Tài sản ông Nguyễn Văn Đạt vượt 1 tỷ USD, Phát Đạt hiện có bao nhiêu tiền?

Với đà tăng trưởng của cổ phiếu PDR, tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt, cổ đông lớn nhất đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty cũng tăng về thứ hạng trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kết phiên giao dịch ngày 14/6, cổ phiếu PDR của Phát Đạt đóng cửa tại mức 91.400 đồng/cp, tăng hơn 77% tính từ đầu năm đến nay và tăng hơn 261% trong một năm qua. Đây cũng là đỉnh giá mới của PDR kể từ khi niêm yết. Vốn hóa của doanh nghiệp ghi nhận gần 44.491 tỷ đồng, gấp gần 8,7 lần ngày đầu giao dịch trên HOSE (30/7/2010).

Đồng thời, thanh khoản phiên hôm nay của cổ phiếu PDR cũng đạt kỷ lục tính từ đầu năm đến nay với gần 8,3 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Biến động giá cổ phiếu PDR (trái) và biến động giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh: TradingView).

Với diễn biến giá cổ phiên liên tục tăng, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt đã góp mặt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 và đã vươn từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 6, tính đến hiện tại. Tài sản ròng của ông Đạt xếp sau Chủ tịch Vingroup, Hòa Phát, Novaland, Techcombank và Masan.

Hiện nay, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt sở hữu xấp xỉ 298 triệu cp, ứng với giá trị hơn 27.237 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tính theo giá đóng cửa phiên hôm nay và chiếm hơn 61% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, hai người con của ông Đạt sở hữu hơn 5,4 triệu cp PDR, tính đến đầu năm 2021.

Tài sản ông Phan Văn Đạt vượt 1 tỷ USD, Phát Đạt có bao nhiêu tiền mặt? - Ảnh 2.

Ông Đạt từng chia sẻ với cổ đông, việc ông sở hữu số lượng lớn cổ phiếu PDR không quan trọng bằng việc minh bạch và hiệu quả của doanh nghiệp. "Nếu có đối tác nào muốn tham gia, tôi sẵn sàng giảm tỷ lệ sở hữu, miễn sao kinh doanh tuân thủ pháp luật và đem lại hiệu quả nhất cho công ty", ông Đạt nói.

Tính đến hết tháng 3 năm nay, tổng tài sản của Phát Đạt vượt 17.363 tỷ đồng, tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm và gấp 2,3 lần quy mô tài sản vào cuối năm 2015. 

Trong đó, phần lớn tài sản của doanh nghiệp là hàng tồn kho với tổng giá trị hơn 10.600 tỷ đồng, bao gồm gần 4.500 tỷ từ The EverRich 3 và The EverRich 2 (The River City) tại Quận 7, TP HCM đã thu tiền từ đối tác nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc chuyển nhượng do chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Vài năm trở lại đây, Phát Đạt đã M&A một số doanh nghiệp, qua đó nắm quyền phát triển dự án như Tropicana Bến Thành, Long Hải (tồn kho 1.988 tỷ đồng), dự án Phước Hải (tồn kho 1.371 tỷ đồng) và gần đây nhất là dự án Bình Dương Tower có tổng mức đầu tư dự kiến 5.600 tỷ đồng.

So với một số doanh nghiệp cùng ngành, tổng tài sản của Phát Đạt lớn hơn Khang Điền, Hà Đô và xấp xỉ bằng tài sản Nam Long.

Song, tỷ trọng tiền mặt trên tổng tài sản của Phát Đạt duy trì ở mức rất thấp, dao động 0,3-1,7% trong giai đoạn 2015-2020. 

Chỉ riêng cuối năm 2019, Phát Đạt ghi nhận 646 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chiếm hơn 4,6% giá trị tài sản và đây cũng là tỷ trọng cao nhất tính từ cuối năm 2015.

Tại ngày 31/3, tiền và tương đương tiền trên tổng tài sản của Phát Đạt ghi nhận 0,05%, trong khi tỷ trọng này tại Khang Điền trên 10%, Nam Long 6,8%, một số doanh nghiệp có quy mô tài sản nhỏ hơn như Hà Đô ghi nhận tỷ trọng 3,5%,…

Tài sản ông Phan Văn Đạt vượt 1 tỷ USD, Phát Đạt có bao nhiêu tiền mặt? - Ảnh 3.

Nhận thấy rủi ro từ việc chỉ giữ mức tỷ trọng tiền mặt thấp sẽ tạo áp lực thanh khoản lớn cho công ty, cổ đông Phát Đạt đã từng nhắc nhở công ty về điều này,  lượng tiền mặt thấp, trong khi các khoản phải thu của doanh nghiệp khá lớn và có xu hướng tăng qua các kỳ kế toán.

Trong khi ông Phan Văn Đạt cho rằng, quan điểm của công ty là không giữ nhiều tiền mặt mà phải đem đi đầu tư sinh lợi nhuận.

"Phát Đạt kinh doanh bất động sản, chúng ta đi huy động tiền thì không có lý do gì chúng ta để tiền mặt nhiều trong công ty. Chúng ta phải trả lãi hàng ngày nên việc Phát Đạt sử dụng tất cả các nguồn tiền có được để đầu tư hiệu quả là việc phải làm, miễn sao chúng ta có dòng tiền tốt, ổn định để hoạt động và kinh doanh", ông Đạt trả lời cổ đông và nhấn mạnh việc để tiền dư ở công ty sẽ không bao giờ có.

Thực tế từ năm 2018, Phát Đạt đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu để đầu tư vào các dự án đất nền miền Trung, riêng tổng mức đầu tư cho dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội - Bình Định trên 25.000 tỷ đồng. Trong năm 2019, Phát Đạt đã có 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng và năm 2020  có ba đợt phát hành với giá trị 510 tỷ đồng.

Song song với việc đầu tư, kết quả kinh doanh của Phát Đạt hai năm trở lại đây cũng liên tục tăng trưởng khi các dự án đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.

Quý I vừa rồi, Phát Đạt lãi ròng gần 252 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 13,5% kế hoạch năm đề ra. Trong đó, lợi nhuận chủ yếu đến từ việc bàn giao một số sản phẩm đất nền tại dự án Phân khu số 2, Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định (tên thương mại Nhơn Hội New City).

Sau giai đoạn phát triển tại các đô thị ven biển, hiện nay Phát Đạt đang từng bước mở rộng sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và năng lượng tái tạo. Trong đó, phía doanh nghiệp cho biết mảng năng lượng chỉ triển được khai khi thỏa mãn yếu tố pháp lý và mục tiêu lợi nhuận.