp từ clip) |
Bé tự dùng đũa ăn thành thạo khi 2 tuổi. |
- Những năm gần đây, ăn dặm kiểu Nhật và BLW nổi lên và được nhiều mẹ ưa chuộng, ăn dặm truyền thống bị mang nhiều “tiếng xấu” như hạn chế khả năng nhai, cảm nhận mùi vị thức ăn của con, con ăn không chủ động, không có niềm vui trong ăn uống. Trong khi đó anh lại đưa ra ăn dặm 3in1, kết hợp cả hai phương pháp ăn dặm ưa chuộng kia cùng với ăn dặm truyền thống.
Với kinh nghiệm của mình, theo anh ăn dặm truyền thống có những ưu điểm gì? Và làm thế nào để khắc phục những nhược điểm của nó?
- Phương pháp nào thì nó cũng có ưu và nhược điểm riêng cả. Phương pháp ăn dặm truyền thống đúng là có nhược điểm là làm cho con không cảm nhận được mùi vị, ngoài ra những nhược điểm khác ví dụ hạn chế khả năng nhai, con ăn không chủ động và không có niềm vui trong ăn uống đều do người lớn cho ăn sai cách thôi. Nếu cho ăn đúng phương pháp ví dụ tăng độ thô dần, thiết lập QUY TẮC BÀN ĂN ngay từ đầu cho con thì sẽ không có những nhược điểm như con không biết nhai hoặc ăn uống không tập trung.
Mình đưa ADTT vào phương pháp của mình là bởi vì hầu hết thời gian ban ngày ông bà hoặc giúp việc ở nhà chăm cháu, rất khó để có thể cho con ăn kiểu Nhật hoặc BLW được nên vẫn cần cho ăn kiểu truyền thống. Kết hợp với phương pháp chế biến và cấp đông đồ siêu tốc của mình nữa thì ông bà ở nhà nấu bát cháo cho cháu chỉ mất 5 phút thôi nên rất tiện lợi. Rồi tối bố mẹ về mới áp dụng các phương pháp ăn dặm khác.
- Là một người bố, anh đánh giá, nhìn nhận như thế nào về vai trò, trách nhiệm của các ông bố trong việc nuôi dạy con cái, cụ thể ở đây là khi con ăn dặm?
- Với mình thì người bố có vai trò quan trọng không khác gì mẹ trong việc nuôi dạy con cái cả. Rất mừng là hiện nay đã rất nhiều ông bố nhận biết và quan tâm đến điều này rồi.
Việc ăn dặm thì tùy điều kiện gia đình mà bố đều có thể tham gia vào mọi khâu trong việc ăn uống của con để giảm tải cho mẹ hoặc ông bà. Ví dụ bố nào biết nấu thì có thể giúp chế biến thực phẩm, khéo hơn thì cho con ăn, rồi dọn dẹp. Nhiều khi con được bố cho ăn lại tập kĩ năng và tự lập nhanh hơn vì ăn với mẹ hoặc bà còn hay nhõng nhẽo.
Những “bố bỉm” như này bây giờ cũng không hiếm gặp nữa vì thế hệ trẻ bây giờ hầu hết đã có tư duy mới, con mình mình chăm chứ sao mà phải ngại. Giờ người ta nể mấy ông bố trốn nhậu về với vợ con cơ.
Anh Hoàng Cường bên vợ và con gái. (Ảnh: NVCC) |
- Giai đoạn con ăn dặm là giai đoạn dễ gây stress nhất cho các mẹ. Theo anh, tại sao lại như vậy? Các mẹ thường mắc lỗi gì nhất khi cho con ăn dặm?
- Ăn dặm thì giai đoạn nào cũng có thể stress. Vì nếu các mẹ không có đủ kiến thức về ăn dặm, không biết giai đoạn nào ăn ra làm sao, giai đoạn nào con sẽ biếng ăn, con ăn bao nhiêu là đủ, ăn thế nào là đúng, rồi gặp thêm áp lực về chiều cao cân nặng từ ông bà và người thân và mình không vững vàng thì stress là điều không tránh khỏi.
Lỗi mắc phải thì nhiều lắm nhưng có 2 vấn đề gây nên hậu quả rất trầm trọng sau này là cho ăn dặm quá sớm (nhỏ hơn 5 tháng) và ép con ăn một cách mù quáng. Tất cả đều do thiếu kiến thức.
- Trong quá trình tư vấn cho các mẹ về ăn dặm, tình huống nào, trường hợp nào khiến anh nhớ và ấn tượng nhất?
- Mỗi ngày mình tư vấn cho cả trăm mẹ nên nhiều chuyện vui buồn lắm. Những câu chuyện mình nhớ nhất đó là những câu chuyện về ông bà bóp mồm đổ thức ăn để bắt cháu ăn, rồi mẹ ép con ăn đến biếng ăn tâm lý, cự tuyệt hoàn toàn về ăn uống.
- Điều gì khiến anh muốn gắn bó và dồn tâm huyết của mình cho ăn dặm? Như đã nói, nó vốn chỉ dành cho các bà các mẹ. Rất ít và hiếm có ông bố nào quan tâm đến chuyện ăn dặm của con?
- Việc bố hay mẹ quan tâm đến ăn dặm thì mình nghĩ không quan trọng lắm. Đối với bản thân mình thì sau khi tìm được sứ mệnh của mình là: “Chăm sóc sức khỏe và trí tuệ trẻ em” thì mong muốn của mình về chuyện ăn uống rất đơn giản thôi. Là làm sao để các con được ăn theo nhu cầu của mình và bố mẹ tôn trọng bữa ăn của con. Ăn uống phải là niềm vui. Bây giờ các con ăn uống cực khổ quá, cái cân lúc nào cũng treo trên đầu ông bà bố mẹ và nó tạo áp lực cuối cùng làm khổ các con. Mà muốn đúng được thì nên đúng ngay từ khi ăn dặm. Sau này mà sai rồi thì sửa rất lâu và hậu quả rất lớn, vì vậy mình muốn giúp đỡ bố mẹ đúng ngay từ đầu.
- Anh có nghĩ việc làm của mình có thể dần thay đổi quan niệm của các ông bố, rằng việc chăm con nhỏ là việc chung, chồng nên san sẻ công việc với vợ không?
- Một mình mình thì chẳng thế quay đổi ngay được quan niệm của cả một thế hệ, nhưng mình mong những việc mình làm sẽ tạo động lực cho các bố mẹ khác quan tâm nhiều hơn đến các kiến thức về nuôi dạy con, chỉ khi bố mẹ có kiến thức thì con mới được chăm sóc tốt nhất.
Sinh con là bản năng
Làm cha mẹ là thiên chức
Nuôi con là trách nhiệm
Muốn nuôi con tốt thì phải có KIẾN THỨC
Mà muốn có kiến thức thì phải HỌC
Đó là điều cốt lõi mình muốn nói với các bố mẹ. Không ai sinh ra tự nhiên mà đã là bố mẹ thông thái cả. Tất cả đều phải HỌC!
- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này!