Trong quí III/2020, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT) ghi nhận doanh thu thuần 3.432 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kì năm ngoái. Công ty kiểm soát giá vốn hàng bán tốt hơn nên lợi nhuận gộp chỉ giảm 14%, còn 476 tỉ đồng.
Chi phí bán hàng tăng thêm 35 tỉ đồng trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm 11 tỉ đồng, góp phần khiến FPT Retail lỗ sau thuế 6,7 tỉ đồng. Tuy nhiên đa phần số lỗ này thuộc về cổ đông thiểu số, các cổ đông công ty mẹ chỉ phải gánh lỗ gần 236 triệu đồng. Trong quí III năm ngoái, FPT Retail có lãi sau thuế gần 72 tỉ đồng.
Giải trình về nguyên nhân chuyển từ lãi thành lỗ sau một năm, lãnh đạo FPT Retail cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của công ty, sức mua của thị trường giảm đáng kể đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và mặt hàng giá trị cao.
Ngoài ra, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tiếp tục mở rộng từ 50 cửa hàng vào cuối quí III/2019 lên thành 176 cửa hàng vào cuối quí III năm nay. Do FPT Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chi phí đầu tư tăng, dẫn đến chi phí bán hàng trên báo cáo hợp nhất tăng gần 35 tỉ đồng so với cùng kì như đã nói ở trên.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty có doanh thu thuần 10.729 tỉ đồng và lãi sau thuế 9,2 tỉ đồng, giảm lần lượt 14% và 96% so với cùng kì 2019.
Tổng tài sản của FPT Retail tại ngày 30/9/2020 là hơn 4.752 tỉ đồng, giảm 1.842 tỉ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, đi xuống mạnh nhất là hàng tồn kho với mức giảm 1.372 tỉ đồng, tiền và tương đương tiền cũng giảm 353 tỉ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của FPT Retail đều dương. Tuy nhiên dòng tiền từ hoạt động tài chính lại âm hơn 1.600 tỉ đồng do công ty thu từ đi vay khoảng 9.200 tỉ đồng nhưng trả nợ gốc vay lên tới gần 10.750 tỉ và chia cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu gần 80 tỉ.
Cuối quí III, FPT Retail còn gần 500 tỉ đồng tiền và tương đương tiền, trong khi đầu năm là 852 tỉ đồng.
Bên phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FPT Retail không thay đổi nhiều trong khi nợ phải trả giảm gần 1.800 tỉ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đi xuống hơn 1.300 tỉ đồng, ngoài ra khoản mục phải trả người bán ngắn hạn cũng giảm hơn 600 tỉ đồng.
Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn cuối quí III là gần 75%, giảm so với mức gần 81% ngày đầu năm 2020.