Đang khủng hoảng thịt lợn trầm trọng ở Trung Quốc, nhưng ít ai biết dịch tả châu Phi đã khiến người nuôi lợn chịu thiệt hại như thế nào?

Nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn tăng vọt tới gấp đôi so với năm ngoái, song người nông dân Trung Quốc vẫn chưa mặn mà để quay trở lại với việc chăn nuôi loại gia súc này.

Nuôi hay không nuôi? Đó là câu hỏi cho những người nông dân Trung Quốc như Fang Xinlun, bởi kinh doanh trong ngành chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới trong thời gian qua, với anh, đã trở thành một canh bạc.

Fang điều hành một trang trại lợn ở Zhumadian ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Nhưng hiện tại, anh không sẵn sàng nuôi thêm lợn, do lo ngại về dịch cúm lợn châu Phi, loại virus đã khiến một nửa số lợn của Trung Quốc bị chết.

Thậm chí, Fang Xinlun còn tiêu cực đến mức không cho phép bất cứ ai khác, kể cả là bạn bè và người thân, đến gần trang trại lợn của mình, do lo ngại họ có thể bị nhiễm bệnh.

3b4e1840-d3af-11e9-a556-d14d94601503_image_hires_044016

Thịt lợn là thức ăn phổ biến với người dân Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

"Tôi và cả gia đình đã không ăn bất kì một bữa ăn nào ngoài nhà hàng trong nhiều tháng qua, bởi thức ăn bên ngoài có thể chứa virus. Tôi chưa đủ khả năng để nắm lấy bất cứ cơ hội chăn nuôi nào trong thời điểm hiện tại", Fang buồn rầu trả lời tờ South China Morning Post.

Trường hợp của Fang là điển hình cho tình hình nông nghiệp của Trung Quốc thời điểm hiện tại. Việc ngành chăn nuôi lợn lao đao, khiến nguồn cung giảm mạnh và giá cả tăng vọt, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh đã phải liên tiếp đưa ra những biện pháp khuyến khích nông dân tái đàn.

Nhưng đối với người chăn nuôi lợn tại Trung Quốc, vốn đã rất vất vả để "sống sót" qua những tổn thất tài chính, những hạn chế về chính sách môi trường, cũng như khả năng kiểm soát cúm lợn châu Phi yếu kém từ Bộ Nông nghiệp, khiến họ chưa mấy mặn mà quay trở lại với trang trại. Cầm cự đã khó, việc mở rộng chăn nuôi, vì thế càng không phải là một lựa chọn dễ dàng.

Liang Liyong, người quản lí một trang trại khoảng vài nghìn con lợn ở Jian, phía Nam tỉnh Giang Tây, cảm thấy bất lực vì mối đe dọa của cúm lợn châu Phi.

"Việc nuôi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của chúng tôi. Rủi ro chúng tôi tự phải chịu", ông Liang Liyong chia sẻ.

a8f05cd2-d52b-11e9-a556-d14d94601503_image_hires_184913

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. (Ảnh: South China Morning Post).

Chen Yun, một người nông dân nuôi lợn khác tại Jian, cũng tuyên bố anh đã phải chịu thiệt hại hơn 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 700.000 USD), sau khi trang trại khoảng 10.000 con lợn của anh bị nhiễm bệnh cúm lợn châu Phi vào tháng 6.

"Vấn đề lớn nhất là chúng tôi không có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Các công ty bảo hiểm địa phương cũng như chính phủ đã không đền bù cho chúng tôi những tổn thất, do sự lan truyền với tốc độ chóng mặt của dịch này", ông Chen bức xúc.

"Chúng tôi chôn những con lợn chết, rồi bán 10.000 con lợn sống, bao gồm lợn giống, lợn nái và cả lợn con, với giá rẻ như cho", người nông dân này nghẹn ngào.

