Đối với người dân Trung Quốc, việc ăn thịt lợn không đơn thuần chỉ là một phần thực phẩm thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, mà đó còn được tôn vinh là "biểu tượng" cho thời đại có chất lượng sống tốt hơn so với quá khứ, theo South China Morning Post.
Quay về thời kì trước, khi hầu hết mọi nhu cầu hàng ngày đều được quản lí một cách nghiêm ngặt thông qua hình thức tem phiếu, việc mỗi gia đình sở hữu phiếu mua thịt lợn (từ 500 gram đến một kilogram) là thước đo cho đời sống khá giả mà chỉ người dân thành phố mới có. Một số vùng quê nghèo, những bữa ăn có thịt lợn được đánh giá là "thịnh soạn và xa xỉ" và chỉ xuất hiện vào hai dịp đặc biệt, là sinh nhật và Tết Nguyên đán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể lại rằng, khi ông còn là một thanh niên sống ở một ngôi làng nghèo ở tỉnh Thiểm Tây vào đầu những năm 1970, ông và bạn cùng phòng đã đặt tay lên một tảng thịt lợn đông lạnh, và ngay lập tức cắt một vài lát thịt sống để ăn khi chờ nước sôi quá lâu, chỉ để "xoa dịu" cơn thèm thịt lợn kéo dài trong ba tháng.
Chỉ riêng thịt lợn đã chiếm hơn 40% tổng lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Đến hiện tại, khi Trung Quốc vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hầu hết các nhu yếu phẩm hàng ngày tại quốc gia này đều khá dồi dào đến mức có thể đem đi xuất khẩu, việc thiếu thịt lợn trong khẩu phần ăn của người dân là điều gây bất ngờ.
Giá lợn tăng vọt trong 6 tháng qua cũng khiến cho tình hình thịt lợn tại xứ tỉ dân trở thành một "cơn khủng hoảng quốc gia".
Theo dữ liệu được công bố chính thức vào tuần trước, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng 46,7% so với cùng kì, tăng đáng kể so với con số 27% của tháng 7. Điều này đẩy mức lạm phát thực phẩm tăng từ 9,1% lên 10%. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,8%, gần chạm ngưỡng 3% mà chính phủ đề ra. Dự báo, giá thịt lợn sẽ tăng lên gấp đôi vào cuối năm và còn tiếp tục tăng cao trong đầu năm tới.
Nguyên nhân chính đẩy giá thịt tăng chủ yếu là do sự lây lan không kiểm soát của dịch cúm lợn châu Phi. Ước tính, khoảng một phần ba số lợn tại Trung Quốc đã chết do bệnh dịch này và sẽ còn tăng lên ngưỡng một nửa số lợn vào cuối năm. Tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhưng nó lại gây nguy hại lớn tới nền nông nghiệp, bởi gần như 100% số lợn mắc bệnh này sẽ chết.
Giá thịt lợn tăng mạnh từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2019 (Ảnh: FT).
Việc giá thịt lợn tăng không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn là một vấn đề chính trị nhạy cảm và cần được ưu tiên giải quyết, nhất là khi Trung Quốc đang vướng phải nhiều bài toán như tăng trưởng kinh tế chậm lại, cuộc biểu tình tại Hong Kong và cuộc chiến thương mại kéo dài với Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã và đang đón hai ngày lễ lớn trong năm, đó là Tết Trung thu (vào hôm thứ 6) và kỉ niệm 70 năm quốc khánh đất nước (vào ngày 1/10 sắp tới). Thịt lợn - thức ăn phổ biến trong mọi bữa cơm, hiện có giá quá cao, khiến cho người dân không còn mặn mà chi tiêu ở hai dịp lễ này. Và hiện tượng này được nhiều nhà kinh tế cảnh báo sẽ còn tái diễn vào Tết Nguyên đán.
Một số tỉnh tại Trung Quốc, như Nam Ninh, đang cung cấp các phiếu mua thịt lợn với giá ưu đãi nhưng hạn chế lượng mua, chỉ một kilogram mỗi ngày. Điều này tạo ra áp lực về bài toán chính sách cần giải quyết ngày một lớn, khi một số người dân đang có cảm giác "quay lại thời kì trước".
Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn phải "xả" kho dự trữ thịt lợn đông lạnh "chiến lược" ở cấp chính quyền quốc gia và địa phương, với mục đích bình ổn giá cả. Nhưng những kho dự trữ này cũng không đủ đáp ứng và sẽ thiếu hụt khoảng 13 triệu tấn trong năm nay.
Với 1,4 tỉ dân, Trung Quốc đang tiêu thụ một nửa số lượng thịt lợn trên toàn cầu, với khoảng 56 triệu tấn thịt lợn (tính trong năm 2018). Nhu cầu và sự cần thiết của thịt lợn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, 95% lượng thịt lợn mà người dân Trung Quốc đang tiêu thụ lại được cung cấp từ thị trường trong nước. Với việc người chăn nuôi để trống chuồng trại, do lo ngại sự bùng phát của dịch tả lợn, Trung Quốc đang thực sự đối mặt với vấn đề an ninh lương thực mang tầm cỡ quốc gia.
Theo báo cáo mới nhất mà South China Morning Post có được, xứ tỉ dân vẫn sẽ duy trì mức tự cung thịt lợn cao như hiện tại, và giữ mức nhập khẩu dao động từ 3-5%.
Chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đang gặp khó (Ảnh: SCMP).
Chăn nuôi lợn tại Trung Quốc là một ngành đầy biến động.Tuy nhiên, không giống như ngành chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Mỹ và các nước phương Tây khác, chăn nuôi lợn Trung Quốc chủ yếu nằm ở các hộ gia đình quy mô nhỏ ở nông thôn, dẫn đến ô nhiễm nước và đất nghiêm trọng.
Cách đây vài năm, ngành này từng phát triển bùng nổ. Kể từ năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã tiết lộ một loạt các biện pháp để điều chỉnh chăn nuôi lợn song song với giảm ô nhiễm. Các quan chức ở nhiều địa phương trở nên quá "nhiệt tình" và thực hiện các biện pháp quyết liệt để cấm chăn nuôi lợn, hoặc thiết lập các rào cản môi trường cao bất thường, khiến nhiều người chăn nuôi lợn chọn cách bỏ kinh doanh.
Vào khoảng tháng 2 năm ngoái, giá thịt lợn bắt đầu giảm, cho đến khi dịch cúm lợn bùng phát vào tháng 8 năm ngoái, lượng lớn chết nhiều làm cho người dân không còn đủ "dũng cảm" để tiếp tục chăn nuôi.
Mặc dù các quan chức đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp về môi trường, nhằm mục đích "lôi kéo" người chăn nuôi lợn quay trở lại, tình hình này sẽ còn mất nhiều thời gian để cải thiện, bởi vòng đời một con lợn từ khi sinh tới khi đem đi giết mổ, sẽ mất từ 10 tháng đến 1 năm.
Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều đang hối thúc các cơ quan quản lí thúc đẩy việc chăn nuôi lợn. Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa - người chịu trách nhiệm về vấn đề giá và cung thịt lợn, đã liên tiếp đến các địa phương để giải quyết khủng hoảng.
Giải quyết cung thịt lợn đang thiếu hụt trầm trọng là vấn đề bức thiết với chính phủ Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Trong những tháng qua, chính phủ Trung Quốc đã có một loạt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm lợn, đồng thời cam kết sẽ trợ cấp bằng tiền mặt cho các hộ chăn nuôi có lợn bị chết, như một biện pháp để khuyến khích tăng sản lượng. Bắc Kinh cũng đã đưa ra 3,23 tỉ nhân dân tệ để trợ cấp cho người tiêu dùng có thu nhập thấp có cơ hội mua thịt.
Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa đã xếp giá thịt lợn tăng cao và nguồn cung thịt lợn hạn chế là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu vào lúc này với chính phủ nước này.
Các cơ quan truyền thông tại nước này đang cố gắng hướng người dân sử dụng các sản phẩm thay thế, như thịt cừu và thịt bò, dưới danh nghĩa "thúc đẩy cuộc sống lành mạnh". Theo dữ liệu được công bố, mức tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc so với các loại thịt khác đã giảm từ khoảng 90% trong những năm 1980, xuống còn khoảng 60% ở thời điểm hiện tại.
Nhưng theo Wang Xiangwei, nguyên Tổng biên tập của SCMP: "Tất cả những nỗ lực đó là quá ít, hoặc quá muộn để giảm bớt cuộc khủng hoảng hiện tại, vì giá thịt lợn sẽ còn tăng trong những tháng tới".