"Giá bình quân của một con lợn vào tháng 6 là 16 nhân dân tệ ( tương đương 2,2 USD) một kg, nhưng vào lúc ấy, tôi chỉ bán với giá 3,6 nhân dân tệ. Tôi đã phải bán tống bán tháo lợn con với giá 100 hay 200 nhân dân tệ một con (khoảng 14 đến 28 USD) ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, và giờ giá lợn con đã tăng lên 1.500 nhân dân tệ (tương đương 211 USD). Trái tim tôi tan vỡ khi biết điều đó".

Ông Chen cũng không nhận được khoản bồi thường nào từ công ty bảo hiểm hay từ chính quyền địa phương, với lí do "cúm lợn châu Phi là sự kiện bất khả kháng, gây ra bởi một thảm họa tự nhiên hoặc không thể tránh khỏi hay lường trước".

a3a65196-d52b-11e9-a556-d14d94601503_1320x770_184913

Công nhân chăn nuôi và thú y địa phương, trong bộ đồ bảo hộ, khử trùng một trang trại lợn để phòng chống bệnh sốt lợn ở châu Phi. (Ảnh: Reuters).

Những nỗi lo sợ của người nông dân chưa thể dừng lại, bởi hiện vẫn chưa có vắc-xin. Các chính sách nông nghiệp và môi trường tại Trung Quốc cũng đang bị đánh giá là phân biệt đối xử giữa những trang trại lợn lớn và nhỏ.

Thị trường 1,4 tỉ dân của Trung Quốc đang tiêu thụ một nửa số thịt lợn trên toàn thế giới, nhưng 95% trong số đó được cung cấp từ trong nước. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực cứu ngành chăn nuôi lợn nước này bằng những lời kêu gọi.

Ông Yu Kangzhen, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, cho biết vào thứ Tư rằng nước này sẽ không tăng nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều này có vẻ đi ngược lại với thống kê vào năm ngoái, khi nước này có thể tự cung cấp 54 triệu tấn thịt lợn, nhưng lại tiêu thụ tới 56 triệu tấn.

Wang Zuli, nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, nói tại hội nghị nông nghiệp, rằng cúm lợn châu Phi sẽ làm giảm mạnh nguồn cung trong nước, đồng thời tạo ra khoảng cách giữa cầu và cung khoảng 10 triệu tấn. Con số này là vô cùng đáng lo ngại, khi tổng lượng thịt lợn có sẵn để xuất khẩu trên toàn thế giới chỉ rơi vào khoảng 8 triệu tấn.

1c651494-d48e-11e9-a556-d14d94601503_image_hires_104152

Nông dân Trung Quốc không mặn mà với việc chăn nuôi lợn. (Ảnh: SCMP).

Điều này gây ra tác dụng ngược, đó là đẩy giá thịt lợn tăng vọt. Giá lợn đã tăng gấp đôi trong tháng 8 vừa qua (khoảng 46,7%), so với cùng kì năm 2018. Chính vì thế, lợi nhuận gộp trung bình của một con lợn tăng kỉ lục, lên khoảng 1.500 nhân dân tệ.

Song những thông tin này chưa đủ hấp dẫn những người nông dân như Chen. Ông cũng đã tính đến việc quay trở lại với chăn nuôi, nhưng với quy mô khá nhỏ, chỉ khoảng 20 đến 30 con lợn nái.

Trang trại lợn của ông từng nuôi hàng vạn con, có lúc lên tới 25.000 con lợn một năm, giờ chỉ đủ sức cầm cự cho con số ít ỏi này. 

"Nếu vẫn còn dịch và vẫn còn virus, lợn nái sẽ chết. Nếu lợn nái may mắn có thể sống sót, tôi sẽ thử vận may của mình và nuôi khoảng một đến vài trăm con vào đầu năm tới".

"Chỉ có nông dân chúng tôi mới biết dịch bệnh cúm lợn ở châu Phi khủng khiếp như thế nào", ông Chen nhìn chuồng lợn trống rỗng, nói.